Xác ướp này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1935, khi một đoàn thám hiểm khảo cổ khai quật được một chiếc quan tài gỗ nằm bên dưới ngôi mộ của Senenmut - một kiến trúc sư và quan chức chính phủ Ai Cập cổ đại thuộc triều đại thứ 18 - đã mất vào năm 1463 TCN.
Chiếc quan tài chứa xác ướp của một người phụ nữ không rõ danh tính, đội tóc giả màu đen và đeo hai chiếc nhẫn bọ hung bằng bạc và vàng. Tuy nhiên, điều khiến các nhà khảo cổ học ấn tượng nhất lại chính là biểu cảm của bà với cái miệng mở to như thể đang rên rỉ.
Họ gọi xác ướp này với tên gọi: "Người đàn bà la hét".
Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã sử dụng những kỹ thuật khoa học tiên tiến nhất để khám nghiệm xác ướp và tìm hiểu về cuộc đời cũng như cái chết của bà. Các kỹ thuật quét tiên tiến cho thấy người phụ nữ chết trong tư thế nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng và hai tay đặt trên háng.
Bà bị mất một số răng (có thể mất trước khi chết) và cao khoảng 1,54 mét khi còn sống. Hình ảnh chụp CT ước tính bà qua đời lúc khoảng 48 tuổi và bị viêm khớp nhẹ ở cột sống. Cùng với đó, những phân tích cũng cho thấy "người phụ nữ la hét" này đã được ướp xác bằng cây bách xù và nhũ hương – những nguyên liệu đắt tiền phải nhập khẩu vào Ai Cập.
Các nhà khảo cổ học đã khai quật ngôi mộ của Senenmut - người được cho là người tình của nữ hoàng nổi tiếng Hatschepsut. Bên dưới ngôi mộ của Senmut, người ta tìm thấy một phòng chôn cất riêng cho mẹ của ông là Hat-Nufer và những người họ hàng khác không xác định - bao gồm cả "Người phụ nữ la hét".
Các nhà nghiên cứu cho biết, từ tính hiếm và chi phí của vật liệu ướp xác, có thể loại trừ khả năng bất cẩn trong quá trình ướp xác. Tiến sĩ Sahar Saleem (Đại học Cairo) cho biết: "Biểu cảm la hét trên khuôn mặt của xác ướp có thể được hiểu là hiện tượng co thắt Cadaveric"
Co thắt Cadaveric, còn được gọi là co thắt sau khi chết là một dạng cứng cơ hiếm gặp xảy ra vào thời điểm chết, thường liên quan đến những cái chết trong điều kiện khắc nghiệt, cảm xúc dữ gội.
Tiến sĩ Saleem nói thêm: "Người phụ nữ la hét thực sự là một minh chứng về cách bà chết và được ướp xác".
Xác ướp cũng được phát hiện với não, cơ hoành, tim, phổi, gan, lá lách, thận và ruột vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, nguyên nhân tử vong vẫn chưa được xác định rõ ràng. Điều này khiến các nhà khoa học khá bất ngờ bởi phương pháp ướp xác cổ điển ở Vương quốc Ai Cập mới – giữa năm 1550 và 1069 TCN – sẽ loại bỏ gần hết các cơ quan nội tạng ngoại trừ tim.
Theo Phạm Trang (Nguoiduatin.vn)