"Quả bóng hạt nhân" của Tổng thống Mỹ thực chất là chiếc cặp đen chứa những mật mã cần thiết để kích hoạt lệnh tấn công hạt nhân nhằm vào bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Theo báo New York Times, mọi Tổng thống Mỹ từ thời John F. Kennedy luôn được một trợ lý quân sự tháp tùng, mang theo chiếc cặp quyền lực để vị tổng tư lệnh có thể điều hành các lực lượng hạt nhân từ xa, dù ông có ở Nhà Trắng hay không.
Theo The Guardian, thực tế có 3 “quả bóng hạt nhân”, một chiếc luôn sát cảnh cùng Tổng thống khi ông rời Nhà Trắng, một chiếc khác cho phó tổng thống và một chiếc vali còn lại được cất trong Nhà Trắng. Đến nay, chưa một Tổng thống nào của nước Mỹ phải dùng đến chiếc vali hạt nhân.
Bí ẩn bên trong “quả bóng hạt nhân”
Trong các bộ phim bom tấn, Tổng thống chỉ cần mở chiếc vali chứa “quả bóng hạt nhân”, bấm nút là kích hoạt được một cuộc tấn công chuẩn xác tới bất cứ đâu.
Tuy nhiên, thực tế thì Tổng thống Mỹ không có nút bấm phóng vũ khí hạt nhân như mọi người vẫn tưởng. Thay vào đó, chiếc vali nặng khoảng 20 kg chứa các thiết bị và tài liệu liên quan đến mệnh lệnh khai hỏa hạt nhân của Tổng thống Mỹ.
Theo The Washington Post, chiếc vali hạt nhân chứa 4 “báu vật”. Đầu tiên là một cuốn sách bìa đen dày 75 trang, liệt kê các lựa chọn tấn công và mã phóng cho từng loại vũ khí. Tiếp theo là một tấm thẻ có biệt hiệu “biscuit” (bánh quy) chứa các mã định danh của riêng vị tổng thống đó. “Báu vật” thứ 3 là một bản hướng dẫn dày 10 trang để sử dụng Hệ thống liên lạc khẩn cấp và một danh sách các khu vực tối mật an toàn mà tổng thống có thể dùng đến.
Ngoài ra, chiếc vali được cho là còn chứa hệ thống thiết bị để Tổng thống có thể giữ liên lạc với Trung tâm chỉ huy quân sự quốc gia tại Lầu Năm Góc hay “Phòng chiến tranh”, vốn là cơ quan theo dõi mối đe dọa hạt nhân trên toàn thế giới.
Với 4 " báu vật" trong vali hạt nhân này, Tổng thống Mỹ phải mất một khoảng thời gian với quy trình từ trên xuống, chặt chẽ và liên quan đến nhiều nhân vật chủ chốt thì vũ khí hạt nhân mới được khai hỏa.
Quy trình kích hoạt vũ khí hạt nhân
Một cựu quan chức cấp cao Nhà Trắng chia sẻ trên BBC rằng quy trình đưa ra quyết định phóng hạt nhân sẽ tùy thuộc vào từng hoàn cảnh khác nhau. Nếu như đây là một quyết định manh tính dài hạn và được tính toán kỹ lưỡng như tấn công phủ đầu một nước nào đó, quá trình này sẽ có sự tham gia của nhiều người. Những nhân vật quan trọng như Phó tổng thống, Cố vấn an ninh quốc gia và nhiều vị trí then chốt trong nội các sẽ cùng tham dự để đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn, tổng thống sẽ toàn quyền quyết định.
Trả lời hãng tin DW, chuyên gia về hệ thống chỉ huy điều khiến hạt nhân của Mỹ Bruce Blair, cho biết, Washington đã xây dựng một quy trình họp tham vấn từ xa để kết nối các cố vấn hàng đầu với phòng họp Tổng thống Mỹ trong trường hợp họ đang ở xa.
Tổng thống cần trao đổi với một nhân vật quan trọng là Chỉ huy các lực lượng chiến thuật của Mỹ tại Omaha, Nebraska. Đây sẽ là người phân tích cho người đứng đầu Nhà Trắng về những lựa chọn có sẵn và các hệ quả. Người này sẽ tham vấn Tổng thống về các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như liệu ông ấy có muốn tránh đánh vào các vùng đô thị đông dân cư hay không.
Sau khi Tổng thống Mỹ đưa ra lựa chọn tấn công, lệnh khai hỏa sẽ chuyển đến Phòng chiến tranh. Đây là lúc Phòng chiến tranh yêu cầu tổng thống xác thực lệnh bằng mã trong “biscuit”. Với mật mã chính xác, Lầu Năm Góc sẽ chuyển thông điệp khẩn hoặc lệnh phóng tên lửa hạt nhân đến các đơn vị được tổng thống lựa chọn.
Theo hãng Bloomberg, lệnh phóng này có độ dài 150 ký tự, được mã hóa, kèm theo các mã đặc biệt để mở khóa vũ khí hạt nhân. Mệnh lệnh này bao gồm cả chỉ dẫn cho các chỉ huy thực hiện lệnh phóng và thời gian khai hỏa. Chỉ vài phút sau, các thành viên thực hiện kế hoạch tấn công sẽ nhận lệnh.
Sau khi nhận lệnh khai hỏa, đội phóng tên lửa hoàn thành nhiệm vụ trong khoảng 10-15 phút. Một khi tên lửa hạt nhân đã nhận được lệnh phóng, không có cách nào thu hồi.
Theo Thảo Nguyên (Kienthuc.net.vn)