Cuối tuần qua, tình trạng mất điện gây hỗn loạn cho 361 chuyến bay và 65.000 hành khách tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở thủ đô Manila. Sự cố trở thành tiêu đề trên báo chí toàn cầu cho thấy tình trạng khủng hoảng hạ tầng công mà Philippines đang đối mặt, trong khi Trung Quốc có lợi thế để khắc phục thông qua sáng kiến Vành đai Con đường và các chương trình cho vay khác.
Tình trạng mất điện đột ngột gây ra cảnh xếp hàng dài hỗn loạn trước các quầy làm thủ tục trên khắp Philippines, khi hàng ngàn người tìm cách đặt lại vé máy bay để thoát khỏi cảnh tắc nghẽn nhiều ngày tại một trong những sân bay trì trệ nhất thế giới.
Vụ lộn xộn ở sân bay cho thấy một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hơn ở Philippines. Năm ngoái, những đợt cắt điện trên khắp cả nước trùng với thời điểm tăng giá điện, khiến các nhóm doanh nghiệp hàng đầu cảnh báo nguy cơ gián đoạn kinh tế nghiêm trọng do nguồn cung điện đắt đỏ và không đáng tin cậy.
Bộ trưởng năng lượng Philippines thừa nhận tình hình năm nay sẽ khó khăn hơn. Trong khi đó, nguồn khí tự nhiên lớn nhất của nước này ở mỏ Malampaya dự kiến sẽ cạn kiệt vào cuối năm tới. Đối mặt với nợ công và lạm phát tăng cao, Tổng thống Marcos Jr. đang rất cần nguồn vốn và các khoản đầu tư mới từ nước ngoài để có thể triển khai chương trình kinh tế.
Ông Marcos Jr. kế thừa các vấn đề đau đầu từ chính quyền tiền nhiệm. Năm 2017, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ước tính khu vực này đang cần 459 tỷ USD vốn hạ tầng hằng năm. Ở Philippines, khoản thiếu hụt mỗi năm lên đến 11 tỷ USD.
Khoảng cách đó thể hiện rõ nhất ở NAIA, tên cũ là sân bay quốc tế Manila, bắt đầu hoạt động từ 75 năm trước. Nằm gần trung tâm vùng đô thị Manila, NAIA giờ vẫn phải vật lộn với tình trạng giao thông ngột ngạt và kết nối kém.
Năm ngoái, NAIA được xếp vào nhóm 3 sân bay chịu áp lực lớn nhất ở châu Á, bị đưa vào danh sách những sân bay tệ nhất thế giới đối với hành khách doanh nhân.
Trung Quốc, một cổ đông lớn của Tập đoàn điện lưới quốc gia Philippines (NGCP), có thể đóng vai trò bản lề để giải quyết tình trạng nghẽn cổ chai và khủng hoảng năng lượng của Philippines. Trong 6 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Marcos Jr. gọi Trung Quốc là “đối tác mạnh nhất” và nguồn cung cấp vốn phát triển hạ tầng “đáng tin cậy” của Philippines.
Tổng thống Philippines muốn duy trì mức chi 5-6% GDP cho phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, Philippines đang đối diện với mức nợ cao kỷ lục trong 16 năm và chỉ một vài trong số những dự án hạ tầng lớn của chính quyền Duterte đã hoàn thành.
Trong bối cảnh đó, ông Marcos Jr. thăm Bắc Kinh với mong muốn Trung Quốc rót thêm vốn để phát triển ngành điện và kết nối hạ tầng của Philippines.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Marcos Jr. trở thành tiêu đề trên báo chí với việc hủy 3 dự án lớn của Trung Quốc vì thiếu vốn. Trong chuyến thăm lần này, nhà lãnh đạo Philippines có thể sẽ thúc giục Bắc Kinh đưa ra những cam kết đầu tư rõ ràng và hữu hình hơn.
Hai bên dự kiến cũng sẽ đánh giá lại những kế hoạch trước đó về việc hợp tác khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp thuộc Biển Đông, khi dự án Malampaya sắp hết hạn. Tuy nhiên, chưa rõ ông Marcos Jr. sẵn sàng nhượng bộ Trung Quốc những gì, trong khi Manila đang làm ấm lại và mở rộng hợp tác quân sự với Washington.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)