Hơn một tháng kể từ sau khi Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX (Đại hội XX) bế mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tích cực gặp gỡ lãnh đạo nhiều quốc gia.
Kênh CNBC (Mỹ) dựa trên các thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp gỡ với 25 nguyên thủ quốc gia tính từ 31/10 đến 6/12. Gần đây nhất, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Bắc Kinh ngày 1/12. Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công du Trung Quốc vào đầu tháng 11.
Ông Michael Cunningham tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Heritage (Mỹ) nhận định: “Năm nay, kể từ chuyến đi dự hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào tháng 9, Chủ tịch Tập Cận Bình đã xuất hiện nhiều hơn và tương tác nhiều hơn với cộng đồng quốc tế. Đó sẽ là một thách thức đối với Mỹ”. Tại hội nghị SCO ở Uzbekistan trong tháng 9, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và lãnh đạo nhiều nước khác.
Theo ông Cunningham, nỗ lực xây dựng liên minh của Mỹ phần nào được hỗ trợ bởi sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với các sự kiện quốc tế trong 3 năm qua. Chính quyền Tổng thống Biden đã gọi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh đồng thời tăng cường quan hệ của Mỹ với các quốc gia khác, đặc biệt những nước tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đáng chú ý là trong vài tuần qua, lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Indonesia và Italy đều đã gặp gỡ cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Các nhà phân tích tại Eurasia Group (Mỹ) trong báo cáo ngày 18/11 nhận định: “Chủ tịch Tập Cận Bình đã khôi phục tần xuất ngoại giao thời kỳ trước đại dịch qua cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước dự hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali (Indonesia)”. Họ đánh giá: “Hầu hết các cuộc gặp của Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy triển vọng tích cực cho ổn định các mối quan hệ”.
Vào ngày 14/11, nhà lãnh đạo Trung Quốc lần đầu gặp gỡ trực tiếp Tổng thống Mỹ Biden kể từ khi ông này chính thức tuyên thệ nhậm chức. Cuộc gặp được coi là đoạn tạm dừng của xu hướng đi xuống trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm nay. Tuần sau đó, lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước Mỹ và Trung Quốc cũng gặp gỡ lần đầu tiên kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan (Trung Quốc) trong tháng 8.
Cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Biden còn là tín hiệu cho người dân Trung Quốc thấy mối quan hệ với Mỹ tương đồng với cụm từ Bắc Kinh thường sử dụng đó là “đôi bên cùng có lợi”, “tôn trọng lẫn nhau”.
Ông Cunningham phân tích: “Hiện nay môi trường chính trị của Trung Quốc đã khác biệt. Ông Tập Cận Bình đang cố gắng đưa các mối quan hệ trở lại đúng hướng, do vậy, tình thế là khá tích cực đối với Trung Quốc”.
“Đối với Trung Quốc, đúng hướng và tình thế tích cực là khi những quốc gia hùng mạnh của thế giới như Mỹ, Tây Âu, một số nước Đông Á; không phản đối Trung Quốc phát triển thành cường quốc toàn cầu”, ông Cunningham cho hay.
Trong phát biểu tại Đại hội XX vào tháng 10, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc đã “bảo vệ phẩm cách Trung Quốc” trước những thay đổi của quốc tế đồng thời cảnh báo về “cơn bão nguy hiểm” trước mắt.
Theo Hà Linh (Báo Tin Tức)