Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2014 tại Australia (Ảnh: The Brics Post) |
Ngày 3/8, trong cuộc tiếp xúc với giới truyền thông, Vụ trưởng phụ trách các vấn đề Á - Âu thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quế Tòng Hữu phát biểu:
"Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là vị khách quan trọng nhất tại thành phố Hàng Châu - địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước kinh tế lớn G20".
Tuy nhiên, theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 3/9 cho hay, "vị khách quan trọng nhất" của Bắc Kinh luôn âm thầm đưa ra thông điệp, ông sẽ thảo luận về các vấn đề địa chính trị tại hội nghị trên.
Điều này có thể sẽ phá hỏng chủ đề thảo luận chính - kinh tế và môi trường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước đó, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng, Hội nghị G20 năm 2016 sẽ chỉ thảo luận về các vấn đề kinh tế và phát triển, không đề cập tới các vấn đề chính trị như tranh chấp chủ quyền. Trong đó, các vấn đề tranh chấp lãnh hải như căng thẳng ở biển Đông luôn bị Bắc Kinh né tránh.
VOA dẫn lời truyền thông Nga thông báo, tại G20 Tổng thống Putin có kế hoạch gặp mặt các nguyên thủ hàng đầu thế giới như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng đức Angela Merkel, Thủ tướng Ấn Độ Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) từng khen Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "người bạn tốt" trong cuộc phỏng vấn của Tân Hoa Xã hồi tháng 4/2016. (Ảnh: Newsweek.com) |
"Những động thái này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến dự định muốn đưa Moscow trở thành "bạn tốt" của Bắc Kinh và làm giảm nỗ lực ảnh hưởng của các quốc gia phương Tây khác trên bàn đàm phán G20", VOA nhận định.
Trung Quốc vốn cho rằng, do kinh tế đang gặp sức ép vì giá dầu giảm cùng sự "cô lập" của phương Tây vì vấn đề Ukraine nên Moscow đang vô cùng cần đến và ỷ lại vào sự ủng hộ của nước này.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, hiện nay Tổng thống Putin đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng và thiết lập quan hệ với Nhật Bản - quốc gia luôn được Trung Quốc coi như một đối thủ.
Cụ thể, ông Arthur R. Kroeber - Giám đốc Công ty tư vấn thương mại Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Bắc Kinh chỉ ra rằng:
"Đây là nước cờ đặc biệt của Nga. Trung Quốc biết Nga đang gặp khó khăn về kinh tế và bị các nước phương Tây cô lập nên rất cần bạn bè... Đây là mối quan hệ mang tính tạm thời và không có bất cứ ý nghĩa nào về mặt chiến lược".
Giới phân tích nhận định, những cuộc gặp bên lề hội nghị G20 của Tổng thống Putin với các nhà lãnh đạo thế giới thực chất chỉ nhằm giảm sự tức giận của các nước phương Tây đối với Nga khi nước này đang có nhiều sự can thiệp quân sự tại Ukraine.
Một số ý kiến khác cho rằng, tại G20, Tổng thống Putin không cố ý "giành ảnh hưởng" với Chủ tịch Tập Cận Bình bởi nước Nga chỉ muốn xây dựng các mối quan hệ quốc tế, tháo gỡ bài toán kinh tế và bắt tay với Trung Quốc đối phó với thách thức toàn cầu.
TT Obama kêu gọi ông Tập "có trách nhiệm" về biển Đông
Ngay trước thềm G20, Tổng thống Obama khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 3/9 đã thúc giục Bắc Kinh tuân thủ nghĩa vụ pháp lý của nước này và nhấn mạnh cam kết của Mỹ với các đồng minh trong khu vực.
Reuters (Mỹ) cho biết, trong cuộc họp với ông Tập, Tổng thống Mỹ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ nghĩa vụ đối với hiệp ước hàng hải quốc tế trong tình hình tranh chấp ở Biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CNN ngày 2/9, ông Obama đề cập đến những tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước tại Biển Đông và cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng sức mạnh để gây hấn trong khu vực.
Theo đó, Tổng thống Obama cho biết, Mỹ ủng hộ Trung Quốc "trỗi dậy hòa bình" nhưng Bắc Kinh cần phải nhận ra rằng "sức mạnh càng lớn, trách nhiệm càng cao" và nhấn mạnh nước này cần tuân thủ luật pháp quốc tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) hội kiến Tổng thống Mỹ Brack Obama tại cuộc họp bên lề Hội nghị G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc hôm 2/9. (Ảnh: Thepaper.cn) |
"Chúng tôi sẽ cho họ thấy hậu quả của việc vi phạm quy định quốc tế hay việc sử dụng sức mạnh để đe dọa các nước", người đứng đầu nước Mỹ ám chỉ đến những hoạt động quân sự của Trung Quốc tại biển Đông, trong đó bao gồm cả việc xây dựng các đảo nhân tạo lớn.
"Khi đã chấp nhận sự ràng buộc của công ước và quy tắc quốc tế, mục đích không phải vì [chúng ta] cần phải chịu sự ràng buộc đó mà là do [chúng ta] nhận thức được về lâu dài, trật tự quốc tế xây dựng trên nền tảng vững chắc phù hợp với lợi ích quốc gia mỗi dân tộc", Obama nhấn mạnh.
Ông chủ Nhà Trắng còn nhắc nhở Trung Quốc cần tích cực thay đổi, hoàn thiện về những lĩnh vực như công bằng trong tự do giao dịch thương mại và các chính sách kinh tế.
Theo Thủy Thu (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)