Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) được cho là nắm bằng chứng về mối liên hệ giữa đội ngũ cố vấn của Tổng thống Donald Trump với tình báo Nga trong việc công bố các thông tin bất lợi nhằm phá hoại chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, báo Independent cho biết.
Independent dẫn nguồn tin từ giới chức Mỹ cho biết các thông tin trên là một phần trong số những vấn đề mà Giám đốc FBI James Comey đã đề cập đến trong bài phát biểu của ông trước Quốc hội Mỹ hôm 20/3. Ông Comey thông báo rằng FBI đang điều tra mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và chính phủ Nga.
Cũng theo các nguồn tin trên, FBI đang xem xét các thông tin tình báo, các chuyến viếng thăm, các mối làm ăn, các cuộc ghi âm điện thoại và một vài cuộc gặp riêng tư giữa các cá nhân để làm rõ mối liên hệ giữa đội ngũ cố vấn của Tổng thống Trump với phía Nga. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng lưu ý rằng FBI vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề này.
Các thông tin đáng lưu ý trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Comey thông báo cơ quan này đã bắt đầu tiến hành điều tra các hoạt động khả nghi do chiến dịch tranh cử của tỷ phú Trump thực hiện. Đến nay, FBI đã điều tra 4 cựu cố vấn trong đội ngũ cộng sự của Tổng thống Trump gồm Michael Flynn, Paul Manafort, Roger Stone và Carter Page vì nghi ngờ những người này bí mật liên hệ với phía Nga. Tuy nhiên, cả 4 cố vấn này đều phủ nhận cáo buộc của FBI.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer ngày 20/3 đã bác bỏ khả năng xảy ra sự thông đồng giữa đội ngũ của ông Trump với giới chức Nga. “Việc (FBI) tiến hành điều tra và có trong tay bằng chứng là hai điều khác nhau”, ông Spicer khẳng định. Về phần mình, FBI được cho là sẽ sớm công bố kết luận chính thức dựa trên những bằng chứng thu thập được.
Giới chức Mỹ cho biết một trong số những trở ngại khiến FBI gặp khó khăn trong quá trình tìm bằng chứng cho cáo buộc của mình là các cố vấn của ông Trump và phía Nga đã dừng mọi kênh liên lạc với nhau trong những tháng gần đây sau khi công chúng Mỹ đổ dồn sự chú ý vào vấn đề này. Ngoài ra, một số quan chức Nga cũng đã thay đổi phương thức liên lạc, từ đó khiến cho việc giám sát trong quá trình điều tra trở nên khó khăn hơn.
Trước đó, trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, có nhiều đồn đoán cho rằng Nga đã đột nhập hệ thống máy tính của đảng Dân chủ Mỹ để tạo lợi thế cho ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, giúp ông đánh bại đối thủ Hillary Clinton. Tuy nhiên, Moscow đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này và khẳng định Nga không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Theo Thành Đạt (Dân Trí)