Theo Reuters, Lầu Năm Góc đã ra quyết định tạm dừng hoạt động của tiêm kích F-35 trong vòng 30 ngày sau khi phát hiện có dấu hiệu của sự ăn mòn xung quanh các ốc vít trên máy bay.
Lực lượng không quân phát hiện ''sự ăn mòn vượt quá giới hạn kỹ thuật'' trong quá trình bảo trì định kỳ tại Căn cứ Không quân Hill ở Utah. Vị trí xuất hiện ăn mòn nằm giữa lớp vỏ sợi các bon với khung nhôm.
Lầu Năm Góc tuyên bố, mặc dù vấn đề ăn mòn trên tiêm kích F-35 hiện nay không ảnh hưởng đến các chuyến bay, cũng không ảnh hưởng đến mức độ an toàn của F-35, tuy nhiên vấn đề này cần được giải quyết để ngăn ngừa sự ăn mòn trong tương lai.
Lockheed Martin đang kiểm tra mức độ ăn mòn trên toàn bộ 250 máy bay F-35 được triển khai cho quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh.
Theo ông Joe Dellavedov, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, các vết gỉ sắt trên tiêm kích F-35 là do nhà phát triển Lockheed Martin gây ra.
"Trong tương lai các lỗi vừa được tìm thấy trên F-35 phải được sửa chữa. Thế nhưng chúng không đe dọa đến an toàn của các chuyến bay của F-35", ông Dellavedov nói với Bloomberg.
Thông tin trên được Lầu Năm Góc công bố ngay sau khi tờ Business Insider tiết lộ rằng, các nhà cung cấp phụ tùng và trang thiết bị bảo đảm cho máy bay tiêm kích-ném bom thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ đã không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của sản phẩm này.
Hiện nay Lầu Năm Góc không thể sử dụng 20% số máy bay của mình vì thiếu các bộ phận nhỏ lẻ để động bộ chúng.
Cơ quan kiểm tra giám sát của chính phủ Mỹ đã công bố một bản báo cáo với nội dung cho biết rằng, tính từ tháng 1/2017 đến tháng 8/2017 với mỗi lô sản phẩm 5 chiếc F-35 thì có ít nhất 1 chiếc không thể cất cánh do thiếu phụ tùng.
Đại diện của công ty Lockheed Martin (nhà phát triển F-35) cho biết, công ty này đã dự đoán được những khó khăn này. Và họ tuyên bố rằng, họ sẽ khắc phục được tình trạng này trong thời gian sớm nhất.
Trong bản báo cáo nhóm nghiên cứu cũng đưa ra vấn đề về cách làm việc của một số lãnh đạo quân đội, vì họ đã gây khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận với các nhà cung cấp, đặc biệt là những thủ tục hành chính và giá thành của hợp đồng.
Nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức mạnh của Không quân Mỹ. Bởi vì theo kế hoạch đến năm 2021, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tăng gấp 3 số lượng máy bay F-35. Và tình hình sẽ trở nên rất trầm trọng nếu Mỹ không giải quyết triệt để vấn đề này.
F-35 vốn được biết đến là chiến đấu cơ tỷ đô của Mỹ, song dòng tiêm kích này còn rất nhiều thiếu sót. Mỹ đã phát hiện ra gần 300 lỗi nghiêm trọng của F-35 buộc phải được khắc phục. Một trong số đó là lỗi với hệ thống pháo 25 mm có độ rung quá mạnh, cũng như cách ngắm bắn khẩu pháo này bằng mũ thông minh HMDS của phi công F-35.
Việc cải thiện phần mềm phân tích lỗi (ALIS) cũng diễn ra rất chậm chạp. Bên cạnh đó là những vấn đề như các linh kiện ở cánh đuôi bị quá nhiệt và xuống cấp quá nhanh khiến chúng rất dễ bắt lửa.
Theo Đông Hùng (Đất Việt)