Dữ liệu bí mật về máy bay chiến đấu mới, máy bay trinh sát và các tàu hải quân của Australia được cho là đã bị đánh cắp sau khi tin tặc tấn công một nhà thầu phụ của nước này.
Dữ liệu mật về các máy bay F-35 đã bị đánh cắp? (Nguồn ảnh: Reuters) |
Vụ việc xảy ra vào năm ngoái nhưng mới được cơ quan an ninh mạng quốc gia của Australia tiết lộ.
Theo CGTN.com, trong khoảng 30 gigabyte (GB) dữ liệu nhạy cảm bị đánh cắp, có thông tin kỹ thuật thuộc diện "hạn chế tiếp cận" của máy bay chiến đấu tàng hình F-35, máy bay tuần thám săn ngầm P-8 Poseidon, máy bay vận tải C-130, bom thông minh JDAM và "một số tàu hải quân Australia".
Đáng chú ý, trong danh sách kể trên có tới 4 loại vũ khí do Mỹ chế tạo.
Công ty kỹ thuật không gian vũ trụ (giấu tên) của Australia , với quy mô 50 nhân viên, đã bị tấn công vào tháng 7 năm ngoái nhưng theo website ZDNet Australia - đơn vị đầu tiên đưa thông tin về vụ tin tặc, phải tới tháng 11, Cơ quan Quản lý Tín hiệu Australia (ADS) mới biết về vụ việc.
Các quan chức an ninh mạng của Australia gọi tin tặc bí ẩn này là "Alf", theo tên một nhân vật trong bộ phim kịch truyền hình "Home and Away".
Theo tờ The Australian, ASD gọi giai đoạn từ tháng 7/2016 - tháng 11/2016 là "thời gian vui vẻ bí mật của Alf".
Stilgherrian là người đầu tiên đưa tin về vụ tấn công tin tặc trên tờ ZDNet Australia (Nguồn ảnh: cgtn.com) |
Mitchell Clarke - một nhân viên của ASD đã cung cấp cho Bộ quốc phòng Australia chi tiết về vụ tấn công mạng trong cuộc họp an ninh tại Sydney hôm thứ Tư.
"Kho lưu trữ đó chứa khoảng 30 gigabyte dữ liệu nhạy cảm về quốc phòng và thương mại. Trong đó có nhiều dữ liệu về ITAR (Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế)" - Tờ The Australiandẫn lời ông Clarke thông qua một đoạn băng ghi âm do nhà báo tự do Stilgherrian cung cấp. Đây cũng là người đầu tiên đưa tin về vụ tấn công tin tặc trên tờ ZDNet Australia.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Trung tâm an ninh mạng Australia cho biết, thông tin mà Clarke tiết lộ (là bị đánh cắp) không thuộc diện "tuyệt mật" hay "bí mật".
"Mặc dù công ty đó là nhà thầu có hoạt động liên quan tới an ninh-quốc gia và thông tin bị lộ tương đối nhạy cảm về mặt thương mại nhưng không phải là thông tin mật. Chính phủ Australia không có ý định thảo luận sâu hơn về vụ tấn công mạng lần này" - vị phát ngôn viên cho hay.
Bộ trưởng Công nghiệp và Quốc phòng Australia Christopher Pyne cũng xác nhận rằng thông tin bị đánh cắp là thông tin thương mại.
"Đó không phải thông tin mật và không gây nguy hiểm cho quân đội" - ông Pyne nói.
Theo QS (Soha/Thời Đại)