F-22 của Mỹ và T-50 PAK-FA của Nga: Ai hơn ai?

12/09/2015 09:36:33

Tạp chí The National Interest của Mỹ ngày 10.9 có bài so sánh 2 loại tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ và T-50 PAK FA của Nga để xem máy bay nào là số 1 nếu giáp chiến.

Tạp chí The National Interest của Mỹ ngày 10.9 có bài so sánh 2 loại tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ và T-50 PAK FA của Nga để xem máy bay nào là số 1 nếu giáp chiến.

Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên của thế giới, đã hoạt động từ 12 năm nay - Ảnh: Không lực Mỹ

 
Năm 2015 đánh dấu 10 năm chiếc tiêm kích tàng hình đầu tiên của thế giới, F-22 Raptor của Lockheed Martin chính thức phục vụ trong Không lực Mỹ. Tuy nhiên chỉ mới năm 2014 trở lại đây F-22 mới thực sự tham chiến khi không kích phiến quân IS ở Syria và Iraq.
 
Nay F-22 có đối thủ mới là T-50 của Nga và J-20 của Trung Quốc. Trong 2 đối thủ này, chỉ T-50 của Nga là xứng tầm so sánh với F-22 dù đang trong quá trình bay thử nghiệm.
 
T-50 của Nga có đặc điểm tương tự F-22, là máy bay chiến đấu bay nhanh, bay cao, có khả năng tàng hình. Tuy nhiên, người Nga chú trọng hơn vào một số đặc điểm nhất định và ít quan tâm hơn những đặc tính khác của dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
 
Một ví dụ điển hình là tính năng là tàng hình. Thiết kế của T-50 ít nhấn mạnh tính năng này so với F-22 nên F-22 có một lợi thế rất lớn so với máy bay của Nga.
 

T-50 PAK FA của Nga - Ảnh: bastion-karpenko

 

F-22 của Mỹ tại Estonia tháng 9.2015 - Ảnh: bmpd

 
Xét về động cơ, T-50 và F-22 là có thể so sánh được, đặc biệt là khi PAK-FA sẽ tiếp nhận động cơ mới. Hiện T-50 dùng động cơ phản lực Izdeliye 117 nhưng dự kiến dòng tiêm kích tàng hình của Nga cuối cùng sẽ trang bị động cơ Izdeliye 30 để khai thác tối đa năng lực của nó.
 
Tốc độ bay của hai máy bay này là tương đương, khi cả hai đều bay nhanh hơn tốc độ âm thanh. F-22 có thể duy trì một tốc độ trên Mach 1.8 (2.200 km/giờ) mà không cần sử dụng buồng đốt hai lần (afterburner), còn T-50 PAK-FA có thể đạt tốc độ ít nhất Mach 1.6 (gần 2.000 km/giờ) mà không dùng afterburner.
 
F-22 có thể bay cao đến 18,2 km và T-50 cũng tương tự.
 
Về tốc độ tối đa, F-22 giới hạn ở mức Mach 2.0 (2.450 km/giờ) do các hạn chế của vật liệu hấp thụ radar của máy bay này, và có lẽ T-50 cũng có tốc độ tương tự.
 
Trong khi F-22 giữ lợi thế tốt hơn về khả năng tàng hình, thì T-50 của Nga có lợi thế về khả năng cơ động. T-50 được trang bị động cơ có lực đẩy ba chiều khiến PAK-FA có lợi thế về sự nhanh nhẹn.
 

T-50 của Nga tuy yếu về tàng hình nhưng lại cực nhanh nhẹn hơn F-22 của Mỹ - Ảnh: arms-expo.ru

 

F-22 phóng thử tên lửa không đối không AIM-9X - Ảnh: Không lực Mỹ

 
Phi công T-50 của Nga còn được trang bị hệ thống tích hợp hiển thị mọi thông tin điều khiển quan sát ngay trên mũ phi công, cả hoạt động của tên lửa ngoài tầm nhìn phía trước của phi công. Còn mũ bay của phi công F-22 vẫn còn phải hoàn thiện cho đến năm 2020, phi công phải quan sát thông tin hiển thị ở tấm kính trước mặt.
 
Về hệ thống điện tử, F-22 tốt hơn T-50 với các cảm biến và giao diện hiển thị cho phi công trong buồng lái. Tuy nhiên T-50 được cho đang cải tiến phần này. Còn tổng thể các cảm biến có thể so sánh được, người Nga đã chế tạo radar và hệ thống tác chiến điện tử xuất sắc.
 

Mũ bay của phi công T-50 hiện đại hơn F-22 - Ảnh: topwar.ru

 

T-50 được trang bị động cơ có lực đẩy ba chiều giúp nó có lợi thế về sự nhanh nhẹn - Ảnh: bastion-karpenko

 
Cuối cùng, The National Interest nhận định rằng tất cả các so sánh giữa F-22 và T-50 là ngang bằng nhau, nhưng nếu khả năng tàng hình được nhấn mạnh thì T-50 PAK-FA có thể gặp bất lợi. Còn nếu khả năng tàng hình của F-22 được chứng minh là sai lầm thì T-50 PAK-FA sẽ chiến thắng.
 
Theo Anh Sơn (Thanh Niên Online)

Nổi bật