Phát biểu với báo giới, bà von der Leyen không nêu rõ nội dung gói trừng phạt thứ 9, song cho biết thêm EU cùng với Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) và các đối tác lớn khác sẽ sớm thông qua mức giá trần toàn cầu đối với dầu mỏ Nga.
Tháng trước, EU đã phê chuẩn lần cuối cùng gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga, trong đó siết chặt các biện pháp hạn chế thương mại đối với thép và các sản phẩm công nghệ.
Trong diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Rome, Bộ trưởng An ninh năng lượng và Môi trường Italy Gilberto Pichetto Fratin ngày 24/11 cho biết 15 quốc gia thành viên EU kêu gọi giới hạn giá khí đốt, dẫn đầu là Italy, đã quyết định bác bỏ cơ chế giới hạn mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất.
Phát biểu sau cuộc họp của 15 nước thành viên EU, được tổ chức trước một hội nghị của Hội đồng các vấn đề năng lượng, Bộ trưởng Pichetto Fratin cho biết: "Chúng tôi nhất trí không ủng hộ đề xuất của EC. Ở giai đoạn này, quan điểm của chúng tôi là đánh giá cả đề xuất của EC về giới hạn giá và các điều khoản khác của thỏa thuận”.
Cùng ngày, Ủy viên châu Âu phụ trách Năng lượng Kadri Simson xác nhận các đại sứ của EU đã không nhất trí được về việc áp giá trần đối với dầu mỏ Nga, và các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn.
Trong phản ứng của mình, Điện Kremlin ngày 24/11 cho biết Nga không có kế hoạch cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho những nước ủng hộ áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi… sẽ không cung cấp dầu và khí cho các nước sẽ áp đặt giá trần. Nhưng chúng tôi cần phân tích mọi thứ trước khi đưa ra quyết định”.
Theo kế hoạch, từ ngày 5/12 tới, các nước G7 sẽ giới hạn mức giá 65 - 70 USD/thùng đối với dầu mỏ của Nga xuất khẩu qua đường biển, tuy nhiên các nước EU vẫn chưa đạt thỏa thuận về mức giá cụ thể.