Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu hôm 23-11, bà Kadri Simson cho biết: "Đa dạng hóa, giảm nhu cầu, chính sách lưu trữ chung về năng lượng của chúng tôi đang tạo ra sự khác biệt".
Các chuyên gia nói với hãng tin RIA Novosti rằng EU thay thế khí đốt của Nga bằng việc tăng cường mua LNG từ Mỹ.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, tổng khối lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga, bao gồm cả LNG, giảm 39 tỉ m3. Trong cùng thời gian, nguồn cung cấp LNG từ Mỹ tăng gần 80%.
Năm ngoái, Nga chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Moscow cung cấp 155 tỉ m3 cho khối này, trong khi nhập khẩu năm nay dự kiến giảm xuống hơn 1/3.
Trong khi đó, các nhà phân tích từ Công ty nghiên cứu thị trường Kpler (Bỉ) cảnh báo việc thay thế nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga bằng LNG sẽ dẫn đến chi phí gia tăng đối với EU.
Không giống như khí đường ống thường được cung cấp theo các hợp đồng dài hạn, LNG được mua trên thị trường giao ngay và chi phí của nó có xu hướng cao hơn nhiều lần. Trong khi đó, việc EU tăng mua hàng LNG gây khó cho các nước đang phát triển, vì họ buộc phải cạnh tranh về giá với các quốc gia giàu có hơn.
Trong khi đó, vào ngày 23-11, EU không đạt được thỏa thuận liên quan đến mức giá trần đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga và sẽ nối lại các cuộc đàm phán sau đó.
Trước đó, đại diện của 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã gặp nhau tại Brussels để thảo luận về đề xuất của Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhằm đặt mức giá trần đối với dầu Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng. Tuy nhiên, con số này dường như quá thấp đối với một số nước, trong khi lại quá cao đối với một số nước khác.
Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao EU cho biết vẫn còn sự khác biệt về giá trần. Người này cho biết: "Cuộc gặp tiếp theo của đại sứ các nước EU sẽ diễn ra vào tối 24-11 hoặc ngày 25-11".
G7, cũng như EU và Úc, dự kiến áp dụng mức giá trần đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga vào ngày 5-12. Động thái này là một phần của các biện pháp trừng phạt nhằm cắt giảm doanh thu của Moscow từ xuất khẩu dầu mỏ.
Thế nhưng, mức giá trần là một vấn đề gây tranh cãi. Ba Lan, Lithuania và Estonia tin rằng mức 65-70 USD/thùng sẽ mang lại lợi nhuận quá cao cho Nga, khi chi phí sản xuất chỉ khoảng 20 USD/thùng.
Trong khi đó, Cyprus, Hy Lạp và Malta cho rằng mức giá trần đó quá thấp, yêu cầu phải bồi thường cho khoản lỗ của doanh nghiệp hoặc cần thêm thời gian để điều chỉnh. Ngành vận tải biển của các nước này chịu thiệt hại nhiều nhất nếu dầu Nga bị cản trở.
Một nhà ngoại giao nói với Reuters: "Ba Lan khẳng định họ không đồng ý với mức giá trên 30 USD/thùng. Cyprus muốn bồi thường. Hy Lạp muốn có thêm thời gian".
Theo Huệ Bình (Nld.com.vn)