Em bé tử vong trong ngày đầu đi làm của bảo mẫu

18/07/2024 16:18:50

Tưởng như tìm được cô bảo mẫu rất có kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh, cặp vợ chồng trẻ không ngần ngại chi ra số tiền lớn để thuê người này nhưng sau đó nhận ra đây là nhân vật không có kinh nghiệm khiến đứa con của cặp đôi sặc sữa, chết ngạt ngay trong ngày đầu đi làm.

Em bé tử vong trong ngày đầu đi làm của bảo mẫu
Một bảo mẫu được được trả lương hậu hĩnh vì lời quảng cáo có khả năng chăm sóc hậu sản chuyên nghiệp nhưng vô tình gây ra cái chết cho một đứa trẻ sơ sinh ngay trong ngày đầu đi làm. Ảnh: SCMP/Shutterstock/Douyin

Một cặp vợ chồng đến từ thành phố Tây An, tỉnh Thiển Tây, miền Trung Trung Quốc đã thuê nữ bảo mẫu này hồi tháng 4 thông qua trang tuyển dụng trực tuyến có tên Tian'e Daojia, báo SCMP đưa tin.

Theo thỏa thuận, gia đình đồng ý trả mức lương hàng tháng là 12.000 nhân dân tệ (gần 42 triệu đồng) cho cô bảo mẫu với hi vọng người phụ nữ có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sau sinh chuyên nghiệp cho cả sản phụ và đứa con trong tháng ở cữ.

Theo SCMP, thời gian ở cữ của một phụ nữ Trung Quốc có thể kéo dài từ một tháng đến 100 ngày, và với gia đình có bảo mẫum họ sẽ hỗ trợ toàn diện cho gia đình bao gồm chăm sóc trẻ em và chăm sóc cá nhân cho các bà mẹ mới sinh để giúp họ nghỉ ngơi và phục hồi sau ngày sinh nở.

Theo kênh truyền thông nhà nước CCTV, tại các thành phố hạng nhất như Thâm Quyến, mức lương trung bình của bảo mẫu chăm sóc sau sinh là 12.800 tệ một tháng (44,5 triệu đồng), và với những người có nhiều kinh nghiệm họ thậm chí còn có thể kiếm được hơn 20.000 tệ (70 triệu đồng) mỗi tháng.

Trở lại trường hợp của cặp vợ chồng ở Tây An, theo như người mẹ cho biết, vì con của bà sinh non và đã nằm viện ba tháng nên bà đặc biệt tìm kiếm một "bảo mẫu cao cấp" có thâm niên trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh sinh non.

Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu người bảo mẫu đi làm hôm 10/4, cặp vợ chồng nhanh chóng nhận ra sự thiếu chuyên nghiệp của người phụ nữ. Mặc dù ngay hôm đó cặp đôi đã nỗ lực liên lạc với công ty cung cấp dịch vụ để tìm người thay thế nhưng mọi cố gắng đều thất bại.

Em bé tử vong trong ngày đầu đi làm của bảo mẫu - 1
Đứa trẻ sơ sinh tử vong do bị sặc lượng sữa khá lớn trong phổi. Ảnh: Weibo.

Cho đến buổi tối, khi người cha đang cho đứa trẻ bú bình thì anh nhận thấy việc này thường chỉ mất 10 phút thì hôm nay con anh lại mất hơn nửa giờ vẫn không có phản ứng với đồ ăn. Cả hai vợ chồng hoảng hốt vội vã đưa đứa trẻ đến bệnh viện.

“Bác sĩ thông báo với chúng tôi rằng con tôi đã sặc một lượng sữa khá lớn vào phổi và không thể cứu được”, người mẹ nghẹn ngào kể lại.

Kết quả khám nghiệm tử thi của cảnh sát sau đó cũng xác nhận đứa bé tử vong do bị sặc sữa. Mặc dù cha mẹ đã báo cáo vụ việc ngay với cảnh sát, nhưng không có vụ việc nào được khởi kiện vì đây được coi là vấn đề dân sự. Những nỗ lực yêu cầu công ty giải thích và bồi thường của cặp đôi được cho là cũng không thành công.

"Công ty nói rằng họ có bảo hiểm và sẽ chỉ chịu 10% đến 20% trách nhiệm" người mẹ nói thêm.

Khi biết về thảm kịch này, ông Trần Hiểu Hoa (Chen Xiaohua), người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Tian'e Daojia, cho rằng rất có thể do là đứa trẻ sinh non nên em bé đã gặp một số các vấn đề về sức khỏe từ trước .

“Em bé mắc 15 căn bệnh nghiêm trọng khi mới sinh, trong đó có cả 'hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh'. Việc người bảo mẫu có phạm tội ngộ sát do vô ý hay không sẽ được xác định thông qua cuộc điều tra của cảnh sát và phán quyết của tòa án”, ông nói.

Vào ngày 15/7, trả lời với báo chí, dịch vụ chăm sóc khách hàng của Tian'e Daojiacho biết,công ty vẫn đang thảo luận với phía khách hàng để tìm biện pháp khắc phục hậu quả.

Em bé tử vong trong ngày đầu đi làm của bảo mẫu - 2
Nhiều ý kiến cho rằng nghề bảo mẫu ở Trung Quốc cần phải được quản lý chuyên nghiệp. Ảnh: Youtube.

Tuy nhiên, vụ việc sau khi được truyền thông Trung Quốc đăng tải đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trên toàn đại lục.

“Tôi là một người mẹ đang mang thai tháng thứ tám nhưng đọc được điều này cũng thấy quá đau lòng. Thật không thể tưởng tượng được người mẹ kia phải đau khổ đến mức nào”, một cư dân mạng tâm sự.

“Nghề chăm sóc sau sinh nên được coi là một chuyên ngành đại học. Chỉ sau khi vượt qua kỳ thi quốc gia, sinh viên sau đại học mới được phép hành nghề. Cần phải quản lý tốt công việc này khi nó hiện cung cấp mức thu nhập rất cao lại đang có nhu cầu rất lớn với công chúng”, một người khác nói.

QT (SHTT)