Năm 1993, xác ướp một phụ nữ được phát hiện trên dãy núi Altai ở vùng cao nguyên Ukok băng giá thuộc Siberia, Nga. Khi đó, các phương tiện truyền thông ưu ái gọi là xác ướp "công chúa Ukok" hay "thiếu nữ băng giá".
Sau khi phát hiện, các chuyên gia đã tiến hành một loạt kiểm tra, phân tích xác ướp "công chúa Ukok" và có những khám phá quan trọng. Trong đó, họ xác định đó là thi hài của một phụ nữ thuộc bộ lạc du mục Pazyryk.
"Công chúa Ukok" sống vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Bà qua đời ở tuổi 25 vì bạo bệnh, được chôn cất trong ngôi mộ băng vĩnh cửu cùng với nhiều đồ tùy táng giá trị. Điều này khiến các chuyên gia suy đoán bà có địa vị cao quý.
Người phụ nữ khá cao so với thời đó, khoảng 165 - 170 cm và nặng 49 kg. Bà mắc ung thư ở giai đoạn cuối đời. Dù bị bệnh rất nặng nhưng bà không bị những người trong bộ tộc bỏ lại. Họ đưa bà đi cùng, tới đồng cỏ chăn thả gia súc trên cao nguyên Ukok.
Sau khi qua đời, "công chúa Ukok" được chôn cất trong ngôi mộ có nhiều đồ tùy táng. Trong số này, các nhà nghiên cứu tìm thấy cần sa. Họ suy đoán bà đã dùng cần sa để giảm bớt những cơn đau từ bệnh ung thư và các vết thương.
Đặc biệt, trên xác ướp "công chúa Ukok", các nhà nghiên cứu bất ngờ khi nhìn thấy nhiều hình xăm nguyên vẹn theo thời gian.
Khi còn sống, bà xăm nhiều hình trên cơ thể bao gồm: hình một con hươu, phần mỏ của một quái vật sư tử đầu chim, gạc sừng của một con Nam dương Capricorn...
Kỳ bí hơn, sau khi xác ướp "công chúa Ukok" được khai quật và chuyển đến Novosibirsk, một số người dân địa phương cho rằng điều này "đánh thức lời nguyền".
Người dân cho hay những trận động đất lớn xảy ra sau đó đã chứng minh "lời nguyền" đã ứng nghiệm. Vì vậy, họ kêu gọi giới chức trách đưa xác ướp trở lại "quê nhà".
Đến năm 2012, xác ướp "công chúa Ukok" được đưa trở lại Altai và được bảo quản trong quan tài đặc biệt tại Bảo tàng quốc gia Anokhin (Cộng hòa Altai, thuộc Nga).
Theo Tâm Anh (Kienthuc.net.vn)