Theo USNI, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JSDF) đang từng bước biến Izumo thành tàu sân bay thực thụ khi có kế hoạch mua tới 17 chiếc V-22 Osprey.
Hãng thông tấn Sputnik dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, liên doanh quốc phòng Bell-Boeing vừa được Bộ Quốc phòng Mỹ trao cho hợp đồng trị giá lên đến 138 triệu USD nhằm phát triển và thử nghiệm một biến thể mới của V-22 Osprey dành riêng cho JSDF.
Nguồn tin này đã được cả nhà sản xuất Bell-Boeing và Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận. Nếu hợp đồng trên được hoàn tất Nhật Bản sẽ là khách hàng đầu tiên sau Mỹ đưa vào trang bị V-22 thậm chí còn sở hữu cả một biến thể riêng.
Máy bay V-22 Osprey tại căn cứ Okinawa, Nhật Bản. |
Theo kế hoạch, quá trình phát triển biến thể V-22 sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2019. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ Nhật Bản sẽ đưa vào trang bị chiếc V-22 đầu tiên trong năm 2020. Theo Reuters, Nhật Bản đã đặt mua 5 chiếc V-22 Osprey trị giá 332,5 triệu USD từ hồi tháng 5/2015.
Đây là thỏa thuận đánh dấu lô xuất khẩu đầu tiên loại máy bay vận tải cánh lật của Mỹ. Năm máy bay trên sẽ là lô đầu tiên trong tổng số 17 máy bay Osprey mà Nhật Bản để trang bị cho tàu đổ bộ trực thăng Izumo và Lực lượng Phòng vệ Mặt đất trước khi tài khóa kết thúc vào tháng 3/2019.
"Nhật Bản đang tiến hành hiện đại hóa đội tàu vận tải của mình để phục vụ nhu cầu quốc phòng và sứ mệnh đặc biệt của nó. Kế hoạch mua bán máy bay V-22 Osprey này sẽ cải thiện đáng kể khả năng của Lực lượng tự vệ Nhật Bản cũng như khả năng cứu trợ nhân đạo sau thiên tai và hỗ trợ hoạt động đổ bộ.
Đồng thời, hợp đồng này sẽ thúc đẩy việc chia sẻ gánh nặng với các nước đồng minh và khả năng tương tác với lực lượng Mỹ", tuyên bố của Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) nêu rõ.
Ngoài ra, hợp đồng trên cũng bao gồm 40 chiếc Rolls-Royce động cơ AE1107C, cộng với hệ thống cảnh báo tên lửa, radar hồng ngoại, thiết bị máy bay tự bảo vệ, kính nhìn ban đêm và hệ thống định vị.
Âm thầm thực hiện
Dù JSDF tuyên bố việc mua V-22 Osprey để trang bị cho tàu đổ bộ trực thăng lớp Izumo tuy nhiên theo USNI, việc mua số lượng lớn máy bay cánh lật này không gì khác là lực lượng JSDF đang từng bước biến Izumo thành tàu sân bay với những trang bị cực mạnh.
Chuyên gia quân sự Mỹ Kyle Mizokami viết trên tạp chí USNI rằng, muốn giành lợi thế trước Trung Quốc, Nhật Bản sẽ buộc phải biến Izumo thành tàu sân bay thực thụ, mang được các chiến đấu cơ.
Tiêm kích F-35B. |
Chuyên gia này cho rằng các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 như Chengdu J-20 và Shenyang J-31 đang là những áp lực rất lớn với Nhật Bản và những máy bay trực thăng mà Izumo mang theo sẽ chỉ thành bia bắn cho những chiến đấu cơ của Trung Quốc.
"Tàu Izumo vốn được thiết kế chỉ để phòng thủ, tuy nhiên, nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng các chiến đấu cơ để áp sát không phận Nhật Bản cũng như phát triển nhiều loại máy bay hiện đại mới, như J-20 và J-31, thì chính phủ Nhật Bản cũng phải đưa ra những sự điều chỉnh cho thích hợp", ông Mizokami cho biết.
Tàu Izumo gần giống với một tàu khu trục hạm. Tuy nhiên với kích thước lớn (dài 250m và lượng giãn nước 24.000 tấn) và boong tàu phẳng để làm nơi hạ cánh cho 14 máy bay trực thăng, Izumo hoàn toàn có thể biến thành tàu sân bay bất kỳ lúc nào.
Dù Izumo không có đường băng dài hay khoang chứa máy bay, nhưng các chiến đấu cơ cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như F-35B và Harrier vẫn có thể hoạt động trên Izumo. Nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc vẫn coi đây là một tàu sân bay thực thụ.
Nhật Bản đã đặt mua nhiều máy bay thế hệ thứ 5 F-35A và rất có thể trong tương lai gần, F-35B của Mỹ sẽ là gói mua sắm tiếp theo của Nhật. Theo tính toán của Kile Mikoyaki thì một Izumo có thể mang từ 10 - 15 chiếc F-35. So với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hiện tại, số máy bay này là đủ để tác chiến chống lại một trận đánh chớp nhoáng.
Chưa kể đến Izumo được tích hợp những công nghệ tác chiến điện tử hàng đầu thế giới, với khả năng phòng thủ, chỉ huy biên đội tàu chiến, chỉ huy tác chiến trên không trên biển rất vượt trội. So với những tàu sân bay hiện tại trên thế giới, Izumo dù nhỏ nhưng không hề kém cạnh.
Theo Đan Nguyên (Đất Việt)