Nghị viện Catalonia ngày 27/10 thông qua nghị quyết tuyên bố độc lập với tỷ lệ 70 ủng hộ, 10 phản đối. Động thái này đe dọa sự ổn định của Tây Ban Nha cũng như Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy sau đó tuyên bố giải tán nghị viện Catalonia, cách chức lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont và kêu gọi tổ chức bầu cử khu vực vào ngày 21/12 nhằm "đưa mọi thứ bình thường trở lại".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định Madrid "vẫn là đối tác duy nhất" của họ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo về nguy cơ "xuất hiện thêm rạn nứt" trong liên minh 28 nước.
"Chúng ta không nên can thiệp vào tranh cãi nội bộ của Tây Ban Nha. Tôi không muốn có một EU gồm 95 quốc gia thành viên trong tương lai", ông Juncker nói. EU ủng hộ lập trường của Madrid, coi cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia là phi pháp.
Catalonia là "một phần thuộc Tây Ban Nha" và Mỹ ủng hộ những biện pháp Madrid thực hiện để giữ Tây Ban Nha "mạnh mẽ, đoàn kết", theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Liên Hợp Quốc tái khẳng định cuộc khủng hoảng ly khai ở Tây Ban Nha là vấn đề nội bộ. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guiterres đề nghị các bên liên quan tìm giải pháp trong khuôn khổ hiến pháp Tây Ban Nha, thông qua các kênh chính trị và pháp lý.
Đức, Anh, Pháp và Bồ Đào Nha đều không công nhận việc Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập.
"Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tây Ban Nha đã và sẽ luôn không thể bị xâm phạm", Steffen Seibert, người phát ngôn chính phủ Đức, viết trên Twitter. Tổng thống Phảp Emmanuel Macron khẳng định ủng hộ hoàn toàn Thủ tướng Rajoy.
Người phát ngôn Thủ tướng Anh Theresa May cho biết Anh "không và sẽ không" công nhận Catalonia độc lập. Tuy nhiên, một bộ trưởng ở Scotland cho biết nước này tôn trọng hành động của Catalonia, nói người dân Catalonia phải được tự quyết định tương lai.
Theo Như Tâm (VnExpress.net)