Phản ứng đầu tiên của EU
Trong một bình luận trên Twitter ngay sau khi Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng, EU sẽ chỉ đối thoại với Tây Ban Nha.
Mừng vui, lo âu lẫn lộn
Tại Barcelona, sau cuộc bỏ phiếu ở nghị viện, những người ủng hộ ly khai đã đổ xuống đường ăn mừng. Họ hô vang khẩu hiệu "Tự do" bằng tiếng Catalan và hát các ca khúc truyền thống của vùng đất này.
Tuy nhiên, người dân ở đây cũng thể hiện rõ tâm trạng mừng vui, lo âu lẫn lộn. Một người dân có tên Jaume Moline chia sẻ: "Tôi rất lo lắng. Tôi cũng lo lắng như mọi người". Một người dân khác thì nói rằng: "Tôi vô cùng xúc động bởi Catalonia đã nỗ lực suốt 40 năm qua để có được độc lập và cuối cùng tôi có thể thấy điều đó".
Trong khi đó, Thị trưởng Barcelona Ada Colau nói rằng, tuyên bố độc lập này chỉ lấy danh nghĩa Catalonia nhưng không đại diện cho đa số nguyện vọng của người dân Catalonia.
Tây Ban Nha phê chuẩn tước quyền tự trị của Catalonia
Hãng tin RT cho biết, ngay sau khi nghị viện Catalonia tuyên bố đơn phương tách vùng này khỏi Tây Ban Nha hôm nay, Thượng viện Tây Ban Nha đã phê chuẩn việc kích hoạt Điều khoản 155 trong hiến pháp cho phép Madrid trực tiếp điều hành Catalonia. Động thái này nói cách khác là tước quyền tự trị của Catalonia.
Nội các Tây Ban Nha dự kiến sẽ triệu tập vào cuối ngày hôm nay để triển khai các biện pháp đầu tiên nhằm tiếp quản Catalonia. Một trong số các biện pháp đó có thể bao gồm giải tán chính quyền Catalonia và khôi phục quyền giám sát trực tiếp đối với lực lượng cảnh sát Catalonia.
Liên minh châu Âu (EU) hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về diễn biến mới nhất này ở Tây Ban Nha
Nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập
Theo RT, tuyên bố độc lập được thông qua với 70 phiếu thuận, 10 phiếu chống, và 2 phiếu trắng. Reuters cho biết, văn kiện này được coi là mở đầu cho "quá trình lập hiến" của Catalonia sau khi đơn phương tuyên bố độc lập.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố sẽ khôi phục luật lệ ở Catalonia. Trước đó, Thủ tướng Rajoy cũng hối thúc quốc hội nước này trao quyền hạn cho ông để có thể ra quyết định tước quyền tự trị của Catalonia.
Cuộc bỏ phiếu tại nghị viện Catalonia diễn ra sau nhiều tuần lễ căng thẳng giữa chính quyền Catalonia và Madrid sau cuộc trưng cầu dân ý độc lập diễn ra hôm 1/10. Sau cuộc trưng cầu, lãnh đạo của Catalonia đã ký vào văn kiện tuyên bố độc lập, đơn phương tách khỏi Tây Ban Nha, song hoãn thi hành.
Chính quyền Madrid của Thủ tướng Rajoy đã yêu cầu Catalonia xác nhận rõ ràng đã tuyên bố độc lập hay chưa và dọa sẽ tước quyền tự trị của khu vực này theo điều khoản 155 của Hiến pháp.
Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont cho đến hôm qua vẫn né tránh xác nhận và đẩy trách nhiệm cho nghị viện. Ông cho biết, ông đã dự định kêu gọi một cuộc bầu cử địa phương, nhưng không nhận được phản hồi tích cực.
“Tôi đã cố gắng thuyết phục để có thể tiến hành cuộc bầu cử như vậy, nhưng không nhận được câu trả lời. Do vậy, hiện giờ tất cả phụ thuộc vào nghị viện quyết định xem ứng phó thế nào nếu chính quyền Madrid kích hoạt điều khoản 155 chống lại Catalonia”.
Theo Minh Phương (Dân Trí)