Vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hồi tháng 9/2017 của Triều Tiên có sức công phá mạnh nhất từ trước tới nay, tương đương đương lượng nổ 160 kiloton, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Vụ nổ lúc bấy giờ tạo nên cơn địa chấn mạnh 6,3 độ, đi kèm hàng loạt dư chấn, CNN đưa tin.
Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho hay trận động đất ngày 2/1 mạnh 2,8 độ, tâm chấn ở độ sâu 12 km, cách bãi thử hạt nhân Punggye-ri khoảng 11 km về phía đông.
Một nhà địa chấn học tại KMA cho biết trận động đất vừa diễn ra ko phải kết quả của một vụ nổ, dựa trên sóng địa chấn được ghi nhận và thực tế là các chuyên gia cũng không phát hiện sóng âm thanh.
Vì không có đường nứt gãy lớn nào qua Triều Tiên và trận động đất được ghi nhận rất gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nhà địa chất học tại KMA cho rằng nó rõ ràng bắt nguồn từ vụ thử hạt nhân lần thứ 6 cách đây hơn một năm.
Triều Tiên từng tổ chức lễ phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri hồi năm ngoái và mời báo giới tới tham dự. Tuy nhiên, không có chuyên gia vũ khí độc lập nào tới sự kiện kể trên và hiện chưa rõ liệu nó đã thực sự ngừng hoạt động hay chưa.
Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)