Quan Vũ, chính là nhân vật được La Quán Trung Thần thánh hóa tới mức… siêu cấp trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Và một trong những điển tích trong “Tam Quốc diễn nghĩa” La Quán Trung sử dụng để làm nổi bật, thậm chí có thể nói là tâng bốc hình ảnh Võ thánh chính là chuyện “Quan Vũ đơn đao phó hội”.
Điển tích “Quan Vũ đơn đao phó hội”
Câu chuyện “Quan Vũ đơn đao phó hội” được La Quán Trung viết ở hồi thứ 66. Bắt đầu từ việc Lưu Bị, theo kế của Khổng Minh viết giấy xác nhận trả lại 3 quận (Trường Sa, Quế Dương và Linh Lăng) cho Đông Ngô, gửi Gia Cát Cẩn đưa cho Quan Vũ, khi đó, đang trấn giữ Kinh Châu. Nhưng Vũ nhất mực không giao trả 3 quận, sau đó còn đuổi cổ các quan Đông Ngô cử sang nhậm chức.
Lỗ Túc biết chuyện, bèn hiến kế với Tôn Quyền thế này.
Tôi xin đóng quân ở bờ sông, mời Vân Trường đến ăn tiệc. Vân Trường chịu đến, thì lấy lời lẽ phải chăng bảo y phải trả, nếu không nghe thì phục quân đao phủ mà giết đi. Y không đến, thì ta tiến ngay quân sang đánh lấy lại Kinh Châu là xong.
Túc trở về Lục Khẩu, mời Lã Mông, Cam Ninh đến bàn luận, rồi viết giấy mời sai người qua sông sang Kinh Châu. Sứ giả trình tờ thư lên. Vân Trường xem xong báo sứ giả rằng: Tử Kính đã có bụng mời ta, ngày mai ta sẽ đến chơi, ngươi cứ về trước.
Sứ giả ra về Quan Bình nói: Lỗ Túc tất có bụng bất trắc, sao phụ thân cũng nhận lời? Vân Trường cười nói: Lạ gì mẹo ấy mà ta chẳng biết! Đấy tất là Gia Cát Cẩn về nói với Tôn Quyền rằng ta không chịu trả ba quận, nên sai Lỗ Túc đóng quân ở Lục Khẩu, mời ta đến hội để đòi Kinh Châu. Nếu ta không đi, thì tất cười ta là nhát. Ngày mai ta chỉ dùng một chiếc thuyền nhỏ, mười người đi theo, cầm Thanh Long đao sang hội, xem Lỗ Túc dám làm gì ta?
Mã Lương can rằng: Tướng quân có muốn sang chăng nữa, thì cũng phải giữ gìn. Vân Trường nói: Chỉ sai con ta kén mười chiếc thuyền nhanh nhẹn, năm trăm tên thuỷ thủ cho giỏi, chực sẵn bên sông. Khi nào thấy phất cờ thì chèo thuyền sang đón ta về. Quan Bình lĩnh mệnh, đi thu xếp thuyền bè.
Sứ giả về bẩm với Lỗ Túc rằng Vân Trường đã vui vẻ nhận lời, ngày mai sẽ đến. Túc với Lã Mông bàn mưu định kế xong xuôi, hôm sau sai người đứng chực ở cửa sông. Cuối giờ thìn, thấy trên mặt sông có một chiếc thuyền bơi đến, chỉ có vài thuỷ thủ. Một lá cờ đỏ phấp phới trước gió, giữa có chữ “Quan” cực to. Khi thuyền đến gần, nhìn rõ Vân Trường đội khăn xanh, mặc áo bào lục, ngồi chễm chệ, bên cạnh có Chu Thương vác thanh long đao đứng hầu.
Chào hỏi trà nước xong, Túc mời Vân Trường vào tiệc. Rượu uống được nửa chừng, Túc mới nói: Tôi có một việc, muốn thưa với tướng quân. Khi trước tôi có nhận cho hoàng thúc mượn Kinh Châu của chủ tôi để ở tạm, hẹn đến khi lấy được Tây Thục thì trả. Nay lấy được rồi mà lại không trả, chả hoá ra nói sai ư?
Vân Trường nói: Đó là việc công, trong tiệc rượu không nên nhắc đến làm chi!
Túc đáp: Chủ tôi chỉ có một đất Giang Đông, thế mà chịu cho mượn Kinh Châu, bởi thấy các ngài gặp cơn khốn bĩ, không có nơi nào nương nhờ. Nay đã lấy được Thục, đáng lẽ trả lại Kinh Châu mới phải, thế mà hoàng thúc còn tiếc chỉ trả một nửa, tướng quân lại không nghe, như thế thì sao cho phải lẽ?
Vân Trường nói: Việc ở Ô Lâm, anh tôi xông pha mũi tên hòn đạn, cố sức để cùng phá giặc, có lẽ đâu khó nhọc mà không được thước đất nào? Túc hạ lại còn muốn đòi đất ư?
Túc đáp: Trước kia, hoàng thúc với tướng quân thua ở Trường Bản, kế đã cùng, sức đã kiệt, toan trốn tránh đi ở nơi xa, chủ tôi thương hoàng thúc, cho mượn đất lấy chỗ trú chân để gây cơ nghiệp. Thế mà hoàng thúc quên ơn phụ nghĩa, đã lấy được Tây Thục, lại chiếm giữ cả Kinh Châu, tham lam không biết điều, chẳng bõ để cho thiên hạ chê cười đó mà thôi!
Vân Trường nói: Đó là việc anh tôi, tôi không được biết. Túc nói: Tôi nghe tướng quân với hoàng thúc kết nghĩa vườn đào, thề cùng sống thác. Hoàng thúc cũng như tướng quân, tướng quân cũng như hoàng thúc, sao lại thoái thác làm vậy?
Vân Trường chưa kịp trả lời, Chu Thương ở dưới thềm quát lên rằng: Đất đai trong thiên hạ, người nào nhân đức thì được ở, có phải của riêng Đông Ngô đâu?
Vân Trường đứng ngay dậy, giằng lấy thanh long đao từ Chu Thương, đứng ra giữa sân, đưa mắt cho Chu Thương và quát rằng: Đây là việc nhà nước, sao mi nói lôi thôi, bước ngay! Chu Thương biết ý, chạy ra bờ sông, cầm lá cờ đỏ phất một cái, Quan Bình trông thấy hiệu cờ, mười chiếc thuyền bay đến vùn vụt như tên.
Vân Trường tay phải cầm đao, tay trái nắm chặt lấy tay Lỗ Túc, giả đò say rượu: Ông mời tôi đến ăn tiệc, đừng nhắc đến việc Kinh Châu làm chi e tổn thương đến ân tình cũ. Khi khác, mời ông đến chơi Kinh Châu, sẽ lại bàn bạc.
Lỗ Túc sợ hết hồn hết vía, bị Vân Trường dắt thẳng ra bờ sông. Lã Mông, Cam Ninh định dẫn quân phục xông ra, nhưng thấy vậy sợ Lỗ Túc bị hại, đành im thin thít, không dám động thủ. Vân Trường tới bến, lên thuyền, mới buông tay Lỗ Túc ra, từ biệt trở về. Túc đứng ngây người trông theo. Thuyền Quan Công lướt gió đi nhanh.
Sự thật trong chính sử
Tất nhiên, điển tích Quan Vũ đơn đao phó hội, hoàn toàn là La Quán Trung phóng bút mà “phịa” ra. Chính sử không hề có chuyện này. Hay đúng hơn, là có chuyện Quan Vũ và Lỗ Túc hội đàm về vấn đề trao trả Kinh Châu, nhưng ý nghĩa và diễn biến của sự việc này, theo ghi chép của pho sử “Tam Quốc chí” thì hoàn toàn khác. Cụ thể như sau:
Năm 214, nhân lúc Lưu Bị đã vào Tây Xuyên và điều động thêm nhiều quân cùng các tướng giỏi như Triệu Vân và Trương Phi, Tôn Quyền bèn sai Lỗ Túc và Lã Mông đánh mấy quận Kinh châu trong tay Quan Vũ. Quân Đông Ngô đông đảo, đánh thắng và chiếm được 3 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa. Quan Vũ chỉ còn giữ được nửa quận Giang Hạ và quận Vũ Lăng.
Lưu Bị ở Ích châu được tin, thấy tình hình Kinh châu nghiêm trọng, vội mang quân ra thành Công An thuộc quận Vũ Lăng, sai Quan Vũ mang quân đi đánh Lã Mông và Lỗ Túc. Tôn Quyền cũng đích thân từ Ngô quận tiến ra Lục Khẩu phòng thủ và sai Lỗ Túc dẫn quân ra Ích Dương.
Quan Vũ HẸN Lỗ Túc gặp nhau tại một vùng tạm coi là “phi quân sự” ở Ích Dương, hai bên hội đàm trước trận. Lỗ Túc hỏi Quan Vũ: Ba quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa là bên tôi cho các ông mượn, sao các ông không trả lại? Quan Vũ đáp: Trong trận Xích Bích - Ô Lâm, Tả tướng quân (Lưu Bị) thân trong bộ ngũ, cùng các ông nhất tề ra sức, phá được quân địch, sao không được chia mảnh đất nào?
Lỗ Túc nói tiếp: Lần đầu tiên ta gặp Lưu Dự châu (Lưu Bị) của các ông ở Đương Dương Tràng Bản, quân số ông ta không đầy một hiệu, bản thân ông ta hết cách, muốn chạy nạn tới nơi xa. Chúa thượng bọn ta (Tôn Quyền) thương ông ta không nơi nương tựa nên cho ông ta chỗ yên thân (Kinh châu). Không ngờ Lưu Dự châu biết làm việc đạo đức lại vứt bỏ tình nghĩa, bây giờ đã có Ích châu lại muốn có cả Kinh châu. Đó là chuyện người thường cũng không nỡ làm, huống chi Dự châu sao có thể như thế?
Quan Vũ, đuối lý không trả lời được. Hai bên thu quân trở về. Đây là toàn bộ nội dung cuộc hội đạm giữa Quan Vũ và Lỗ Túc vào năm 214, thời điểm Đông Ngô đã chiếm được 3 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa, chứ không phải Vũ chẳng chịu giao trả như trong “Tam Quốc diễn nghĩa”
Cuộc hội đàm này, trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, đã được La Quán Trung thêu dệt thành việc Quan Vũ "một đao tới hội" với Lỗ Túc. Trong sự kiện hư cấu của tác giả họ La, Quan Vũ đã dùng mưu trí và uy dũng của mình để thoát khỏi sự uy hiếp của quân Đông Ngô, bắt Lỗ Túc làm con tin, xem các tướng Ngô như trẻ nít.
Thực tế rõ ràng là hoàn toàn ngược lại, không phải Quan Vũ sang phó hội chỗ Lỗ Túc mà là Lỗ Túc mới một mình một ngựa đến chỗ Quan Vũ. Người “anh hùng gan dạ” ở đây không phải là Quan Vũ, mà chính là Lỗ Túc. La Quán Trung đã tráo đổi vai trò của hai người để phục vụ cho lí tưởng “Thần thánh hóa Quan Vũ” của ông.
THANH XUÂN (SHTT)