Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung là bộ tiểu thuyết kinh điển dựa trên những sự kiện có thật thời cuối Đông Hán và Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Nhưng dĩ nhiên, đã là tiểu thuyết thì “bảy phần thực ba phần hư”. Mà cái sự hư cấu của La Quán Trung trong Tam Quốc thì nhiều vô kể, đặc biệt là những câu chuyện liên quan đến các nhân vật chính của nhà Thục Hán.
Quá nhiều hư cấu về Quan Vũ
Quan Vũ, có thể nói, chính là nhân vật được Tác gia họ La hư cấu, thêu dệt và thần thánh hóa nhiều nhất. Đối chiếu với những ghi chép lịch sử thì La Quán Trung đã “gán ghép” Quan Vũ vào vô số các sự kiện không hề liên quan đến vị đại tướng của nhà Thục này.
Từ việc “Quan Vũ chém Hoa Hùng khi rượu còn nóng” (Tôn Kiên mới là người giết Hoa Hùng), “Quan Vũ ra ba điều ước trước khi hàng Tào” (không có thật), “Quan Vũ qua năm ải chém sáu tướng” (không có thật), “Quan Vũ chém Sái Dương ở Cổ Thành” (Lưu Bị mới là người giết Sái Dương sau trận Quan Độ), “Quan Vũ đơn đao Phó hội” (hư cấu từ sự kiện Lưu Bị một thuyền tới gặp Chu Du trước trận Xích Bích). “Quan Vũ đánh chiếm Tương Dương hai lần” (không có thật), hay tậm chí tích “Quan Vũ hiện hồn vật chết Lã Mông” cũng do La Quan Trung “phịa” nốt.
Là một trong những nhân vật lịch sử của Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở khu vực Đông Á, hình tượng của Quan Vũ được tiểu thuyết hóa trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung và sau này được khắc họa trong các dạng hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh với những chiến tích và phẩm chất đạo đức được đề cao, thêm thắt, cũng như được thần thánh hóa trong các câu chuyện dân gian.
Quan Vũ được thờ phụng ở nhiều nơi, được tôn nhiều danh hiệu cao quý. Ông là nhân vật được phong tặng nhiều danh hiệu nhất trong lịch sử Trung Quốc, là vị võ tướng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc có điện thờ riêng tại Đế vương miếu (xây dựng từ đời nhà Minh, thờ các vị quan văn-võ tài năng và tận trung qua các triều đại).
Hình tượng Quan Vũ mặt đỏ, râu dài, tay cầm Thanh long yển nguyệt đao, cưỡi ngựa Xích thố, đã đi vào văn hóa dân gian Trung Quốc 2000 năm qua như là “tạo hình mặc định” của Võ Thánh. Tuy nhiên, nếu như chuyện Quan Vũ có sở hữu ngựa Xích Thố (Tào Tháo tặng lại sau khi lấy của Lữ Bố) hay không vẫn còn gây tranh cãi thì thanh đao tương truyền nặng tới 82kg có tên “Thanh Long yển Nguyệt đao” chắc chắn không phải là thứ vũ khí mà Quan Vũ sử dụng trong các trận chiến của ông thời Tam Quốc.
Thanh Long yển nguyệt đao không thể có ở thời Tam Quốc
Trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, “Thanh Long yển nguyệt đao” – thanh đao lưỡi hình bán nguyệt, được Quan Vũ đặt rèn khi ông chuẩn bị tham gia trận chiến đánh quân Khăn Vàng, ngay từ hồi một tiểu thuyết.
Tuy nhiên, đối chiếu lịch sử Trung Quốc, thì loại vũ khí “Thanh Long yển nguyệt đao” này mãi đến cuối thời Đường – đầu Tống (những năm 900) mới bắt đầu xuất hiện. Tức hơn 700 năm sau khi Quan Vũ bị quân Đông Ngô bắt sống và hành quyết tại Lâm Thư năm 220.
Các sử gia Trung Quốc đều thống nhất với nhau rằng, vào thời đại Tam Quốc, công nghệ chế tạo binh khí chưa đạt tới độ tinh xảo để có thể làm ra loại đại đao lưỡi lớn như “Thanh Long Yển Nguyệt đao” mà La Quán Trung mô tả như là thứ vũ khí trứ danh gắn liền với hình tượng Quan Vũ.
Thời Tam Quốc, đúng là đã có một số loại đao đã được chế tạo thành công và sử dụng trong các trận chiến. Nhưng đó thường là loại đao có lưỡi hẹp, cán đao được làm bằng gỗ, độ dài trên dưới 1m và trọng lượng không quá 10kg.
Tài liệu “Biên niên sử vũ khí cổ đại Trung Quốc” chép rằng: vũ khí được gọi là Trường đao của nhà Thục Hán có độ dài khoảng 1,2m, là loại đao được ghi nhận có kích thước dài nhất thời Tam Quốc. Loại đao này, được các sử gia đời sau gọi là “Tam Quốc hoàn thủ đao” thường có luồn vải (dây) chắc ở cán để buộc vào cổ tay người sử dụng nhằm tránh cho tướng sĩ … đánh rơi đao trong các trận giao tranh trên chiến trường.
Quan Vũ trong mô tả ước lệ cao không dưới 2m và vũ khí của Vũ – “Thanh Long Yển Nguyệt đao” còn có độ dài ít nhất là gấp rưỡi chiều cao của ông, tức từ 3m trở lên. Xin nhắc lại, đao thời Tam Quốc dài nhất theo sử liệu ghi chép cũng chỉ tới 1,2m mà thôi.
Như vậy có thể khẳng định chắc chắn Quan Vũ không dùng “Thanh Log Yển nguyệt đao” như những gì La Quán Trung thêu dệt trong Tam Quốc, từ đó tạo ra ảnh hưởng lớn lao và sâu rộng về hình tượng quen thuộc của “Võ Thánh” trong dân gian.
“Võ thánh” sử dụng vũ khí gì?
Chính sử, kể cả pho sử số một thời Tam Quốc – “Tam Quốc chí” của tác giả Trần Thọ, không có bất kì tư liệu nào ghi chép về vũ khí chính xác mà Quan Vũ sử dụng. Vậy, thực chất Quan Vũ thường dùng loại vũ khí gì, chúng ta thử đi sâu tìm hiểu từ những tư liệu lịch sử hiếm hoi liên quan đến vấn đề này.
Trong một bài viết trước đây của Docbao (Tất cả giai thoại đều là thêu dệt, Quan Vũ thực ra chỉ chém đầu đúng 2 người này), về những viên tướng chết dưới tay Quan Vũ để đi kết luận rằng: Vũ thực ra chỉ chém đầu duy nhất 1 tướng địch trong giao đấu trực tiếp trên chiến trường, là Nhan Lương, ở trận Bạch Mã, đầu những năm 200.
Trong sự kiện có thật này, Tam Quốc Chí chép: “Tháng 4 năm 200, Tào Tháo dẫn Quan Vũ và Trương Liêu đi cứu Bạch Mã; mặt khác lại chia quân ra Diên Tân để phân tán sự chú ý của Viên Thiệu. Quả nhiên Thiệu tăng cường thêm quân cho Diên Tân mà không chú ý Bạch Mã. Tào Tháo nhân đó đột ngột thúc quân đánh mạnh ở Bạch Mã. Quan Vũ ra trận, thúc ngựa đâm Nhan Lương giữa vạn quân giết chết mãnh tướng của Viên Thiệu, giải vây cho thành Bạch Mã”.
Quan Vũ ĐÂM CHẾT Nhan Lương, tức vũ khí ông sử dụng chắc chắn không phải là “Tam Quốc Hoàn thủ đao” dài 1,2m mà chúng ta vừa đề cập bên trên. Nhiều khả năng, để hạ thủ mãnh tướng của Viên Thiệu ở trận Bạch Mã, Vũ đã sử dụng loại vũ khí chuyên dụng cho việc đâm. Đó có thể là trường mâu hoặc thương.
Mâu, thương, giáo là các loại vũ khí được ưa thích nhất thời Tam Quốc. Theo ghi chép chính sử, Trương Phi, Lữ Bố, Triệu Vân và nhiều danh tướng của Ngụy, Thục, Ngô đều sử dụng loại vũ khí này. Khó đưa ra một kết luận chính xác, nhưng khả năng Quan Vũ chỉ có thể sử dụng 1 trong hai loại vũ khi chuyên dụng thời Tam Quốc là mâu hoặc thương mà thôi.
THANH XUÂN (SHTT)