Ngày 20/11, Tướng Constantino Chiwenga, chỉ huy chiến dịch “Phục hồi Di sản” cho biết Tổng thống Mugabe đã trao đổi qua điện thoại với cựu phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, người bị tước bỏ quyền lực cách đây 2 tuần và là nguồn cơn của cuộc đảo chính.
Chuyện ông Mnangagwa, 71 tuổi, muốn tiếp quản quyền lực của Tổng thống Mugabe không còn là bí mật từ cách đây nhiều năm. Gia đình Mugabe hoàn toàn biết rõ điều này, nhưng vẫn chơi trò tâm lý với Mnangagwa.
Chọc giận phe quân sự
Ngay từ những ngày đầu sau khi tuyên bố độc lập vào năm 1980, Mugabe đã đưa ông Mnangagwa khi mới chỉ là một luật sư tập sự trẻ ngồi vào ghế bộ trưởng phụ trách an ninh quốc gia. Sau đó, Mugabe liên tục hỗ trợ Mnangagwa thăng tiến đến những vị trí cao cấp trong đảng cầm quyền Zanu-PF, rồi đưa ông vào ghế phó tổng thống như một cách khẳng định đây sẽ là “người thừa kế”.
Nhưng sau đó, Mugabe sa thải Mnangagwa, cáo buộc ông này “phản bội và lừa dối”, nhằm dọn đường cho Đệ nhất Phu nhân Grace Mugabe ngồi vào vị trí nguyên thủ. Trước đó, phu nhân Mugabe còn bị cáo buộc âm mưu đầu độc phó tổng thống, dù bà này bác bỏ những lời vu cáo.
Hành động phế truất Mnangagwa khiến rất nhiều người nổi giận. Quyền lực đáng kể nhất trong nhóm phản đối chính là các vị tướng lĩnh vốn không ưa gì bà Mugabe nhưng có quan hệ rất tốt với Mnangagwa. Trên thực tế, Mnangagwa chính là một trong số những người đầu tiên kêu gọi kháng chiến giải phóng Zimbabwe khỏi sự cai trị của người Anh, và ông ghi dấu ấn trong lịch sử đất nước sâu sắc không kém Mugabe.
Từ sau khi mất chức cách đây 2 tuần, ông Mnangagwa không còn xuất hiện ở Zimbabwe. Nhiều thông tin cho biết ông đang ẩn náu ở Nam Phi. Tại đây, ông được cho là không còn giữ được sự kiên nhẫn nên đã cùng những người ủng hộ trong nước “nội ứng, ngoại hợp” để lên kế hoạch cho vụ đảo chính.
Tương lai Zimbabwe lạc quan hơn?
Nhà quan sát Derek Matyszak (Viện Nghiên cứu An ninh, Nam Phi) nói với PV rằng quân đội Zimbabwe đang là trung gian đàm phán giữa Mugabe và Mnangagwa. “Giải pháp dễ dàng nhất là hợp pháp hoá vai trò người kế vị, khi ông Mugabe bổ nhiệm lại Mnangagwa chức phó tổng thống, sau đó ông ta về hưu”.
Theo hiến pháp Zimbabwe, phó tổng thống sẽ tự động trở thành tổng thống lâm thời trong 90 ngày sau khi tổng thống rời khỏi chức vụ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại về việc "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa", lo lắng rằng sự cai trị của ông Mnangagwa có thể không khác biệt mấy so với Mugabe. “Cá sấu” là biệt danh được đặt cho Mnangagwa do quyền lực to lớn và cách hành động kiên quyết của ông. Takavafira Zhou, nhà phân tích chính trị tại Đại học Masvingo, miêu tả Mnangagwa là “người cứng rắn từ cốt lõi”.
Năm 2008, sau khi Mugabe thất bại trong vòng bầu cử tổng thống đầu tiên, Mnangagwa được cho là đã đứng sau chiến dịch đe doạ khiến tất cả đối thủ phải rút lui khỏi vòng hai.
Cùng năm nay, Mnangagwa trở thành người đứng đầu trung tâm chỉ huy phối hợp, một cơ quan an ninh bị phương Tây chỉ trích vì những hành vi bạo lực.
Liên minh châu Âu và Mỹ đã áp đặt trừng phạt với tổng thống Zimbabwe và những đồng minh thân cận như Mnangagwa sau cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, nó không ngăn cản sự thăng tiến của Mnangagwa và ông được nắm quyền điều hành bộ quốc phòng quyền lực.
Nhà báo Michelle Faul của Đài phát thanh NPR (Mỹ), người theo dõi tình hình Zimbabwe nhiều năm qua, nhận định Mnangagwa là một trong những nhà lãnh đạo có kinh nghiệm kinh doanh thực tế. “Ông ấy hiểu về sự cần thiết của đầu tư nước ngoài và sẵn sàng hành động. Gần đây ông cũng có những phát biểu gây chú ý như mời các chủ đồn điền da trắng trở về, sau khi họ bị buộc phải rời đi dưới chính quyền Mugabe”.
Nhà báo Faul cũng lưu ý việc Mnangagwa đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với phe đối lập. “Đây là dấu hiệu cho thấy ông ta nhận ra sẽ không thể tiếp tục lối cai trị độc đoán, tham vọng và tham nhũng đã tồn tại một thời gian dài ở Zimbabwe. Đó là lý do người dân nước này lạc quan hơn. Khi triều đại Mugabe kết thúc, người dân hy vọng một điều tốt đẹp hơn sẽ đến”.
Theo Minh Anh (Tri Thức Trực Tuyến)