Sự chống đối của Tổng thống Zimbabwe giữa vòng vây tướng lĩnh

21/11/2017 17:20:00

Việc quyết không chịu tuyên bố từ chức trên truyền hình bất chấp sức ép của quân đội được coi là cách kháng cự cuối cùng của ông Mugabe.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe hôm 19/11 gây sốc cho dư luận cả nước, khi tuyên bố trên truyền hình rằng sẽ chủ trì một đại hội của đảng cầm quyền ZANU-PF vào tháng 12 và không đả động gì tới việc từ chức, dù vây quanh ông lúc đó là các tướng lĩnh của quân đội. Giới phân tích cho rằng hành động này của ông Mugabe là sự phản kháng cuối cùng từ một nhà cầm quyền lão luyện đang bị dồn vào bước đường cùng, theo Al Jazeera.

Sự chống đối của Tổng thống Zimbabwe giữa vòng vây tướng lĩnh
Ông Mugabe (giữa) không chịu từ chức khi phát biểu trên truyền hình, xung quanh là các tướng lĩnh quân đội. Ảnh: CNN.

Theo chuyên gia Alex Magaisa, giảng viên luật tại Zimbabwe, là một chính trị gia cầm quyền hơn ba thập kỷ, ông Mugabe nhanh chóng nhận ra điểm yếu của các tướng lĩnh quân đội khi thực hiện cuộc binh biến và khai thác nó triệt để nhằm vớt vát vị thế của mình trong tình cảnh gần như không còn đường lùi.

Điểm yếu của các tướng lĩnh quân đội Zimbabwe là họ không muốn làm bất cứ điều gì vượt khỏi khuôn khổ của luật pháp, dù rất muốn hạ bệ ông Mugabe một cách nhanh chóng. Khi điều lực lượng đến thủ đô Harare hôm 15/11, các tướng lĩnh tuyên bố đây không phải là một cuộc đảo chính. Họ tỏ ra thận trọng trong mọi hành động và không muốn sử dụng vũ lực để lật đổ chính quyền hợp pháp của Tổng thống Mugabe.

Việc Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC) tổ chức hội nghị an ninh khẩn cấp sau cuộc binh biến cũng khích lệ ông Mugabe. Liên minh châu Phi (AU) từng nhiều lần nhắc lại nguyên tắc không công nhận sự thay đổi chính quyền bất hợp pháp càng khiến Tổng thống Mugabe thêm tự tin.

Với sự ủng hộ của các tổ chức châu Phi và nắm được ý đồ hợp pháp hóa cuộc binh biến của giới quân đội, ông Mugabe đã chiếm được lợi thế trong đàm phán và không dễ dàng chấp nhận từ chức như kỳ vọng của các tướng lĩnh cũng như dư luận Zimbabwe. Lịch sử cho thấy Tổng thống 93 tuổi này là một nhà đàm phán lão luyện, hiếm khi ông chịu nhượng bộ và luôn chiến thắng trong mọi cuộc thương thuyết.

Giới quan sát đánh giá rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, Tổng thống Mugabe khó có thể tại vị thêm một năm. Tuy nhiên, ông vẫn tìm mọi cách kháng cự để tránh một "thất bại" trước các tướng lĩnh, đặc biệt là kịch bản phải tuyên bố từ chức ngay trước mặt họ trên truyền hình.

Theo Magaisa, với nỗ lực kháng cự này, ông Mugabe muốn tìm ra lối thoát cho riêng mình trong cơn binh biến hoặc ít nhất là có thể tự định đoạt đường lùi theo cách của ông.

Sự chống đối của Tổng thống Zimbabwe giữa vòng vây tướng lĩnh - 1
Ông Mugabe sẽ không chịu đầu hàng một cách dễ dàng. Ảnh: Telegraph.

Tuyên bố chủ trì đại hội của ZANU-PF vào đầu tháng 12 cho thấy ông Mugabe dường như tận dụng sự kiện này để ra đi trong danh dự, thay vì tuyên bố từ chức trong tối 19/11.

Trong trường hợp ông Mugabe đưa ra cam kết từ chức tại quốc hội, các tướng lĩnh quân đội có lẽ sẽ cảm thấy hài lòng. Ngay cả khi rất muốn Tổng thống Zimbabwe từ chức ngay lúc này, họ sẵn sàng chấp nhận cam kết của ông Mugabe, miễn là ông tuân thủ các điều khoản thỏa thuận. Quân đội khó có thể hành động quyết liệt hơn, không chỉ vì không muốn phạm luật, mà còn do sự tôn trọng họ dành cho người lãnh đạo suốt hơn 40 năm qua.

Vào ngày ông Mugabe đàm phán với các tướng lĩnh, Ủy ban Trung ương đảng ZANU-PF cầm quyền đã tổ chức một cuộc họp để loại bỏ chức vụ lãnh đạo đảng của ông Mugabe, khởi đầu cho tiến trình luận tội tại quốc hội.

Quá trình luận tội ông Mugabe bắt đầu từ ngày mai được dự đoán là sẽ không hề dễ dàng, bởi cần phải có ít nhất 2/3 nghị sĩ nhất trí với việc luận tội Tổng thống. Trước khi quyết định luận tội chính thức được quốc hội Zimbabwe đưa ra, ông Mugabe chắc chắn vẫn sẽ thể hiện sự cố chấp và sẵn sàng chiến đấu đến cùng của mình, chuyên gia Magaisa nhận định.

Theo Duy Sơn (VnExpress.net)

Nổi bật