Cơ quan chuyên trách bảo vệ nhà lãnh đạo Kim Jong Un, các quan chức cấp cao Triều Tiên và gia đình họ là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (GC).
Quân số của GC là gần 100.000 người, phân tán rải rác trên khắp Triều Tiên, bao gồm cả ở trong các đơn vị quân đội khác nhau.
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ Kim Jong-un, GC còn chia sẻ nhiệm vụ bảo vệ thủ đô với Bộ chỉ huy phòng thủ Bình Nhưỡng và Bộ chỉ huy pháo binh phòng không Bình Nhưỡng.
Trụ sở của GC nằm ở quận Moranbong thuộc thủ đô Bình Nhưỡng. Các đơn vị cấp quân đoàn của GC được trang bị cả vũ khí hạng nặng như xe tăng, pháo và tên lửa.
Binh sĩ tinh nhuệ Triều Tiên phô trương năng lực. |
Theo các chuyên gia, chỉ những người ưu tú nhất mới được lựa chọn vào Văn phòng số 6 thuộc GC. Đây là những người bảo vệ trực tiếp ông Kim Jong-un và luôn theo sát nhà lãnh đạo Triều Tiên trong các chuyến đi thị sát hoặc ra nước ngoài.
Để trở thành một người bảo vệ lãnh tụ, các thành viên phải có các khả năng đặc biệt và trải qua những bài tập huấn khắc nghiệt, trong đó có việc rèn luyện thể chất đặc biệt và võ thuật để trở thành những "chiến binh" thực thụ.
Điều kiện tiên quyết về thể chất để vào hàng ngũ cận vệ của Kim Jong-un là không có sẹo trên khuôn mặt và cơ thể cân đối.
Theo cựu vệ sĩ Triều Tiên Lee Young Guk, quá trình huấn luyện để trở thành một thành viên của đội cận vệ rất khắc nghiệt. Ông Lee từng phải dùng đầu đập vỡ gạch, để người ta dùng búa đập vỡ gạch granit đặt trên ngực hay làm vỡ bóng đèn chỉ bằng một ngón tay.
Các thành viên đội cận vệ thuộc Văn phòng số 6 là những người duy nhất được phép mang súng ở gần ông Kim. 5-6 thành viên đội cận vệ luôn theo sát ông Kim “như hình với bóng”. Lớp thứ hai bao gồm 200-300 người bảo vệ ông Kim ở khoảng cách 100m.
Giới chuyên gia đánh giá cơ cấu hoạt động của GC khá giống với cơ quan mật vụ Mỹ, nhưng quy mô lớn hơn nhiều và các thành viên còn được trang bị vũ khí hạng nặng.
Nếu như các đặc vụ thuộc Đội Chống tấn công (CAT) của mật vụ Mỹ gây chú ý bằng hình ảnh cơ bắp, luôn mang theo súng trường tấn công thì đội cận vệ Triều Tiên cũng không hề kém cạnh.
Đội cận vệ của ông Kim Jong-un thường sử dụng súng ngắn bán tự động Browning Hi-Power hoặc mẫu súng CZ-75 do Czech sản xuất. Nếu cần đến súng ngắn uy lực hơn, đội cận vệ của ông Kim có thể sử dụng mẫu Type 70 với cỡ đạn 7.65mm.
Các bức ảnh thành viên đội cận vệ mang súng trường đứng gần nhà lãnh đạo Kim Jong-un không phải là điều hiếm có. Các thành viên này đeo trên người mẫu súng trường Type 88 giống như phiên bản AK-74 của Nga.
Điểm khác biệt là mẫu súng trường do Triều Tiên tự sản xuất có hộp tiếp đạn lớn hơn, lên tới 100-150 viên đạn. Không rõ băng đạn này có bền và hoạt động ổn định không, những có một điều chắc chắn là nặng hơn. 100 viên đạn nặng khoảng 0,9kg, thêm băng đạn hình ống nặng hơn 1kg. Khẩu súng nặng tới gần 5kg trong khi súng trường của quân đội Mỹ thường chỉ nặng dưới 3kg.
Mẫu súng trường tấn công này là vũ khí chính được trang bị cho lực lượng đặc nhiệm và đội cận vệ thân cận với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo giới phân tích, súng trường Type 88 với hình dạng “không giống ai” thể hiện nỗ lực nội địa hóa sản xuất vũ khí của Triều Tiên. Băng đạn lớn hơn cũng giúp tăng hỏa lực, tăng khả năng chiến đấu của binh sĩ nhưng hạn chế khả năng di chuyển.
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)