Đặc nhiệm Gurkha bảo vệ thượng đỉnh Trump - Kim chất cỡ nào?

07/06/2018 09:38:00

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau tại Singapore ngày 12-6, họ sẽ được bảo vệ bởi những chiến binh thiện chiến nhất thế giới thuộc bộ lạc Gurkha của Nepal.

Đặc nhiệm Gurkha bảo vệ thượng đỉnh Trump - Kim chất cỡ nào?
Các chiến binh Gurkha luôn khiến kẻ thù khiếp đảm trên chiến trường - Ảnh: YOUTUBE

Sở Mật vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ và dàn vệ sĩ to cao, giỏi võ của ông Kim Jong Un đã quá nổi tiếng sau nhiều sự kiện quốc tế, tuy nhiên ít người biết trong lực lượng cảnh sát Singapore có một nhóm tinh hoa gồm toàn các chiến binh thiện chiến Gurkha xuất thân từ Nepal.

Sự hiện diện của người Gurkha ở Singapore bình thường ít gây chú ý, nhưng công chúng có thể nhìn thấy họ bảo vệ an ninh tại các sự kiện lớn, quan trọng như Đối thoại Shangri-La vừa diễn ra cuối tuần vừa rồi, hoặc tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sắp diễn ra.

Cảnh sát Singapore trang bị cho chiến binh Gurkha giáp chống đạn toàn thân, súng trường tấn công FN SCAR của Bỉ, súng ngắn... và dù hiện đại cỡ nào cũng không thể thiếu món vũ khí truyền thống là dao quắm kukri. 

Theo phong tục Gurkha, dao kukri (hay khukuri) một khi đã tuốt khỏi vỏ là phải dính máu, nếu không có máu kẻ thù thì chủ nhân của nó phải tự cắt da thịt của mình.

Đặc nhiệm Gurkha bảo vệ thượng đỉnh Trump - Kim chất cỡ nào? - 1
Hai binh sĩ người Gurkha tuần tra bảo vệ sự kiện Đối thoại Shangri-La ngày 1-6 - Ảnh: REUTERS

Một truyền thống lâu đời

Chuyện kể lại vào năm 1815, quân đội Anh muốn chinh phục quốc gia Nam Á Nepal nhưng họ bị đánh tơi tả bởi các chiến binh thuộc bộ lạc Gurkha. Các sĩ quan người Anh vắt óc suy nghĩ nếu đã không thể đánh thắng họ, vậy chi bằng lôi kéo người Gurkha làm đồng minh?

Một thỏa thuận hòa bình sau đó chấm dứt mọi hành động xâm lược của Anh ở Nepal, còn bộ lạc Gurkha chấp nhận đánh thuê cho quân đội Hoàng gia Anh. Họ đã tham gia nhiều cuộc chiến tranh dưới lá cờ Anh, bao gồm 2 trận thế chiến và cuộc chiến giảnh đảo Falklands với Argentina.

Ngày nay, ngoài quân đội Anh và cảnh sát Singapore, chiến binh Gurkha còn phục vụ trong quân đội Nepal, quân đội Ấn Độ, đội cận vệ Hoàng gia Brunei, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc và nhiều chiến trường trên khắp thế giới.

Kỹ năng chiến đấu và tinh thần quả cảm của người Gurkha được các lực lượng quân sự đánh giá rất cao. Nguyên soái Sam Manekshaw - cựu tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, từng nói: "Nếu một người đàn ông tuyên bố anh ta không sợ chết, hoặc là anh ta nói dối, hoặc anh ta là người Gurkha".

Quả thật, câu châm ngôn sống của người Gurkha là "Thà chết còn hơn là làm kẻ nhát gan". Người ta nói để được công nhận là "chiến binh Gurkha", thanh niên trai tráng tối thiểu phải làm được một việc: Cõng một gùi đá nặng 50kg và chạy lên dốc núi trong 40 phút!

Nếu tôi phải thuê người Gurkha để giúp chúng ta đánh nhau với Abu Sayyaf, tôi sẵn sàng làm chuyện đó. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte

Đặc nhiệm Gurkha bảo vệ thượng đỉnh Trump - Kim chất cỡ nào? - 2
Sĩ quan cảnh sát Gurkha bảo vệ sự kiện Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 2-6 - Ảnh: REUTERS

Vang danh lịch sử

Có rất nhiều câu chuyện bi hùng về chiến binh Gurkha được truyền tai nhau trong giới quân sự. Gần nhất là chuyện về một trung sĩ thuộc quân đội Anh tên Dipprasad Pun đã một thân một mình tiêu diệt 30 tay súng Taliban ở Afghanistan.

Năm 2010, trung sĩ Pun đang thực hiện nhiệm vụ canh gác tại một cứ điểm ở Afghanistan thì hàng chục tay súng trang bị súng phóng lựu và AK-47 tiếp cận từ nhiều hướng. Từ chốt canh trên cao, Pun kiên cường chống trả cuộc tập kích bằng súng máy và lựu đạn.

Chỉ trong chưa đầy 1 giờ, viên trung sĩ bắn hết 400 băng đạn, dùng 17 quả lựu đạn và 1 quả mìn kích nổ để tiêu diệt toàn bộ 30 tay súng! Thú vị nhất là khi Pun bắn hết đạn, một tay súng Taliban tìm cách leo lên nóc nhà và bị anh hạ gục bằng cách ném cái giá đỡ súng máy vào người hắn.

Sau trận chiến, trung sĩ Dipprasad Pun được tặng thưởng huân chương thập tự Conspicuous Gallantry Cross - vinh dự cao quý thứ 2 của quân đội Anh dành cho lòng can đảm.

Đặc nhiệm Gurkha bảo vệ thượng đỉnh Trump - Kim chất cỡ nào? - 3
Các binh sĩ Gurkha trong quân đội Hoàng gia Anh - Ảnh: YOUTUBE

Câu chuyện hồi Thế chiến thứ 2 của anh lính người Gurkha Lachhiman Gurung cũng ly kỳ không kém. 

Năm 1945, Gurung cắm chốt ở một chiến hào cùng với 2 đồng đội thì bỗng 200 lính Nhật tấn công cứ điểm. Đồng đội của Gurung bị thương rất nặng dưới làn đạn và chỉ còn mình anh.

Lính Nhật thay nhau ném lựu đạn vào chiến hào của họ để chấm dứt sự kháng cự, tuy nhiên cứ mỗi lần như vậy Gurung nhặt từng quả lựu đạn ném trả lại. Anh thành công hai lần nhưng quả lựu đạn thứ 3 phát nổ trên tay anh, xé toạc cánh tay phải, gương mặt, cơ thể và một chân.

Khi lính Nhật xông vào chiến hào, Gurung dùng cánh tay trái còn nguyên vẹn quơ khẩu súng trường và tiêu diệt 31 kẻ thù, ngăn chặn thành công đợt tấn công!

Điều kỳ diệu là Gurung vẫn sống sót với vết thương nặng đó. Cùng năm 1945, anh được tặng thưởng Huân chương chữ thập Victoria - vinh dự cao quý nhất của quân đội Anh.

Người Gurkha ở Singapore

Theo báo cáo quân sự thường niên của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, có khoảng 1.800 người Gurkha phục vụ trong lực lượng cảnh sát Singapore, thuộc 6 đơn vị bán quân sự.

Truyền thống tuyển mộ người Gurkha của Nepal là một phần di sản Singapore thừa hưởng lại từ thời kỳ thuộc địa Anh, và có lẽ chính phủ Singapore cũng công nhận sức mạnh và tính hiệu quả của lực lượng này.

Đặc nhiệm Gurkha bảo vệ thượng đỉnh Trump - Kim chất cỡ nào? - 4
Sĩ quan cảnh sát Gurkha bảo vệ sự kiện Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 1-6 - Ảnh: REUTERS

Ông Tim Husley, một chuyên gia về lực lượng vũ trang Singapore thuộc IISS, đánh giá các chiến binh Gurkha từ lâu được xem là vốn quý của giới lãnh đạo Singapore - một lực lượng trung lập trong một quốc gia đa sắc tộc, có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ như bảo vệ yếu nhân và chống bạo động.

Trong các giai đoạn căng thẳng khu vực, Singapore thường điều động các đơn vị Gurkha bảo vệ các trường học quốc tế và cửa khẩu ở biên giới Malaysia - Singapore.

Người Gurkha tại Singapore sống với gia đình họ ở Trại Mount Vernon nằm ở ngoại ô thành phố, Đây là khu vực người Singapore bình thường không được phép tiếp cận. 

Tiếp xúc với Hãng tin Reuters, vợ của một người Gurkha kể về của sống của họ tại Singapore: "Chúng tôi có giờ giới nghiêm là 12h đêm. Đối với phụ nữ, chúng tôi có thể thông báo nếu có lý do chính đáng về trễ, nhưng đàn ông thì hoàn toàn không được phép.

Một quy định khác là chúng tôi phải đi ngủ lúc 22h30 mỗi đêm. Tức là không âm nhạc, không gì hết. Thậm chí nếu đang tiệc tùng, chúng tôi cũng phải dừng lại. Nếu không chấp hành thì lực lượng tuần tra sẽ có biện pháp xử lý".

Cảnh sát Singapore tuyển mộ thanh niên Gurkha ở tuổi 18-19 trước khi đưa họ đến Singapore để huấn luyện. Binh sĩ Gurkha thường về hưu ở tuổi 45 khi họ hồi hương.

Tuy con cái họ được đi học và hòa nhập bình thường ở các ngôi trường địa phương, người Gurkha không được phép cưới phụ nữ Singapore.

Theo Phúc Long (Tuổi Trẻ)

Nổi bật