Đối đầu Ấn Độ-Pakistan: Tên lửa BrahMos khai hỏa, hàng chục tay súng tràn vào Pakistan – Mỹ can thiệp khẩn

28/04/2025 20:27:14

Các nhà ngoại giao từ 100 phái đoàn tại Ấn Độ đã nhận được liên lạc. New Delhi tuyên bố máu của người Ấn Độ đang sôi sục, trong khi Paskitan khẳng định nước này đã sẵn sàng cho chiến tranh.

Ấn Độ bắn tên lửa BrahMos, sẵn sàng cho "hành động quân sự"

Tờ Guardian (Anh) đưa tin, trong ngày 27/4, Hải quân Ấn Độ đã khai hỏa tên lửa siêu thanh BrahMos nhằm phô diễn khả năng thực hiện các cuộc tấn công "tầm xa, chính xác", trong bối cảnh căng thẳng với Pakistan tăng vọt sau vụ tấn công khủng bố hôm 22/4 tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến 26 du khách thiệt mạng.

Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào dân thường tại Kashmir trong vòng 25 năm qua. New Delhi cáo buộc các phần tử vũ trang có "liên kết xuyên biên giới" đứng sau sự việc. Pakistan thì phủ nhận trách nhiệm và kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra trung lập.

"Hải quân Ấn Độ đã tiến hành nhiều đợt phóng tên lửa chống hạm thành công nhằm tái xác nhận và thể hiện sự sẵn sàng của tàu chiến, hệ thống và thủy thủ đoàn cho các cuộc tấn công tầm xa, chính xác" – Thông báo của Hải quân Ấn Độ trên mạng xã hội X nêu rõ.

Đối đầu Ấn Độ-Pakistan: Tên lửa BrahMos khai hỏa, hàng chục tay súng tràn vào Pakistan – Mỹ can thiệp khẩn
Ấn Độ - Pakistan đang tiến sát tới bờ vực chiến tranh. Ảnh: Times of India

Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố, New Delhi "sẽ đáp trả cứng rắn" những kẻ đứng sau vụ tấn công. Trong bài phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, ông Modi nhấn mạnh rằng "máu của mỗi người dân Ấn Độ đang sôi sục", thề "sẽ truy lùng những kẻ tấn công tới tận cùng Trái Đất" và biến nơi ẩn náu của những kẻ khủng bố "thành tro bụi".

Theo tờ New York Times (Mỹ), kể từ vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Kashmir tuần trước, thủ tướng Modi đã điện đàm với hơn chục nhà lãnh đạo thế giới. Bên cạnh đó, các quan chức cho biết, các nhà ngoại giao từ 100 phái đoàn tại thủ đô Ấn Độ đã được mời đến Bộ ngoại giao để nghe phản ảnh tình hình.

Nỗ lực này phần lớn không phải nhằm tập hợp sự giúp đỡ để giảm leo thang căng thẳng. Thay vào đó, theo 4 quan chức ngoại giao nắm rõ các cuộc thảo luận, New Delhi đang xây dựng cơ sở cho hành động quân sự chống lại nước láng giềng Pakistan, đồng thời cũng là "đối thủ không đội trời chung" của họ.

Đối đầu Ấn Độ-Pakistan: Tên lửa BrahMos khai hỏa, hàng chục tay súng tràn vào Pakistan – Mỹ can thiệp khẩn - 1
Lực lượng an ninh - Ấn Độ đã nổ súng qua lại ở biên giới trong vài ngày qua. Ảnh: Hindustan Times

Trong ngày 24/5, lực lượng an ninh Ấn Độ - Pakistan đã nổ súng qua lại ở biên giới – dấu hiệu cho thấy tình hình vẫn bất ổn. Theo một quan chức Ấn Độ, những vụ nổ súng qua lại giữa đôi bên đã xảy ra liên tục 2 trong 3 đêm qua. Một quan chức khác thì khẳng định súng đã nổ liên tiếp 3 đêm.

Tại Kashmir, lực lượng an ninh Ấn Độ cũng bắt đầu chiến dịch truy quét quy mô lớn khi bắt giữ hàng trăm người và tiếp tục truy lùng ráo riết các đối tượng mà họ gọi là "kẻ thủ ác".

Trước đó, trong ngày 23/4, Ấn Độ tuyên bố đình chỉ Hiệp ước Nước sông Indus năm 1960 — do Ngân hàng Thế giới làm trung gian — vốn đảm bảo nguồn nước cho 80% diện tích canh tác của Pakistan, và tuyên bố rằng việc đình chỉ này sẽ kéo dài cho đến khi "Pakistan thực sự, cũng như vĩnh viễn từ bỏ việc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới".

Bên cạnh đó, New Delhi đã yêu cầu một số nhân viên trong phái bộ ngoại giao của Pakistan cùng với một số công dân Pakistan đang thăm Ấn Độ phải rời đi ngay lập tức.

Về phía Pakistan, nước này tuyên bố sẽ đình chỉ việc tham gia các hiệp ước song phương với Ấn Độ, bao gồm cả một hiệp ước liên quan đến "đường kiểm soát (LoC)" – đường ranh giới phân chia giữa hai quốc gia tại các khu vực tranh chấp, nơi lệnh ngừng bắn đã được duy trì trong nhiều năm qua.

Tại Ấn Độ, tâm lý bài Hồi giáo cũng đang gia tăng, đặc biệt là đối với sinh viên Kashmir đang học tập ở các thành phố khác, khiến nhiều người trong số họ bị quấy rối rộng khắp và cảm thấy buộc phải trở về quê nhà.

Đối đầu Ấn Độ-Pakistan: Tên lửa BrahMos khai hỏa, hàng chục tay súng tràn vào Pakistan – Mỹ can thiệp khẩn - 2
Ấn Độ đang trở nên quyết đoán hơn trong việc phô diễn sức mạnh quân sự. Ảnh: Newsweek

Các nhà phân tích và giới ngoại giao nhận định, việc Ấn Độ đến nay vẫn chưa đưa ra bằng chứng mạnh mẽ về vai trò của Pakistan trong vụ tấn công có thể cho thấy một trong hai khả năng: hoặc New Delhi cần thêm thời gian để thu thập thông tin trước khi tiến hành các hành động nhằm vào Pakistan, hoặc trong bối cảnh thế giới hiện đang đặc biệt hỗn loạn, Ấn Độ cảm thấy không cần thiết phải giải thích với bất kỳ ai về những hành động mà họ dự định tiến hành.

Theo New York Times, một cuộc đối đầu quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan – hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân – tiềm ẩn nguy cơ leo thang nhanh chóng và rất khó kiểm soát.

Tuy nhiên, Ấn Độ hiện hầu như không bị sức ép quốc tế kiềm chế phản ứng của mình, và trong những năm gần đây, nước này càng trở nên quyết đoán hơn trong việc phô diễn sức mạnh, khi thế lực ngoại giao và kinh tế ngày càng gia tăng.

Hàng chục tay súng tràn vào Pakistan

Trong khi đó, cơ quan quân sự Pakistan ngày 28/4 thông báo, hàng chục tay súng đã tìm cách xâm nhập vào Pakistan và "đã thành công một phần", buộc nước này phải phát động một chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa.

Thông cáo báo chí từ phía quân đội Pakistan cho biết họ đã tiêu diệt được 54 "phần tử khủng bố" trong chiến dịch quân sự tại khu vực biên giới.

Đối đầu Ấn Độ-Pakistan: Tên lửa BrahMos khai hỏa, hàng chục tay súng tràn vào Pakistan – Mỹ can thiệp khẩn - 3
Pakistan tuyên bố tiêu diệt hơn 50 "phần tử khủng bố" tìm cách xâm nhập nước này. Ảnh: Deposit Photos

Đây là số lượng phiến quân lớn nhất từng bị lực lượng an ninh Pakistan tiêu diệt chỉ trong một cuộc đụng độ. Sau khi tiêu diệt những kẻ xâm nhập, quân đội đã thu giữ một lượng lớn vũ khí, đạn dược và phát hiện thêm một kho vũ khí cùng chất nổ.

Pakistan hiện cáo buộc những tay súng này "có liên kết với lực lượng ủy nhiệm của Ấn Độ". Trong thời gian qua, Islamabad nhiều lần cáo buộc Ấn Độ hỗ trợ các nhóm phiến quân chống lại chính quyền nước này, đặc biệt là tại khu vực Khyber Pakhtunkhwa và Baluchistan.

Pakistan cho rằng Ấn Độ có liên quan đến các nhóm đối lập ở Pakistan thông qua sự hỗ trợ gián tiếp.

Một trong các cáo buộc phổ biến từ phía Islamabad là Ấn Độ sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tổ chức các hoạt động chống lại Pakistan, thông qua các nhóm như Mặt trận Dân chủ Baluchistan (BLF) và Mặt trận Quốc gia Baluchistan (BLA).

Trước đó, Bộ Quốc phòng Pakistan hôm 24/4 đã đưa ra một tuyên bố gây sốc trên trang mạng xã hội X, khi nói rằng Quân đội nước này sẵn sàng cho xung đột vũ trang với Ấn Độ.

"Bạn muốn chiến tranh ư? Bắt đầu thôi. Pakistan đã sẵn sàng. Cảm ơn Modi, ông đã đoàn kết đất nước chúng ta" - Bộ Quốc phòng Pakistan tỏ rõ quan điểm.

Mỹ khẩn cấp can thiệp

Bộ Ngoại giao Mỹ trong ngày 28/4 cho biết, Washington đang liên lạc với cả Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi hai nước nỗ lực hướng tới một "giải pháp có trách nhiệm".

Theo Reuters, trên phương diện công khai, chính phủ Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Ấn Độ sau vụ tấn công, nhưng không chỉ trích Pakistan.

"Đây là một tình huống đang diễn biến và chúng tôi đang theo dõi sát sao. Chúng tôi đã liên lạc với chính phủ Ấn Độ và Pakistan ở nhiều cấp độ" - Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết qua email gửi tới Reuters.

"Mỹ kêu gọi tất cả các bên hợp tác để tìm kiếm một giải pháp có trách nhiệm" - Người phát ngôn nói thêm.

Đối đầu Ấn Độ-Pakistan: Tên lửa BrahMos khai hỏa, hàng chục tay súng tràn vào Pakistan – Mỹ can thiệp khẩn - 4
Mỹ cho biết đã liên lạc với chính phủ Ấn Độ và Pakistan, kêu gọi hai phía tìm kiếm giải pháp. Ảnh: FT

Phát ngôn viên này cũng nhấn mạnh rằng, Washington "sát cánh cùng Ấn Độ và mạnh mẽ lên án vụ tấn công khủng bố ở Pahalgam", lặp lại những tuyên bố tương tự của Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống JD Vance trong thời gian gần đây.

Ấn Độ hiện là đối tác ngày càng quan trọng của Mỹ, khi Washington tìm cách đối trọng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại châu Á. Trong khi đó, vai trò của Pakistan đối với Mỹ đã giảm sút sau cuộc rút quân năm 2021 khỏi Afghanistan láng giềng.

Ông Michael Kugelman, nhà phân tích khu vực Nam Á có trụ sở tại Washington và là cây bút của tạp chí Foreign Policy, nhận định Ấn Độ hiện là đối tác thân cận với Mỹ hơn nhiều so với Pakistan.

"Điều này có thể khiến Islamabad lo ngại rằng nếu Ấn Độ đáp trả bằng biện pháp quân sự, Mỹ có thể sẽ thông cảm với lý do chống khủng bố của Ấn Độ và sẽ không tìm cách ngăn cản" – Ông Kugelman nói với Reuters.

Ông Ned Price - cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden - cho rằng mặc dù chính quyền ông Trump đang xử lý vấn đề này với mức độ nhạy cảm cần thiết, song việc tạo cảm giác rằng Mỹ sẽ ủng hộ Ấn Độ bằng mọi giá có thể khiến căng thẳng leo thang hơn nữa.

"Chính quyền ông Trump đã khẳng định mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác Mỹ-Ấn — đó là một mục tiêu đáng hoan nghênh - nhưng nếu Ấn Độ tin rằng chính quyền Mỹ sẽ ủng hộ mình vô điều kiện thì chúng ta có thể sẽ chứng kiến thêm nhiều leo thang và bạo lực giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân này" – Ông Price nhận định.

Theo Minh Minh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật