Khoảnh khắc tìm được đội bóng Thái trong hang sau 10 ngày mắc kẹt
Thức ăn cho 4 tháng đã được chuẩn bị cho đội bóng nhí và huấn luyện viên của các em, những người vừa được tìm thấy sau 10 ngày mắc kẹt trong hang động Tham Luang ở Thái Lan. Các chuyên gia và quan chức nói rằng dù 13 người mất tích đã an toàn, quá trình đưa họ ra khỏi hệ thống hang động sẽ tốn nhiều thời gian và công sức, thậm chí sẽ là một trải nghiệm "kinh khủng" cho 13 người vừa trải qua 10 ngày có lẽ cũng kinh khủng trong hang.
Sau giây phút đầy cảm xúc khi đội bóng được tìm thấy, Thống đốc Chiang Rai Narongsak Osottanakorn nói rằng nhiệm vụ "vẫn chưa xong". Đội ngũ y tế sẽ vào hang để giúp đỡ các cậu bé và huấn luyện viên trước khi tính đến việc đưa họ ra như thế nào.
Lặn hay không lặn?
"Nhiệm vụ đầu tiên đã xong. Giờ chúng tôi sẽ cố gắng đưa họ ra ngoài", thống đống Chiang Rai xác nhận với các phóng viên.
"Kế hoạch đầu tiên là chúng tôi sẽ dẫn hết nước khỏi hang và đưa tất cả 13 người ra ngoài", ông cho biết.
"Chúng tôi sẽ mang thức ăn đến cho họ và một bác sĩ có thể lặn. Tôi không chắc họ có thể ăn. Họ đã không ăn một thời gian rồi", Bangkok Post dẫn lời ông Osotthanakorn nói.
"Các nhân viên y tế sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của họ, chúng tôi sẽ chăm sóc họ cho đến khi họ đủ khoẻ và tự di chuyển được. Chúng tôi sẽ xem xét phương án đưa họ ra ngoài sau", ông nói.
Các cậu bé hoặc huấn luyện viên có thể phải chờ đợi vài tuần hoặc vài tháng cho nước trong hang rút bớt. Hoặc nếu lặn ra, họ sẽ đối mặt với dòng nước đầy bùn khiến tầm nhìn gần như bằng không.
Anmar Mirza, một chuyên gia cứu hộ trong hang động nổi tiếng người Mỹ, nói rằng còn rất nhiều thách thức đợi chờ đội cứu hộ. Quyết định quan trọng nhất là việc đưa đội bóng ra ngoài hay cung cấp và chăm sóc họ tại chỗ. Có vẻ là trong hiện tại, người ta đã chọn phương án chăm sóc đội bóng ngay tại hang động nơi họ kẹt lại.
"Cung ứng cho họ tại chỗ cũng có nhiều thách thức, phụ thuộc vào việc lặn vào đó khó khăn cỡ nào", Mirza, điều phối viên của Ủy ban Cứu hộ Hang động Quốc gia Mỹ, nói với Bangkok Post.
"Cố gắng đưa những người không phải thợ lặn ra khỏi một hang động là tình trạng nguy hiểm nhất có thể, dù quãng đường lặn có thể dễ dàng. Nó cũng kéo theo câu hỏi: Nếu việc lặn là khó khăn, việc cung ứng vào hang cũng sẽ khó khăn, nhưng mối nguy của việc đưa họ lặn ra là cực lớn".
Đội trưởng Akanand Surawan của Hải quân Hoàng gia Thái Lan cho biết thức ăn đủ dùng trong 4 tháng sẽ được chuẩn bị, 4 thợ lặn sẽ mang theo thức ăn và các vật dụng sinh tồn để vào hang và ở lại với đội bóng trong đó. Các quan chức cũng lên kế hoạch để dạy các cậu bé lặn.
Butch Hendrick, một thợ lặn lâu năm, nói rằng việc đưa 1 cậu bé ra khỏi hang thôi cũng sẽ tốn nhiều giờ.
"Họ phải bảo đảm rằng đã có 1 cậu bé ra ngoài thành công trước khi tiếp tục với một cậu bé khác. Nếu có vấn đề gì đó, họ sẽ không muốn phải ở giữa đường và nhận ra mình phải quay lại", ông nói.
Quy trình Hendrick đề xuất cho các bước tiếp theo là kiểm tra sức khỏe các cậu bé, xác định ai sẽ là người đầu tiên lên đường; tiếp theo là cung cấp oxy nếu các cậu bé không thể bơi, cuối cùng là một nhóm sẽ hộ tống các cậu bé vượt đường hang chật hẹp để ra ngoài.
Dù thống đốc Chiang Rai nói rằng họ sẽ dẫn nước ra khỏi động, Pat Moret, một người tư vấn cứu hộ, nói rằng các cậu bé và huấn luyện viên của chúng có thể phải lặn để ra khỏi hang động.
"Kịch bản tệ nhất là chúng ta phải lặn để đưa họ ra. Họ sẽ chìm hoàn toàn trong nước, mang cái gì đó như kiểu mặt nạ toàn mặt hoặc vài loại mũ lặn thương mại để mọi việc đỡ khó chịu hơn. Nhưng dù sao đó vẫn sẽ là một trải nghiệm kinh khủng", CNN dẫn lời ông nói.
Ngày 2/7, đội cứu hộ đã tiếp cận một gờ đá thường được gọi là "Bãi biển Pattaya", nhưng nơi này đã bị ngập nước. Họ phải lặn vào, các cậu bé được tìm thấy trên một mỏm đá khô, cách "Bãi biển Pattaya" 300-400 m.
Hệ thống hang động dài gần 6,5 km và nước có thể dâng đến 5 m vào mùa mưa, vốn kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10.
Nguy cơ sang chấn tâm lý
Có cả lo ngại về các hậu quả tâm lý đối với đội bóng sau khi họ ra khỏi hang động. Tiến sĩ Seema Yasmin, nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford, nói với CNN rằng việc mắc kẹt trong bóng tối nhiều ngày có thể kéo theo chứng căng thẳng, sợ hãi, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Bà nói rằng các cậu bé có thể mất khả năng phân biệt ngày và đêm.
Một ví dụ là sang chấn đối với một người sau khi bị mắc kẹt 2 tháng trong hầm mỏ ở Chile vào năm 2013.
"Một trong những quan ngại của tôi là phải nhìn lại thảm họa hầm mỏ Chile năm đó và nhìn thấy những gì đã đeo bám những người thợ đến 1 hoặc 2 năm sau", bà nói.
"Họ bị trầm cảm, bồn chồn và dễ tổn thương. Họ gặp khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ, rất nhiều việc có thể đến nếu bạn không nhận được hỗ trợ về tinh thần và thể xác ngay sau đó. Chúng ta phải đảm bảo đội bóng nhận được hỗ trợ đó".
Về mặt thể chất, Bangkok Post nhận định dù thống đốc Chiang Rai đã rất cẩn trọng trong cách dùng từ ngữ, các chỉ dấu ban đầu cho thấy 12 cậu bé và huấn luyện viên đã sống sót mà không gặp vấn đề nghiêm trọng nào về thân thể.
Dù cho còn nhiều khó khăn phía trước, bên ngoài hang động, trên Internet và nhiều nơi của Thái Lan, bầu không khí vui mừng nhẹ nhõm tiếp tục lan tỏa.
Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)