Sáng nay 12-2, đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (C07, Bộ Công an) cho biết, công tác cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ được thực hiện xuyên đêm. Tuy nhiên, 1 giờ ngày 12-2 (giờ Thổ Nhĩ Kỳ), đoàn đã phải tạm dừng do có dư chấn động đất ảnh hưởng đến công tác cứu nạn, cứu hộ. Công việc sẽ được tiếp diễn vào sáng sớm 12-2.
Tại hiện trường, Thiếu tá Nguyễn Văn Cần, Phó trưởng khoa cứu nạn cứu hộ Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, cho biết Đoàn gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết, ngôn ngữ, tình hình sụp đổ do động đất gây ra rất phức tạp. Tuy nhiên, Đoàn cũng đang chạy đua với thời gian để có kết quả tốt nhất. "Chúng tôi đã tiếp cận được rất gần với người bị nạn rồi. Chỉ còn một chút nữa thôi, người bị nạn sẽ được Đoàn đưa ra ngoài để về với người thân của họ" - Thiếu tá Cần nói.
Trung tá Đào Duy Thương, Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện và ứng phó về công tác Phòng Cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chia sẻ các thành viên trong đoàn đã biết về vụ động đất qua báo đài nhưng khi tới đây chứng kiến cảnh tượng rất tàn khốc. "Chúng ta sẽ thấy cả một thành phố bị sập xuống như vừa trải qua cuộc chiến tranh rất khốc liệt" - Trung tá Thương chia sẻ
Theo Trung tá Đào Duy Thương, mỗi cuộc cứu hộ, cứu nạn đều có khó khăn riêng song chuyến công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều khó khăn vì phải di chuyển 2 ngày trên một quãng đường dài, với số lượng vật tư mang theo rất lớn, hơn 10 tấn hàng hoá. Ngoài ra, thời tiết tại Thổ Nhĩ Kỳ luôn ở mức dưới 10 độ C, sáng sớm âm 6 độ C.
"Khi đoàn Công tác qua đây, nước bạn rất nhiệt tình, đánh giá cao sự giúp đỡ từ đoàn của Việt Nam. Cùng với đó, nước bạn cũng tạo điều kiện rất tốt cho đoàn chúng ta thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ" - Trung tá Thương nói.
Trước đó, lúc 22 giờ ngày 9-2 theo giờ Việt Nam, đoàn biệt phái của Bộ Công an gồm 24 cán bộ, chiến sĩ đã xuất phát từ sân bay Nội Bài (Hà Nội). Khoảng 11 giờ ngày 10-2, đoàn hạ cánh xuống sân bay Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó tiếp tục bay đến TP Adana rồi di chuyển bằng ôtô đến TP Adiyaman, cách đó 300 km...
Theo sự sắp xếp của Cơ quan Ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), lực lượng cứu hộ Việt Nam được giao tìm kiếm tại tòa nhà bị sập trên đường 531, TP Adıyaman. Khu vực này được cho là đã vùi lấp 15 người sau trận động đất hôm 6-2.
Theo đại diện C07, tại hiện trường, ngoài việc cắt từng thanh sắt, lật từng mảng bê-tông, lực lượng cứu nạn, cứu hộ còn sử dụng camera dò tìm người trong đống đổ nát của công trình bị sập. Camera có khả năng luồn vào khe nhỏ nhằm tìm kiếm các nạn nhân có khả năng sống sót.
Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)