Tại triển lãm Vietship 2018, hình ảnh đồ họa rõ nét về thiết kế và cấu hình vũ khí của tàu tuần tra cỡ lớn 4.000 tấn DN-4000 dành cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã lần đầu được công khai.
Trái với dự đoán trước đó, chiếc DN 4000 không mang pháo hạm cỡ 76 mm Oto Melara hay AK-176M, cũng chẳng phải 23mm-2ML mà nó được trang bị 2 khẩu pháo nòng đôi 2M-3 cỡ 25 mm bố trí ngay trước cabin chỉ huy.
Pháo 2M-3 được cho là chưa tương xứng với một con tàu hiện đại như DN-4000 vì nó điều khiển hoàn toàn thủ công, không có thiết bị ngắm bắn quang điện tử hiện đại cũng như cơ cấu vận hành từ xa.
Trong tương lai, với sự phát triển của tiềm lực quốc phòng cũng như các loại vũ khí trang bị thì việc tích hợp cho tàu tuần tra lớn và hiện đại nhất của Việt Nam một thứ vũ khí uy lực hơn là điều có thể.
Mọi việc càng trở nên thuận lợi hơn khi mới đây lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã tiến hành lắp đặt trạm vũ khí điều khiển từ xa gắn pháo tự động lên tàu tuần tra hạng trung cỡ 750 tấn số hiệu KN-472.
Trạm vũ khí điều khiển từ xa này có kết cấu module rất linh hoạt, nó mang được nhiều cỡ súng, pháo khác nhau từ 12,7 mm cho tới 35 mm và có thể dễ dàng gắn lên nhiều loại tàu xuồng khác nhau.
Vũ khí mới này chính là ứng viên cực kỳ sáng giá dành cho việc thay thế 1 hoặc 2 vị trí gắn pháo 2M-3 trên tàu tuần tra DN-4000, dự đoán module vũ khí trên sẽ sử dụng nòng pháo 23 mm tương tự như 23mm-2ML hoặc cũng có thể mang đạn cỡ 35 mm lắp ngòi điện tử nhằm tận dụng hết tính năng.
Cấu hình vũ khí hợp lý nhất đối với DN-4000 nên là 1 bệ pháo điều khiển tự động lắp ở vị trí trên cao, ngay dưới cabin chỉ huy còn vị trí còn lại sẽ lắp pháo cỡ 76 mm Oto Melara Super Rapid, giúp con tàu có năng lực vượt trội nhiều lần so với thiết kế cơ sở.
Điều này còn trở nên cần thiết hơn khi gần đây nhiều tàu tuần tra cỡ lớn của các lực lượng thực thi pháp luật trong khu vực đã tiến hành lắp đặt vũ khí mạnh hơn, khiến nó không thua kém gì so với tàu tuần tra của hải quân.
Theo Tùng Dương (Đất Việt)