Điểm khác biệt trong chuyến thăm Việt Nam của Obama

20/05/2016 07:01:00

Chuyên gia nghiên cứu quốc tế của Việt Nam nhận định về chuyến thăm của Tổng thống Obama đầu tuần tới.

Chuyên gia nghiên cứu quốc tế của Việt Nam nhận định về chuyến thăm của Tổng thống Obama đầu tuần tới.
 
diem khac biet trong chuyen tham viet nam cua obama hinh anh 1
 

Từ ngày 23-25.5 sắp tới, nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm chính thức Việt Nam. 

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia nghiên cứu quốc tế, TS Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Bộ Ngoại giao về chuyến thăm quan trọng của ông Obama.

diem khac biet trong chuyen tham viet nam cua obama hinh anh 2

TS Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Bộ Ngoại giao

Thưa ông, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Obama có gì khác so với chuyến thăm của ông Bill Clinton và ông George W. Bush trướcđây?

Chuyến thăm của ông Obama có bối cảnh, nền tảng quan hệ khác xa trước đây. Ông Bill Clinton thăm Việt Nam năm 2000 khi hai nước vừa bình thường hóa quan hệ, còn nhiều khó khăn.

Năm 2006, ông George W. Bush dự Hội nghị APEC, kết hợp thăm Việt Nam, lúc đó sức ép về việc chống khủng bố, an ninh rất lớn.

Đến thời ông Obama, quan hệ hai nước đã phát triển hơn nhiều. Hiện nay, Mỹ đang tái cân bằng chính sách sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Họ cần Việt Nam và các nước trong khu vực.

Lần này, ông Obama dành hẳn 3 ngày thăm cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây là điểm rất khác biệt, chứng tỏ Mỹ ưu tiên về chính sách.

Quan hệ hai nước đã mở rộng trên nhiều lĩnh vực, hợp tác từ kinh tế thương mại, tới giáo dục, môi trường… Lòng tin của giữa hai bên đã được củng cố lên cao.

Đó là những điểm thuận lợi để thúc đẩy quan hệ và khác biệt trong chuyến thăm của ông Obama so với chuyến thăm của các tổng thống trước.

Một số thông tin cho rằng, rất có thể trong chuyến thăm của ông Obama, lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Mỹ chưa công bố chính thức. Tuy nhiên nhìn vào bối cảnh hiện nay, theo tôi đây là thời cơ thuận lợi nhất để Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Việc dỡ bỏ này sẽ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ, cáctập đoàn lớn như Boeing cùng những tập đoàn chế tạo vũ khí lớn có cơ hội hợp tác với Việt Nam, một đối tác nhiều tiềm năng, đặc biệt trong lĩnh vực biển.

Chỉ còn vài tháng nữa Tổng thống Obama sẽ kết thúc nhiệm kỳ, ông ấy cũng mong muốn để lại dấu ấn cá nhân. Bằng chứng là ông Obama đã làm được nhiều việc trong lĩnh vực ngoại giao như bình thường hóa quan hệ với Cuba, ký thỏa thuận lịch sử với Iran, thúc đẩy quan hệ với Myanmar, dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương với Việt Nam.

Ông Obama không phải người khởi xướng việc bình thường hóa quan hệ. Nhưng ông ấy có thể tạo dấu ấn cá nhân nếu ông ấy dỡ bỏ trở ngại cuối cùng, di sản của chiến tranh lạnh trong quan hệ Việt – Mỹ, đưa quan hệ hai nước hoàn toàn bình thường.

Bên cạnh đó, trong chính sách tái cân bằng của Mỹ sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương,Việt Nam là nhân tố rất quan trọng.

Từ mong muốn tạo dấu ấn cá nhân của ông Obama, cùng thời điểm thuận lợi, tôi tin rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm này. Có thể họ không công bố ngay, có thể còn tính toán nội bộ nào đó hoặc họ muốn tạo ra bất ngờ chẳng hạn.

Theo ông, vấn đề biển Đông sẽ được đề cập như thế nào trong chuyến thăm lần này của ông Obama tới Việt Nam?

Tôi nghĩ biển Đông không phải là vấn đề quá lớn trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ông Obama sẽ gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có vấn đề biển Đông.

Riêng về vấn đề biển Đông, quan điểm của hai bên đã hiểu nhau rõ rồi. Những gì Việt Nam mong muốn, chủ trương thì Mỹ cũng đã hiểu.

Ngược lại, Mỹ có thể làm được gì, làm như thế nào thì Việt Nam cũng đã hiểu.

Điểm chung hai bên sẽ nhắc lại, chia sẻ những điểm mà hai bên có lợi ích chung. Ví dụ tôn trọng tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hòa bình giải quyết tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm chỉnh Công ước Luật biển DOC, hướng tới COC, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa vùng biển trong khu vực.

Bên cạnh đó, hai bên có thể sẽ bàn đến những vấn đề mới, ví dụ sắp tới, Tòa án Công lý Quốc tế La Haye sẽ đưa ra phán quyết về luật biển, liên quan đến vụ kiện của Phillipines đối với Trung Quốc về “đường lưỡi bò”.

Mỹ có thể sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực nhận thức, thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ ngư dân, bảo vệ môi trường biển, cùng môi trường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tất Định (Dân Việt)

Nổi bật