Khu vực Ironbound tại Newark, New Jersey (Mỹ), đã được tái sinh, nhưng con sông gần đó thì chưa.
Nửa thế kỷ trước, chất độc da cam được sản xuất ở khu công nghiệp dọc bờ sông Passaic này. Sau khi được gột rửa khỏi sàn nhà máy và chảy theo hệ thống thoát nước, hóa chất lắng đọng thành lớp bùn đầy độc hại dưới đáy sông. Chi phí ước tính để dọn sạch khu vực và bù đắp thiệt hại môi trường có thể lên tới gần 12 tỷ USD.
Câu hỏi đặt ra là ai sẽ chi trả hóa đơn khổng lồ này? Tòa án liên bang phụ trách các vụ phá sản ở Delaware giờ đang phải đi tìm lời giải đáp cho ẩn số quan trọng mà sẽ định rõ các công ty có thể né trách nhiệm bồi thường lên tới hàng tỷ USD nhờ quy trình tuyên bố phá sản hay không.
Trách nhiệm không thể rũ bỏ
YPF SA, tập đoàn dầu mỏ nhà nước của Argentina, tiếp quản khu vực nhiễm độc vào năm 1995 khi thâu tóm công ty dầu khí Maxus Energy. Trong những năm sau đó, YPF bán cổ phần dầu khí của Maxus và đưa đơn vị này vào tình trạng phá sản hồi năm 2016. YPF tuyên bố không có trách nhiệm thanh toán chi phí tẩy độc, còn công ty con đã phá sản thì không có tiền.
Những chủ thế khác quan tâm đến vụ việc, trong đó có một công ty chia sẻ trách nhiệm pháp lý đền bù thiệt hại môi trường, bày tỏ phẫn nộ về âm mưu này. Họ nói rằng công ty con Maxus chỉ là con rối không giá trị và được lợi dụng để chịu tội. Các chủ nợ kiện YPF vào tháng 6, tố công ty này rút “khô máu” của Maxus và có ý định lợi dụng việc công ty con khánh kiệt để trút bỏ gánh nặng nghĩa vụ tẩy độc.
YPF cáo buộc ngược lại rằng các doanh nghiệp trên cũng phạm lỗi tương tự. Luật sư của YPF James F. Conlan tố công ty hóa chất Occidental Chemical, chủ nợ lớn nhất của Maxus và có cùng trách nhiệm đền bù thiệt hại môi trường, đâm đơn kiện cũng là để tránh phải gánh chi phí xử lý chất độc. Luật sư khẳng định YPF sẽ mạnh mẽ chống lại các cáo buộc, nỗ lực để vụ kiện được tòa bác bỏ vào phiên xử dự kiến ngày 18/12.
Nhiều công ty khác cũng đang dõi theo sự kiện, và theo Cơ quan Bảo vệ Môi sinh (EPA), số công ty có nghĩa vụ đền bù ô nhiễm tại sông Passaic lên tới 100. Con sông bị đầu độc bằng phụ phẩm bắt nguồn từ quá trình sản xuất sơn, thuốc trừ sâu và các hóa chất khác. Nếu YPF không chịu trả số tiền này, hàng tỷ USD chi phí tẩy rửa chất độc da cam sẽ đổ xuống đầu các công ty khác và sau đó có thể là toàn thể người dân đóng thuế.
Từ năm 1980, luật liên bang khiến các công ty Mỹ khó có thể thoái thác trách nhiệm bồi thường ô nhiễm. Theo Joshua Macey, nhà nghiên cứu tại Trường Luật Cornell, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp dựa vào chương 11, Luật Phá sản Mỹ, để giảm thiểu trách nhiệm pháp lý với môi trường.
Vào năm 2015-2016, Tập đoàn Alpha Natural Sources, Arch Coal và Peabody Energy được giảm gần 1,9 tỷ USD đối với khoản tiền cam kết để khôi phục mỏ than trong giai đoạn đệ đơn phá sản. Tuy nhiên, sau khi bật trở lại khỏi cảnh khánh kiệt, Arch Coal và Peabody Energy vẫn phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý. Điều này cho thấy rất khó để các công ty có thể rũ bỏ hoàn toàn chi phí đền bù môi trường.
Lợi dụng quy trình phá sản
Tình trạng ô nhiễm dioxin tại sông Passaic xuất hiện từ thời Chiến tranh Việt Nam. Nhu cầu cho loại thuốc diệt cỏ độc hại tăng cao khi quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam tàn phá mùa màng và cây trồng của đất nước Đông Nam Á. Công ty Maxus, lúc đó có tên Diamond Alkali, sản xuất hóa chất này tại nhà máy bên bờ sông.
Theo quyết định của tòa án New Jersey năm 1992, khi Diamond kiện các công ty bảo hiểm nhằm đòi đền bù cho thiệt hại về môi trường, một số công nhân nói rằng sàn nhà máy loang lổ phụ phẩm độc, đến mức riêng việc đi lại thôi cũng nguy hiểm. Chất dioxin chảy theo máng mương trôi vào sông Passaic.
Passaic, bị thủy triều ảnh hưởng, mang hóa chất đi xuôi và ngược dòng. Hậu quả là hơn 27 km lòng sông tại khu vực đông dân nhất New Jersey bị nhiễm độc. Các chất gây ô nhiễm trôi tới cả Vịnh Newark và các vùng nước khác. Căn cứ theo bộ tiêu chí đánh giá, EPA nhận diện những vùng này là “khu vực Superfund”, tức những nơi ô nhiễm gây nguy hại tới sức khỏe con người, môi trường và cần được tẩy độc. Tới nay, cua cá sinh sống ở sông vẫn quá độc hại để người dân có thể tiêu thụ.
Vào năm 1983, New Jersey tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực sông Passaic. EPA cũng cử đội ngũ xét nghiệm dioxin và nguy cơ sinh học tới khu vực Ironbound. Nguy cơ phải chịu trách nhiệm cho môi trường ô nhiễm phủ bóng đen lên nhiều thương vụ sau đó.
Năm 1986, Occidental Chemical hay OxyChem, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Occidental Petroleum, thu mua các cơ sở hóa chất của Diamond. Lo ngại về trách nhiệm tẩy rửa chất độc, OxyChem không mua địa điểm ở Newark, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý với tư cách là người sở hữu kế tiếp. Trong thỏa thuận, Diamond cam kết đền bù với OxyChem rằng bất kỳ khoản nào OxyChem phải chi để tẩy độc cũng sẽ được hoàn trả.
Năm 1995, YPF mua toàn bộ phần còn lại của Diamond (lúc này đã đổi tên thành Maxus Energy). Với 750 triệu USD, YPF háo hức được sở hữu vốn tài sản dầu khí giá trị ở Bolivia, Venezuela, Ecuador, Indonesia và Mỹ, nhưng đi kèm với những thứ trên là cơ sở chất độc da cam ở Newark, trách nhiệm pháp lý và những khoản nợ.
Theo các văn bản được viện dẫn trong hồ sơ khởi kiện của các chủ nợ hiện tại, rủi ro của những khoản đền bù ô nhiễm môi trường lên tới hàng tỷ USD đã không được chú trọng trong thương vụ giữa YPF và Maxus. Tuy nhiên, sau khi việc thu mua hoàn tất, theo hồ sơ kiện cáo, luật sư của Maxus cảnh báo tình trạng ô nhiễm tiềm ẩn “khả năng công ty vừa được thu mua sẽ bị phá hủy hoàn toàn”.
Cũng không lâu sau, ban điều hành YPF nhận thấy số tiền tiêu tốn cho việc dọn sông Passaic là một mối đe dọa. Và họ bắt đầu đề ra một chiến thuật pháp lý để đặt dấu chấm hết cho tàn cục, trong đó có kế hoạch phá sản. Thông tin này xuất hiện trong những tin nhắn nội bộ YPF, nổi lên từ vụ Cục Bảo vệ Môi trường New Jersey kiện 3 công ty YPF, Maxus và OxyChem.
Kế hoạch có tên dự án Project Jazz được thi triển ở một câu lạc bộ đêm tại New York, nơi đại diện doanh nghiệp và các luật sư bàn thảo những chi tiết cụ thể cuối cùng. Theo đó, YPF bán dần tài sản dầu khí của Maxus và rút doanh thu của công ty này, khiến nó phải phụ thuộc vào công ty mẹ trong lúc vẫn mang trên mình trách nhiệm xử lý chất độc da cam.
Để kế hoạch phá sản thành công, theo các luật sư, YPF giữ cho Maxus “sống” vài năm sau thương vụ mua bán năm 1995 và việc này cũng là để đợi hết hạn cho các chủ nợ được phép làm khó thỏa thuận.
Bang New Jersey đâm đơn kiện Maxus và OxyChem vào năm 2005, cáo buộc cả hai công ty này trì hoãn việc xử lý chất độc. Bang đạt được thỏa thuận hòa giải với Maxus, YPF và OxyChem liên quan tới 220 triệu USDchính quyền đã chi để tẩy độc sông Passaic. Tuy nhiên, chi phí để hoàn tất công việc không được đề cập.
Theo bản đệ trình của EPA trong vụ kiện xung quanh việc Maxus tuyên bố phá sản, chi phí còn lại cho công tác xử lý chất độc có thể vượt 6,3 tỷ USD. EPA định giá thiệt hại với tài nguyên môi trường là 5,5 tỷ USD, tức tổng hóa đơn xử lý thiệt hại chất độc da cam trên sông Passaic lên tới 11,8 tỷ USD.
“Vụ Passaic rất khó khăn vì ô nhiễm quá nặng, khu vực đó gần nơi người dân sinh sống và những kẻ gây ô nhiễm thì đối đầu với EPA ở mọi ngả”, Judith Enck, cựu giám đốc khu vực của EPA, cho biết.
Năm 2016, EPA đưa ra kế hoạch xử lý chất độc ở 12 km sông với chi phí ước tính 1,4 tỷ USD. Maxus và OxyChem là những chủ thể đầu tiên phải cõng khoản chi này, và sau đó có thể là một số công ty khác được xác định cũng có khả năng phải chịu trách nhiệm. Vào thời điểm đó, Maxus vẫn đang gánh trách nhiệm tẩy độc thay mặt OxyChem, nhưng vài tháng sau, Maxus đệ đơn xin phá sản – hoàn thành bước cuối cùng trong kế hoạch Project Jazz.
Kiện cáo liên tiếp
Maxus khẳng định đã dành 755 triệu USD cho công tác xử lý chất độc trong nhiều năm qua, nhưng không còn tiền để hoàn tất công việc hay hoàn trả cho Oxychem như theo quy định trong thỏa thuận từ trước. Tình huống này đẩy OxyChem vào thế khó khi phải đối mặt với toàn bộ việc dọn sông Passaic.
Trong quá khứ chưa từng có mưu mẹo phá sản nào thành công. Hồi năm 2013, tòa án phá sản New York tuyên Tập đoàn Kerr-McGee có hành vi gian dối nhằm lưu động toàn bộ tài sản dầu khí giá trị cao khỏi công ty con Tronox (đơn vị này sau đó đệ đơn khánh kiệt) nhằm né tránh nghĩa vụ đền bù thiệt hại môi trường.
4 tháng sau khi thẩm phán cho hay Kerr-McGee có thể phải chịu trách nhiệm đền bù lên tới 14 tỷ USD, công ty này chấp thuận hòa giải với số tiền đền bù 5 tỷ USD.
Các chủ nợ của Maxus, dẫn đầu là OxyChem, kiện YPF vào tháng 6 với cáo buộc YPF bòn rút tài sản của Maxus không hợp lệ. Họ đòi YPF trả 14 tỷ USD, gồm chi phí dọn rửa sông Passaic và một số khu xả thải khác tại Mỹ.
Tại phiên điều trần cuối năm 2016, David Gordon, luật sư đại diện EPA, khẳng định vụ việc gây ra nguy cơ “khổng lồ" đối với an toàn và sức khỏe cộng đồng. Ông cho biết chính quyền liên bang sẽ dẫn dắt công tác xử lý chất độc ở Passaic và dự án mất 20-30 năm để hoàn thành.
Trong phiên tòa năm 2017, các nhà lập pháp kêu gọi điều tra xem liệu tuyên bố phá sản của Maxus có nhằm mục đích né chi phí tẩy rửa sông Passaic hay không. Frank Pagiri, luật sư của OxyChem, nhận định kế hoạch phá sản của YPF có thể sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm.
Nhiều công ty khác, cả nội địa và nước ngoài, có thể coi thủ đoạn của YPF như một phương án khả thi để thu xếp bản cân đối kế toán - điều mà Pagiri cho rằng sẽ gây tổn hại tới người dân, cộng đồng và doanh nghiệp Mỹ, cũng như các cơ quan chính phủ bang và liên bang.
Tuy nhiên, YPF phát thông cáo buộc tội OxyChem theo đuổi “kiện tụng vô nghĩa”. Ông Conlan, luật sư của YPF, cho rằng OxyChem đang bịa một câu chuyện ác ý về những quyết định kinh doanh bình thường của YPF trong 30 năm qua.
YPF đang nỗ lực khiến cho vụ kiện của các chủ nợ đối với Maxus bị bác bỏ với lý do là đã quá hạn cho các chủ nợ thắc mắc về những thỏa thuận trước đây, từ khi tài sản được lưu động khỏi Maxus. Nếu tòa tuyên án theo hướng có lợi cho YPF thì Oxychem và các công ty hoạt động gần sông sẽ phải chịu chi phí nặng nề hơn và có thể làm khuấy động tòa án với thêm nhiều cuộc tranh chấp.
Hè năm nay, OxyChem đệ đơn kiện các công ty mà EPA xác định là “bên có thể phải chịu trách nhiệm” cho tình trạng ô nhiễm ở sông Passaic, trong đó có Tổng công ty Thép Mỹ (US Steel) từng chế tạo tàu chiến tại khu vực này vào Thế chiến 2. Vụ kiện nhằm thu hồi một phần chi phí xử lý chất độc mà OxyChem đã chi trả.
Cuối năm 2017, Occidental Petroleum, công ty mẹ của OxyChem, dành 457 triệu USD cho công tác cải tạo môi trường tại 34 khu vực Superfund, trong đó dự án ở Passaic chiếm một phần lớn.
Tuy nhiên, đến cuối cùng, nếu các công ty liên quan không có đủ tiền, chi phí dọn rửa có khả năng sẽ đổ lên lưng của người đóng thuế.
Theo Ngọc Hà (Tri Thức Trực Tuyến)