Đà Nẵng có hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do chất độc da cam. Một điểm là sân bay Đà Nẵng vốn là nơi tập trung dioxin, và huyện Hoà Vang là một trong những nơi bị máy bay Mỹ rải chất độc trong giai đoạn chiến tranh. Địa điểm tại Hoà Vang mà đoàn thuỷ thủ Mỹ ghé thăm là cơ sở thứ 3 của trung tâm chăm sóc nạn nhân chất độc da cam là trẻ em. Nữ ca sĩ chính của ban nhạc Hạm đội 7 trong chuyến thăm Đà Nẵng lần này, cô Emily Kershaw, thể hiện lại bài Nối vòng tay lớn. Nhiều nhân viên trung tâm tỏ ra bất ngờ khi nghe cô hát tiếng Việt rành mạch. Bé Võ Ý hứng thú tham gia vào tiết mục biểu diễn của ban nhạc Hạm đội 7. Đại tá Tô Năm, chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng, cho biết thành phố có hơn 5.000 người bị nhiễm, bao gồm hơn 1.400 nạn nhân là trẻ em. Mary Lewis, quân nhân hải quân trong nhóm hỗ trợ chuyến thăm của đội tàu USS Carl Vinson, đi từng dãy bàn nói chuyện và đập tay vui vẻ cùng các em tại trung tâm trong lúc chuẩn bị chờ đoàn chính thức đến. Cô cho biết bản thân dễ dàng đồng cảm với các em, “tôi cũng có con gái trạc tuổi này, nên tôi nghĩ mình dễ hoà nhập cùng các cháu tại đây”. Phó tổng lãnh sự Mỹ Timothy Liston cũng tham dự buổi giao lưu hôm nay cùng đoàn thuỷ thủ Mỹ. "Chúng tôi rất vui khi có cơ hội tổ chức những hoạt động mang lại niềm vui cho các em. Những hoạt động như buổi ngày hôm nay là cơ hội tăng cường giao lưu giữa hai nước. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều cơ hội kết nối với người dân và trẻ em Việt Nam, chẳng hạn qua việc xây trường học hoặc những sự kiện cộng đồng như thế này. Đó là nền tảng tuyệt vời để hai nước xây dựng quan hệ dựa trên cơ sở tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau", ông Timothy Liston nói. Cũng theo Đại tá Tô Năm, tính từ đầu năm 2018 đến nay thì đoàn thuỷ thủ của tàu USS Carl Vinson là đoàn quy mô nhất, cấp nhà nước, đến thăm các em tại trung tâm. Bé Lê Đình Vinh, một trong những trẻ em được chăm sóc tại trung tâm. Đại tá Tô Năm cho biết nhiều gia đình có tới 3 em cùng nhiễm, hoặc di chứng kéo dài đến đời thứ ba trong gia đình. Tuy nhiên, ông nói những trường hợp nạn nhân là đời cháu chỉ được hưởng chính sách chăm sóc do các tổ chức xã hội đóng góp. Chị Đinh Thị Thu Nghĩa, 26 tuổi, một trong những nhân viên tại trung tâm, nói các em mất một tháng để tập luyện các tiết mục văn nghệ chuẩn bị đón đoàn thuỷ thủ Mỹ đến giao lưu. “Tôi chọn công việc này một phần vì bản thân thích trẻ em, phần khác vì nghĩ thấy hoàn cảnh các em rất tội. Hôm nay dù đoàn đến thăm là đoàn Mỹ hay từ nước nào, chỉ cần nhìn thấy các em vui vẻ như vậy là chúng tôi cũng rất vui”, Thu Nghĩa cho biết. Sarah Windsor, nữ thuỷ thủ trẻ trên tàu USS Carl Vinson sau hai năm gia nhập hải quân, cho biết cô cảm kích cơ hội được đến thăm và chơi đùa cùng các em hôm nay tại trung tâm. “Các em tuy bị khuyết tật nhưng luôn tỏ ra rất vui vẻ và thật nhiều năng lượng khi chơi đùa cùng chúng tôi. Dù trải qua hoàn cảnh không dễ dàng như vậy, nhưng các em luôn nở nụ cười”. Jose Cova, một thủy thủ khác trên tàu USS Carl Vinson, nói anh không cảm thấy khó khăn trong việc chơi đùa cùng các bé. “Tôi từng là giáo viên trước khi gia nhập hải quân. Tôi đã dạy cho nhiều đối tượng trẻ em, nên tôi không cảm thấy nhiều khó khăn để tương tác và chơi đùa cùng các em ở trung tâm này”. Các thuỷ thủ Mỹ cùng thử làm những hoạt động thủ công và dạy nghề tại trung tâm. Buổi giao lưu diễn ra từ 9h đến gần 12h trưa. Phần lớn các em không tỏ ra ngại ngùng hay e dè khi tiếp xúc với những thuỷ thủ Mỹ. "Chủ trương của Đảng và Nhà nước là khép lại quá khứ và hướng tới tương lai. Khi đón tiếp một thế hệ quân nhân Mỹ trẻ tuổi đến thăm trung tâm hôm nay, tôi hy vọng họ sẽ tự mình chứng kiến và rút ra kết luận cho riêng mình. Với tư cách cựu chiến binh và nay đã rời quân đội mà chuyển sang công tác xã hội, tôi muốn nhắn nhủ với những thuỷ thủ Mỹ này rằng hãy cùng gìn giữ và bảo vệ hoà bình, đừng để những cuộc chiến phi nghĩa lại xảy ra", Đại tá Tô Năm nói Theo Hải An - Cảnh Toàn (Tri Thức Trực Tuyến)