Đi 30km chỉ hết 7 phút: Tại sao tàu siêu tốc Thượng Hải ế ẩm, bị coi là xây để 'làm màu'?

13/11/2021 09:39:14

Mặc dù tàu siêu tốc Thượng Hải có tốc độ cao nhưng chuyến tàu lại có chi phí hoạt động không nhỏ, lượng hành khách ít ỏi.

Tàu Maglev Thượng Hải là tuyến tàu đệm từ hoạt động ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Đây là loại tàu đệm từ thương mại lâu đời nhất vẫn còn hoạt động và là loại tàu tốc độ cao thương mại đầu tiên có tốc độ di chuyển lên tới 431 km/h (theo đánh giá của tờ Independent năm 2017).

Được biết, tuyến tàu kết nối sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải và ga Long Dương (ở ngoại ô trung tâm Phố Đông), nơi hành khách có thể chuyển sang tàu điện ngầm Thượng Hải để tiếp tục chuyến đi đến trung tâm thành phố. Chi phí xây dựng là khoảng 39 triệu USD/km.

Tàu siêu tốc ở Thượng Hải

Thượng Hải hiện vận hành hệ thống tàu đệm từ thương mại duy nhất trên thế giới trên quãng đường dài 30 km. Việc xây dựng tuyến này bắt đầu vào tháng 3/2001, và bắt đầu mở cửa cho người dân sử dụng từ ngày 1/1/2004.

Đi 30km chỉ hết 7 phút: Tại sao tàu siêu tốc Thượng Hải ế ẩm, bị coi là xây để 'làm màu'?

Tuyến tàu đệm từ do Công ty TNHH Phát triển Vận tải Maglev Thượng Hải điều hành và chạy từ 06:45 đến 21:30 hàng ngày, với các chuyến cách nhau từ 15 đến 20 phút. Vé một chiều có giá 50 tệ hoặc 40 tệ cho những hành khách có biên lai hoặc giữ cuống vé máy bay. Vé khứ hồi có giá 80 tệ và vé VIP có giá gấp đôi giá vé tiêu chuẩn.

Ở tốc độ tối đa, tàu chỉ mất 7 phút 20 giây để hoàn thành quãng đường 30 km, mặc dù một số chuyến tàu vào sáng sớm và chiều muộn sẽ mất thêm khoảng 50 giây. Một đoàn tàu có thể đạt vận tốc 350 km/h trong 2 phút, và tốc độ hoạt động tối đa có thể đạt được là 431 km/h.

Một tuyên bố năm 2007 của cơ quan điều hành cho biết với 4 triệu hành khách trong năm 2006, hệ thống đã có thể tự trang trải chi phí hoạt động. Tỷ lệ chi phí được đưa ra là: 64% cho tiền điện, 19% cho bảo trì và 17% tiền vận hành/dịch vụ hỗ trợ; dù vậy không có số tiền cụ thể nào được đưa ra. Tỷ lệ chi phí cho tiền điện cao là do thời gian chuyến đi ngắn và tốc độ vận hành cao.

Theo bài viết trên Asia Times năm 2007, tại Trung Quốc, một số dự án cơ sở hạ tầng được gọi là "dự án hình ảnh", hoặc dự án điểm nhấn. Những dự án này được khởi công và xây dựng không phải vì sự thuận tiện hoặc lợi ích của người dân mà chủ yếu để "thể hiện sự tiên tiến và đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc".

Tuyến đường khó có thể được gọi là một thành công về mặt thương mại. Do công nghệ độc đáo của nó, tuyến tàu này không thể được liên kết với hệ thống vận tải ngầm của Thượng Hải.

Du khách thường phàn nàn rằng tàu đệm từ không thực sự đưa họ đến bất cứ nơi nào thuận tiện và họ vẫn phải bắt taxi để đến điểm cần đến. Vé tàu cũng khá đắt và điều này cũng khiến các hành khách không mấy mặn mà. Do đó, các chuyến tàu thường trống tới 80% và việc thua lỗ cũng là điều dễ hiểu.

Đi 30km chỉ hết 7 phút: Tại sao tàu siêu tốc Thượng Hải ế ẩm, bị coi là xây để 'làm màu'? - 1
Bên trong chuyến tàu thương mại "nhanh nhất thế giới".

Theo truyền thông Trung Quốc, do chi phí vận hành quá lớn và thiếu luồng hành khách, Công ty Vận tải Maglev Thượng Hải được cho là lỗ từ 500 đến 700 triệu tệ mỗi năm. Trong những năm đầu hoạt động, công ty điều hành tàu đã lỗ hơn 1 tỷ tệ.

Những kế hoạch khác

Tuy nhiên, chính quyền Thượng Hải vẫn mong muốn xây dựng thêm các tuyến đường sắt đệm từ đến các thành phố khác.

Ví dụ, đề xuất tuyến đường từ Thượng Hải đến Bắc Kinh được đưa ra vào năm 2002, với dự tính tuyến đường dài khoảng 1.400 km và chi phí ước tính là 20 tỉ USD. Các chuyên gia chính phủ và quan chức Bộ Đường sắt Trung Quốc phản đối mạnh mẽ đề xuất này vì tính phi thực tế, chi phí cao và rủi ro cao. Cuối cùng, chính quyền trung ương đã phủ quyết đề xuất này.

Tuy vậy, Giám đốc điều hành của ThyssenKrupp (tập đoàn đa quốc gia của Đức tập trung vào cơ khí công nghiệp và sản xuất thép), Tiến sĩ Ekkehard Schulz cho biết ông chắc chắn rằng không chỉ Đức, mà nhiều quốc gia sẽ noi gương Trung Quốc.

Chính phủ Đức cùng với một số công ty Đức đã tìm cách giành được nhiều dự án hơn cho công nghệ đệm từ của họ và nhấn mạnh rằng một chuyến tàu giữa Thượng Hải và thủ đô Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn là một dự án khả thi. Tuy nhiên, không có dự án nào được chốt tính đến năm 2014.

Đề xuất thứ hai là kế hoạch xây tuyến đường tàu cao tốc đệm từ dài 175 km nối Thượng Hải đến Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang lân cận. Dù vậy, dự án này cũng vấp phải nhiều tranh cãi gay gắt.

Theo Tân Hoa Xã, dự án tàu Thượng Hải-Hàng Châu đã bị hoãn vô thời hạn vì "giá vé một chiều 150 nhân dân tệ rõ ràng là quá cao đối với những người bình thường".

Giáo sư Li Hong, một nhà nghiên cứu tại Viện Giao thông vận tải Trung Quốc, cho biết giá vé cao là nguyên nhân chính khiến tàu đệm từ Thượng Hải thất bại về mặt thương mại. “Doanh thu bán vé của hãng chỉ được 100 triệu nhân dân tệ một năm, vì vậy phải mất 100 năm nữa mới có thể hòa vốn,” ông nói.

Theo Tất Đạt (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)

Nổi bật