Giờ tan học định mệnh
Sáng ngày 18/10/2005, Trình Dĩnh mang theo cặp sách nhỏ, được mẹ đưa đến trường tiểu học Hy vọng Hồng Miếu Ba (Tây An, Trung Quốc). Lúc này cô bé 6 tuổi và mới vào lớp một.
Kim Luân Cúc dặn dò con gái nhỏ: "Con đừng chạy lung tung sau giờ học. Con phải ngoan ngoãn đợi mẹ đến đón!". Trình Dĩnh nói: "Con biết rồi", sau đó chạy vào lớp.
Trường tiểu học Hy Vọng tan học lúc 12h trưa. Nhưng hôm đó Kim Luân Cúc đã đến trễ hơn 20 phút. Chạy vội vào lớp, cô thấy phòng trống nên hỏi cô giáo. Cô giáo cho biết Trình Dĩnh về nhà một mình vì không thể đợi mẹ đến đón lâu được. Nghe xong, Kim Luân Cúc vội vàng gọi điện hỏi chồng Trình Trúc con đã về nhà chưa. Khi biết con gái vẫn chưa về nhà, hai vợ chồng hoảng sợ và nhanh chóng huy động người thân, bạn bè giúp đỡ tìm kiếm.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài tìm kiếm, cũng đã gọi cảnh sát, hai vợ chồng Trình Trúc đến các thành phố lân cận như Vị Nam, Diên An… thậm chí còn ra tỉnh ngoài như Hà Nam, Sơn Đông, Quảng Đông và Phúc Kiến... nhưng vẫn không thấy con gái đâu.
Năm 2010, Trình Trúc lái chiếc xe được cải tiến đặc biệt từ xe tải tìm kiếm con gái khắp nơi, gần như khắp Trung Quốc. Mỗi lần đến một thành phố nào đó, anh đều dán “Thông báo tìm kiếm con gái” dọc các con phố. Nhưng sau nhiều năm vẫn không có manh mối nào.
Trong quá trình tìm này, Trình Trúc và 3 ông bố bà mẹ mất con khác đã dán lên chiếc xe những bức ảnh đứa trẻ mất tích tải xuống từ Internet, đồng thời mang theo “bản đồ tìm kiếm trẻ lạc” gồm hơn 2.700 trẻ em mất tích. Bản đồ này có chiều dài hơn hơn 240 mét. Đi đến đâu họ cũng đến quảng trường tập trung đông người dân địa phương nhất và mở ra "bản đồ tìm kiếm trẻ lạc" khổng lồ này. Khi mọi người đến xem, họ sẽ bắt đầu phát tờ rơi có hình những đứa trẻ mất tích.
Trên tờ rơi còn có dòng chữ nổi bật: “Những kẻ buôn người đang chực chờ xung quanh, hãy trông chừng con cái của bạn”.
Sau nhiều năm tìm kiếm con gái, Trình Trúc không chỉ tiêu hết tiền tiết kiệm mà còn nợ hơn 200.000 NDT (gần 670 triệu đồng). Dù vậy, anh vẫn không bỏ cuộc, trong lòng luôn tin rằng con gái sẽ trở về.
Vậy Trình Dĩnh đã đi đâu?
Đi theo người lạ, lưu lạc nơi xa
Thời gian quay ngược trở lại ngày 18/10/2005, sau giờ học lúc 12 giờ trưa. Lúc đó Trình Dĩnh đang đợi mẹ đón ở cổng trường.
Nhưng đợi đã lâu mà mẹ vẫn chưa đến. Nhìn thấy các bạn cùng lớp được bố mẹ đón từng người một, Trình Dĩnh có chút lo lắng nên nói với giáo viên rằng mình nhớ đường về nhà, có lẽ mẹ hơi bận nên không đến đón được nên em tự đi về.
Sau khi nhận được sự cho phép của giáo viên, Trình Dĩnh đã đến trạm xe buýt. Lúc này, một người phụ nữ trung niên tên là Vương Lệ nói với Trình Dĩnh: “Cô là bạn của mẹ cháu, hôm nay mẹ có việc nên không đến được nên nhờ cô đến đón cháu về nhà”.
Khi đó, mẹ phải chăm sóc em gái mới sinh, Trình Dĩnh nghĩ rằng mẹ bận bịu nên đã tin và đi theo Vương Lệ, một người phụ nữ xa lạ, lên xe buýt. Sau đó, Trình Dĩnh bị đưa đến huyện Diên Trường ở thành phố Diên An, sống với Vương Lệ và chồng là Vương Hồng Lâm. Vương Lệ đã đổi tên Trình Dĩnh thành Vương Linh và buộc Trình Dĩnh phải gọi hai vợ chồng bà là bố mẹ. Năm 2008, mối quan hệ của Vương Lệ và Vương Hồng Lâm tan vỡ và Vương Lệ bỏ nhà ra đi.
Lúc đó, Vương Hồng Lâm đang thiếu tiền và quyết định bán Trình Dĩnh. Vài tháng sau, một người phụ nữ tên Tiểu Hà và người đàn ông họ Vương tiếp cận Vương Hồng Lâm và nói rằng có người sẵn sàng mua Trình Dĩnh với giá 10.000 NDT (hơn 330 triệu đồng). Người mua cũng chính là bố nuôi họ Mạnh và mẹ nuôi họ Hình của Trình Dĩnh sau này. Tiểu Hà là chị họ của ông Mạnh. Trước đó, ông Mạnh đã mua một bé trai đến từ Sơn Tây, bây giờ mua thêm Trình Dĩnh để đủ “một trai, một gái”. Sau đó, Trình Dĩnh đến sống ở Thành Đô với bố mẹ nuôi.
Bởi vì Trình Dĩnh đã có thể nhớ được mọi chuyện nên bố mẹ nuôi đã giám sát cô rất nghiêm ngặt. Ngoài việc đi học, Trình Dĩnh phải ở nhà. Dưới tình trạng này, Trình Dĩnh cư xử rất ngoan ngoãn và hiểu chuyện để khiến bố mẹ nuôi mất cảnh giác. Đồng thời, cô bé cũng cố tình để dành tiền tiêu vặt mỗi ngày, lên kế hoạch tìm lại bố mẹ.
Đến năm 2009, Trình Dĩnh đã tiết kiệm được 500 NDT (hơn 1,6 triệu đồng). Tuy nhiên, vì lúc đó còn quá nhỏ, lo lắng không tìm được cha mẹ ruột, sợ gặp phải người xấu nên tạm thời bỏ cuộc. Cô muốn đợi mình lớn hơn và tiết kiệm được nhiều tiền hơn rồi mới lên đường tìm kiếm. Ngoài ra, để không quên quê hương, Trình Dĩnh hàng ngày đều viết địa chỉ nhà mình ra giấy: Đường Đại Bạch Dương, Tây An. Viết xong, Trình Dĩnh xé đi vì sợ bị bố mẹ nuôi bắt gặp và gây nghi ngờ.
Đoàn tụ nhờ chiếc điện thoại
Năm 2014, 9 năm trôi qua kể từ khi bị bắt cóc, Trình Dĩnh 15 tuổi, đã cao lớn và có lòng can đảm hơn. Trình Dĩnh lúc đó đang học lớp 10, đã nói với bố mẹ nuôi: “Con không muốn đi học nữa. Con muốn ở nhà bán hàng kiếm sống”.
Thấy con gái sẵn sàng bỏ học để kiếm tiền, bố mẹ nuôi rất vui mừng nên nhất thời buông lỏng cảnh giác với Trình Dĩnh, thậm chí còn mua cho cô một chiếc điện thoại di động.
Có điện thoại, Trình Dĩnh bắt đầu tìm kiếm địa chỉ nhà của mình trên mạng. Sau đó, một cư dân mạng nói với Trình Dĩnh rằng ở Tây An không có đường Đại Bạch Dương, chỉ có thôn Đại Bạch Dương, và hiện tại thôn này đã được quy hoạch. Trình Dĩnh như “tìm được kho báu”, vội vàng chia sẻ với cư dân mạng, kể lại câu chuyện bị bắt cóc của mình. Bất ngờ thay, cư dân mạng cho biết đã nhìn thấy thông báo mất tích của một bé gái tên Trình Dĩnh.
Sau đó, người này tìm kiếm trên mạng và tìm thấy thông báo tìm con do Trình Trúc đăng và liên lạc với anh. Tuy nhiên, Trình Trúc cho rằng người này nói dối vì anh đã gặp rất nhiều kẻ lừa đảo trong 9 năm qua, và số tiền anh bị lừa nhiều nhất là 8.000 NDT (gần 27 triệu đồng). Để xóa tan sự nghi ngờ của Trình Trúc, người này đã chủ động gửi cho anh một bức ảnh chụp đời thường của Trình Dĩnh. Vào ngày đầu năm mới 2015, Trình Trúc đã gọi cho Trình Dĩnh dựa trên manh mối do cư dân mạng cung cấp.
Tuy nhiên, vì có người xung quanh Trình Dĩnh nên lúc đó hai bố con cũng không nói gì nhiều. Sau cuộc điện thoại, Trình Dĩnh đã vẽ bản đồ nơi cô sống trên giấy, chụp ảnh các tòa nhà xung quanh nơi cô ở và gửi cho Trình Trúc. Dưới sự hướng dẫn của con gái Trình Dĩnh, Trình Trúc và vợ Kim Luân Cúc đã đến Chợ vật liệu số 2 Quảng Phú ở quận mới Thiên Phủ, Thành Đô vào ngày 5/1/2015. Đồng thời, họ cũng đã báo cảnh sát.
Sáng ngày 6/1, Trình Dĩnh đứng trước cửa tiệm tạp hóa dưới lầu, vợ chồng Trình Trúc giả vờ đi ngang qua cửa để tận mắt nhìn cô. Chỉ bằng một ánh nhìn, vợ chồng Trình Trúc đã chắc chắn rằng Trình Dĩnh chính là con gái của họ bị bắt cóc 9 năm trước. Tất nhiên, cả 3 đều không vội vàng vì vẫn phải tiến hành xác minh ADN.
Vào ngày 7/1, Trình Dĩnh lợi dụng thời gian biểu bận rộn của bố mẹ nuôi để ra ngoài mua đồ, cô đã liên lạc thành công với cảnh sát và lấy mẫu máu.
Ngày 8/1, kết quả so sánh ADN xác nhận Trình Dĩnh là con gái ruột của vợ chồng Trình Trúc. Sau đó cảnh sát đã tiến hành bắt giữ người có liên quan trong vụ bắt cóc, ba người nhà Trình Trúc nhận lại nhau trong nước mắt.
Cuối cùng, kẻ buôn người bắt cóc Trình Dĩnh đều bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc.
Bố mẹ nuôi, ông Mạnh và bà Hình, cũng không thoát khỏi trách nhiệm vì Trình Dĩnh quyết truy tố tới cùng. Trình Dĩnh cho biết: “Tôi cảm thấy hơi có lỗi nhưng không hối hận”.
Ngày 10/1/2015, Trình Dĩnh theo bố mẹ trở về nhà ở Tây An, nơi cô đã được sinh ra. Thì ra suốt chừng ấy năm, mặc cho thôn làng đã được quy hoạch, người dân đồng loạt đến nơi khác sinh sống, bố mẹ cô cũng không dám chuyển đi vì sợ rằng nếu một ngày con gái trở về, gia đình lại phải ly tán một lần nữa.
Theo Trung Hạ (Phụ Nữ Số)