Một ngày tháng 6/2006, anh Bàng Quang Minh (Sơn Đông, Trung Quốc) trở về nhà sau lễ tang người cha nuôi. Tiếng cửa cọt kẹt làm vợ anh choàng tỉnh dậy. Người vợ đang nằm trên giường hốt hoảng nhìn xung quanh, tay mò mẫm khắp nơi như tìm kiếm thứ gì.
"Con đâu rồi? Con mình đâu rồi?" - Cô hét lên, bàng hoàng nhìn chồng.
Anh Bàng mặt cắt không còn giọt máu. Con trai anh mới 22 ngày tuổi còn chưa biết lẫy. Mấy tiếng trước, em bé vẫn ngủ ngoan bên cạnh mẹ mà giờ đã biến mất. Cửa nhà mở toang, vợ anh thì ngủ say, chắc chắn đứa trẻ này đã bị kẻ xấu bắt cóc.
Nghĩ kẻ bắt cóc chưa đi được xa, anh Bàng quay về nơi tổ chức tang lễ hô hào dân làng cùng chạy đi tìm con. Suốt một đêm đó trời mưa tầm tã, anh Bàng và mấy chục người dân soi đèn, hò hét ầm ĩ đi tìm đứa trẻ nhưng đến sáng vẫn không thấy tung tích gì.
Ai cũng thương cảm với hoàn cảnh éo le của vợ chồng anh Bàng nhưng thời điểm ấy chưa phổ biến camera an ninh, không một ai biết về hành tung của kẻ bắt cóc. Việc thiếu thông tin khiến quá trình điều tra vụ án như "mò kim đáy bể".
Những ngày tháng tiếp theo, vợ chồng anh Bàng như sống trong địa ngục. Vợ anh suy sụp vì tự trách mình, nhiều ngày mê sảng nằm lẩm bẩm một mình như đang ru con ngủ. Anh Bàng không chịu nổi cảnh tượng đau thương trong nhà, anh bôn ba khắp nơi tìm kiếm tin tức về con.
Người ta thấy anh rong ruổi trên mọi thành phố lớn khắp Trung Quốc. Đói khổ vất vả đến đâu cũng đi tiếp, ngày càng nhiều người biết đến trường hợp mất tích của con trai anh.
Cuộc đoàn tụ đau đớn
Năm 2009, cảnh sát Trung Quốc thành lập một cơ sở dữ liệu ADN của trẻ em bị thất lạc và những bậc cha mẹ đang đi tìm con. Bằng cách kết nối các mẫu ADN cùng thông tin 2 bên cung cấp, nhiều cơ hội đoàn tụ cho các gia đình đã được mở ra.
Anh Bàng Quang Minh là một trong những người đầu tiên đăng ký tìm con thông qua cơ sở dữ liệu này. Đằng đẵng suốt 11 năm, cuối cùng đã tới ngày nỗ lực của người cha đã mang về một tia sáng hy vọng.
Tháng 5/2021, anh Bàng nhận được cuộc điện thoại thông báo, cảnh sát đã tìm thấy con trai của anh: "Đứa trẻ đang ở đây rồi, gia đình hãy tới đón cháu".
Anh Bàng không tin vào tai mình, anh vừa phấn khích và xúc động nức nở khóc. Trước ngày gặp lại con, anh Bàng và vợ trằn trọc không ngủ nổi. Con anh bị bắt cóc từ khi chưa biết lẫy, giờ 16 tuổi hẳn đã cao lớn phổng phao. Không biết bao năm qua con đã sống với ai, trải qua cuộc sống như thế nào?
Ngày đoàn tụ cuối cùng cũng tới. Cứ ngỡ sẽ vỡ òa trong hạnh phúc nhưng vợ chồng anh Bàng lại không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy con. Trước mặt vợ chồng anh là một bé trai chỉ cỡ 7, 8 tuổi, thân hình gầy gò, khắp người có tới 30 vết sẹo.
Cậu bé khập khiễng chạy lại, ngã vào vòng tay cha rưng rức khóc.
Đây chính là đứa con trai 16 tuổi của anh Bàng. Cậu bé đã lớn lên trong một băng nhóm ăn xin, bị chúng đánh đập, bỏ đói tới suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Đáng thương hơn là cậu bé vốn có cơ thể lành lặn còn bị cắt lưỡi để dễ bề đi xin tiền. Giờ đây, tuy đầu óc vẫn minh mẫn nhưng cậu bé Lỗi Lỗi, con trai anh Bàng, đã không thể nói được nữa.
Vợ anh Bàng không kiềm được đau đớn: "Xin lỗi con, con đã phải chịu đựng quá nhiều rồi. Mẹ xin lỗi con, đều là lỗi của mẹ...".
Nhìn thấy một phần máu thịt của mình chịu đau đớn, hành hạ, lòng anh Bàng như có cả ngàn vết dao đâm. Thế nhưng Lỗi Lỗi thì vô cùng hạnh phúc được gặp lại bố mẹ. Kết thúc chuỗi ngày phải lang thang xin tiền trên đường, Lỗi Lỗi đã có một mái nhà. Cậu bé được trở về cùng gia đình, được bố mẹ cho đi học ở một ngôi trường giáo dục đặc biệt.
Lỗi Lỗi cũng là cậu bé sống tình cảm, cậu biết cùng bố đi quanh sân nhà, biết rót nước cho mẹ. Lỗi Lỗi giờ đã có thể gọi những từ đơn giản như "Mẹ ơi". Hành trình trưởng thành của cậu bé này đã phải chờ đợi suốt 16 năm để đến giờ phút gặp lại cha mẹ mới thật sự bắt đầu.
Theo Hải Lan (Phụ Nữ Việt Nam)