Việt Nam đang gia tăng củng cố năng lực của quân đội, từ việc mua sắm vũ khí mới đến liên kết sản xuất khí tài quân sự, theo bài viết của Defense News (Mỹ) ngày 30.8.2015.
|
Thuyền trưởng và Chính trị viên tàu ngầm 185 - Khánh Hòa chào Quốc kỳ và Cờ Hải quân trên tháp tàu, ngày 1.8.2015 - Ảnh: Hà My
|
Bài viết này cho hay sự trỗi dậy và thái độ của Trung Quốc khiến Việt Nam phải quan tâm đến các nhu cầu của quân đội trong tương lai.
Sau năm 1975, vũ khí của Việt Nam chủ yếu là từ Liên Xô và nay là Nga, từ tên lửa diệt hạm đến máy bay chiến đấu, xe tăng và mới nhất là tàu ngầm lớp Kilo.
Tuy vậy theo ông Richard Bitzinger của Chương trình chuyển đổi quân sự thuộc trường Nghiên cứu vấn đề quốc tế S. Rajaratnam (Singapore): “Việt Nam có quân đội lớn nhưng trang bị vũ khí đã cũ từ thời thập niên 1970 và 1980, đặc biệt là bộ binh”. Và nếu muốn hiện đại hoá lục quân thì Việt Nam phải liên tục đầu tư ngay bây giờ và phải mất 1 - 2 thập kỷ mới đạt được.
Trong các cuộc chiến ở biên giới tây nam và phía bắc những năm 1978 và 1979, vũ khí của quân đội Việt Nam thích hợp với nhu cầu lúc đó. Tuy nhiên từ khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc đã gia tăng hiện đại hoá quân đội, nhất là hải quân, và việc gần đây Trung Quốc ồ ạt cải tạo đất xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông làm căn cứ quân sự khiến Việt Nam lo ngại.
Vụ giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam hồi tháng 5.2014 đã gây căng thẳng giữa hai nước và cả khu vực.
Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đang mong muốn tiến vào thị trường Việt Nam nhưng bị cản trở bởi các biện pháp cấm đoán xuất khẩu vũ khí của chính phủ Mỹ liên quan vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên việc xuất khẩu vũ khí sát thương của Mỹ cho Việt Nam sẽ sớm được thực hiện, theo ông Tony Beitinger, phó chủ tịch phụ trách Thông tin tình báo thị trường của tập đoàn tư vấn phân tích hải quân quốc tế AMI (Mỹ).
Đầu năm 2016 tới, các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam sẽ được đưa ra nhân Đại hội Đảng lần thứ 12, theo nhận định của giáo sư Carl Thayer (Học viện quốc phòng Úc).
Chính quyền Obama đã nới lỏng Quy chế buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) về vũ khí sát thương với Việt Nam nhưng trên cơ sở từng trường hợp một, hầu hết sẽ chú trọng vào các vũ khí bảo vệ an ninh hàng hải và phòng thủ phù hợp năng lực Cảnh sát biển Việt Nam. Chính phủ Mỹ vừa qua thông báo viện trợ 18 triệu USD cung cấp tàu tuần tra cao tốc cho Cảnh sát biển Việt Nam. Lầu Năm Góc cũng thông báo viện trợ 425 triệu USD cho chương trình Đối tác Thái Bình Dương gồm cung cấp thiết bị, huấn luyện, xây dựng quy mô nhỏ.
“Tuy nhiên mức viện trợ này rất khiêm tốn khi triển khai cho 5 nước (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam) và chia nhỏ theo từng thời kỳ như năm tài khoá 2016 là 50 triệu USD, 2017 là 75 triệu USD, và 100 triệu USD cho các năm từ 2018 – 2020”, giáo sư Thayer nhận xét.
|
Gần đây quân đội Việt Nam đầu tư lớn vào lĩnh vực hải quân. Trong ảnh: Lai dắt tàu ngầm Khánh Hoà vào căn cứ Cam Ranh ngày 30.6.2015 - Ảnh: Nguyễn Chung |
|
Lễ thượng cờ 2 tàu ngầm Hải Phòng và Khánh Hoà, sáng 1.8.2015 - Ảnh: Hà My |
Vào tháng 6.2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh ký Thông cáo tầm nhìn chung Việt Nam – Mỹ, theo đó có 12 lĩnh vực hợp tác quốc phòng, từ mở rộng buôn bán vũ khí đến hợp tác sản xuất công nghệ thiết bị hiện đại tại Việt Nam, theo giáo sư Thayer.
Ngoài ra trong tháng 6 cũng có tin Việt Nam đang xem xét mua của Nga các máy bay tuần tra biển, máy bay không người lái (UAV) và chiến đấu cơ; cũng như tiếp xúc với các hãng Mỹ như Lockheed Martin và Boeing.
“Không chắc Việt Nam muốn hoặc có thể mua máy bay chiến đấu của Mỹ, nhưng có khả năng là các công ty quốc phòng Mỹ có thể hỗ trợ Việt Nam về các máy bay tuần tra biển, UAV và tàu tuần tra”, theo giáo sư Thayer.
Tập đoàn Lockheed Martin đã giới thiệu với Việt Nam loại máy bay tuần biển Sea Hercules, còn Boeing nói họ có khả năng về các thiết bị thu thập thông tin tình báo, trinh sát và cảnh giới, đáp ứng nhu cầu hiện đại hoá của Việt Nam. Ví dụ Boeing có thể bán các thiết bị công nghệ giám sát trên biển cho Việt Nam lắp đặt trên các máy bay thương mại cải biến thành máy bay tuần tra trinh sát biển, theo giáo sư Thayer.
“Việc lắp đặt các hệ thống vũ khí và cảm biến của phương Tây vào các khí tài của Hải quân Việt Nam sẽ cho phép khả năng tương tác tốt với lực lượng hải quân trong khu vực, từ Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Philippines và Mỹ”, theo ông Beitinger.
Tuy vậy giáo sư Thayer cho hay dự định của Việt Nam mua 4 tàu tuần tra lớp Sigma của Damen (Hà Lan) đã không thành vì vấn đề tài chính, và các hệ thống vũ khí Việt Nam yêu cầu trên các tàu này lại không được các hãng Mỹ đáp ứng do bị luật của Mỹ cản trở.
Nhu cầu các tàu tuần tra nhỏ, tốc độ cao đang gia tăng mạnh hơn bao giờ hết ở châu Á - Thái Bình Dương, theo nhận xét của ông Amy McDonald, chuyên gia phân tích hải quân của AMI.
Ông McDonald cho rằng việc mở rộng vai trò của các tàu tuần tra cỡ nhỏ này sẽ lấp được khoảng trống về năng lực hải quân. Bằng chứng là các tàu chiến, tàu ngầm Việt Nam đã mua và có kế hoạch mua đều có chiều dài trong khoảng 100 m trở lại.
Ông cũng nhận xét theo ước tính của AMI đến năm 2034, có 5 nước lớn trong khu vực là Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc chiếm tổng cộng 75% đầu tư vào các tàu tuần tra tấn công nhanh, thì riêng Việt Nam chiếm đến hơn 22%.
|
Tàu tên lửa lớp Molniya 12418 do Công ty Ba Son đóng theo chuyển giao công nghệ của tập đoàn Vympel (Nga) - Ảnh: Duy Khánh |
|
Chiếc 381 là tàu tuần tra mang tên lửa có điều khiển đầu tiên do Việt Nam đóng theo thiết kế của Nga - Ảnh: Defense News |
Giáo sư Carl Thayer cho biết thêm, ngoài Mỹ, Việt Nam còn ký các biên bản ghi nhớ và hợp tác quốc phòng với nhiều nước, tập trung vào 6 lĩnh vực: nâng cấp bảo trì khí tài hiện tại, hiện đại hoá khí tài cho hải - lục - không quân, hiện đại hoá công nghiệp quốc phòng, khả năng cung ưng hậu cần trên Biển Đông, cứu hộ cứu nạn và khắc phục thiên tai, huấn luyện đào tạo cho lực lượng gìn giữ hoà bình.
Việt Nam không chỉ mua sắm vũ khí mà còn muốn nhận chuyển giao công nghệ cũng như huấn luyện và cung ứng dịch vụ. Ví dụ Việt Nam đang tiếp xúc Ấn Độ và Nga để bàn việc cùng hợp tác sản xuất loại tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos.
Việt Nam cũng tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN, như thảo luận với Indonesia để cùng hợp tác sản xuất máy bay vận tải, máy bay tuần biển và trực thăng. Việt Nam cũng thảo luận với Philippines hợp tác sản xuất các khí tài khác, và với Singapore về việc lưu trữ an toàn bom mìn và đạn dược.
Công nghiệp quốc phòng Việt Nam có khả năng đóng các tàu tuần tra cỡ nhỏ. Năm 2011, nhà máy đóng tàu Hồng Hà đã đóng thành công tàu pháo - tên lửa TT400TP (dài 54 m, lượng choán nước 400 tấn) theo thiết kế của Nga, và tàu vận tải dài 72 m. Trước đó vào những năm 1990 Việt Nam đã đóng được tàu tuần tra mang tên lửa điều khiển theo thiết kế của Nga, chiếc 381 (500 tấn), theo Defense News.
>> Vũ khí hiện đại của Hải quân đánh bộ Việt Nam
>> Báo Nga: Tàu ngầm Kilo Việt Nam mạnh hơn tàu Trung Quốc
Theo Anh Sơn (Thanh Niên Online)