Theo đó, chị Lan kể rằng: “Cách đây 5 năm, tôi và ông xã quen và yêu thương nhau. Gia đình hai bên cách nhau khoảng 30km. Thời điểm đó tôi đã 27 tuổi, con gái ở quê tôi tuổi ấy chưa lấy chồng là bị liệt vào danh sách “ế”. Biết con gái đã có bạn trai, nên bố mẹ tôi giục cưới. Thấy chuyện tình cảm cũng đã chín muồi nên chúng tôi lên kế hoạch để gia đình hai bên gặp mặt.
Khi đó cứ ngỡ chuyện cưới xin sẽ thuận lợi, nhưng đến màn nhà gái thách cưới bên nhà trai thì mọi chuyện trở nên vô cùng phức tạp. Cá nhân tôi nghĩ chuyện thách cưới chỉ là làm cho đầy đủ thủ tục, thông lệ của làng, đơn giản chỉ cần đồ lễ vật là xong, nhưng bố tôi lại không nghĩ như vậy, ông bắt đầu tính toán, cân nhắc chuyện tiền thách cưới”.
Theo lời chia sẻ của chị Lan thì bố chị bắt đầu kể lể với mẹ chị về việc nuôi chị từ nhỏ khó khăn, vất vả ra sao, rồi cho ăn học tốn kém thế nào...
“Khi nghe bố tôi kể những việc đó ra thì mẹ tôi lại có ý kiến ngược lại, mẹ bảo con rể thì sau này cũng là con, sao phải tính toán thiệt hơn trong khoản tiền thách cưới. Thế nhưng, bố tôi thì lại phản ứng rằng nếu thách cưới nhẹ nhàng thì dễ cho nhà trai quá, đồng thời cũng là một cách để bố kiểm tra sự chân thành của chàng rể”, chị Lan chia sẻ.
Thế là bố chị lấy giấy bút ra tính toán và chốt con số “hữu nghị” là gần 30 triệu đồng. “Nghe bố đưa ra con số, cả mẹ và tôi đều sững sờ, mẹ tôi nói: “Con gái ông cũng lớn tuổi rồi chứ còn trẻ trung gì, với gia đình họ cũng không có điều kiện mấy làm như vậy có phải hơi quá rồi không?”. Mặc cho tôi, mẹ tôi ra sức nói bố hạ giá nhưng ông vẫn không chịu”, chị Lan nói.
Sau đó, mẹ chị Lan không nói câu nào, cả một tuần kế tiếp là chuỗi ngày căng thẳng với gia đình chị. “Tôi đành thú thật với bố về gia cảnh không mấy khá giả của nhà người yêu, và tôi cũng không đồng ý chuyện thách cưới lên đến vài chục triệu đồng, nếu bố không rút thì tôi sẽ không kết hôn nữa. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, thấy con gái cương quyết nên bố chị Lan đã đồng ý chốt “lễ đen” là 5 triệu đồng, coi như đó là khoản giúp nhà gái lo tiệc và đám cưới sau đó đã được diễn ra trọn vẹn”, chị Lan kể.
Chị Lan trải lòng tiếp: “Cho đến nay, đã 5 năm về làm dâu nhà anh ấy, tôi cũng chưa một lần nào hé lộ về khoản thách cưới của bố với chồng. Còn bố tôi thấy vợ chồng tôi sống hòa thuận, kinh tế ổn định, con cái ngoan ngoãn thi thoảng tôi về nhà ngoại bố có nhắc lại chuyện xưa, bố bảo “may hồi xưa không thách cưới quá cao không thì ế dài””.
Tục lệ thách cưới vẫn còn ở nhiều tỉnh thành miền Bắc. Tuy nhiều người trẻ ngày nay đã không mấy quan tâm đến các phong tục cũ nhưng đôi khi lời ra tiếng vào không hay cũng sẽ ảnh hưởng tới đám cưới.
Nếu muốn đám cưới của mình diễn ra thuận lợi, khởi đầu cho cuộc hôn nhân hòa hợp, viên mãn thì chính hai nhân vật chính nên đứng ra kết nối - thăm dò ý kiến của gia đình mình, thuyết phục, bàn bạc với nhau để thống nhất được con số hợp ý cả đôi bên. Và phía gia đình hai bên cũng không nên quá đặt nặng hình thức, nhất là với thứ đã mang tính chất tượng trưng như việc thách cưới, mà làm khó lẫn nhau và ảnh hưởng đến hạnh phúc của con cháu mình.
Theo Thanh Lam (Nguoiduatin.vn)