Sóng thần cũng phá hủy hơn 600 ngôi nhà, làm hư hỏng nặng khoảng 10 khách sạn lớn, 60 nhà hàng các loại và gần 400 tàu thuyền. Nguyên nhân dẫn đến sóng thần, theo các chuyên gia hàng đầu, khởi nguyên từ các trận sạt lở đất ngầm dưới biển do vụ phun trào núi lửa Anak Krakatoa kết hợp với đợt thủy triều dâng cao bất thường.
Đáng nói, cơ quan địa chất Indonesia sớm đã phát hiện được núi lửa Anak Krakatoa phun trào (trong tổng cộng 132 giây) vào tối thứ Sáu, tạo thành một đám mây tro cao hơn 400m trên ngọn núi này. Khoảng 25-30 phút sau vụ phun trào này là thảm họa sóng thần.
Núi lửa phun trào sẽ tác động sâu rộng đến nền địa chất, có thể gây ra động đất. Mà theo sau động đất luôn là sóng thần. Thế nhưng, các cơ quan hữu trách của Indonesia, đặc biệt là Cơ quan Đia vật lý – khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG) lại không có những cảnh báo kịp thời cho người dân ở các vùng xung quanh và lân cận Anak Krakatoa về nguy cơ sóng thần.
Theo ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn của Cơ quan giảm nhẹ Thiên tai Indonesia, thì việc không nhận thấy những tín hiệu rõ ràng về một trận động đất sau khi núi lửa Anak Krakatoa phun trào là lý do các cơ quan hữu trách Indonesia không đưa ra cảnh báo kịp thời cho người dân.
Hầu như không có năm nào Quốc gia Vạn đảo Indonesia không phải đối mặt với động đất và sóng thần. Indonesia cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận sóng thần Boxing Day 2004 từng giết chết hàng trăm ngàn người.
Đáng nói, trận sóng thần ở eo biển Sunda xảy ra chưa đầy 3 tháng sau trận động đất 7,4 độ richter ở Palu thuộc đảo Sulawesi làm 2.256 người thiệt mạng. Nhưng bất chấp thực tế có thể đối mặt với thảm họa bất kì lúc nào, hệ thống thiết bị cảnh báo sóng thần của Indonesia, theo ông Nugroho, không chỉ ít về số lượng mà còn khá lạc hậu.
Và đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến những thiệt hại khủng khiếp về người và của ở các khu vực quanh eo biển Sunda, đặc biệt là Serang, Pandeglang và Nam Lampung.
TẦM HOAN (SHTT)