Mục tiêu tiếp theo trong 'cuộc chiến' thuế quan của Tổng thống Trump

09/04/2025 10:49:25

Theo kênh NBC News, tối ngày 8/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo về mặt hàng tiếp theo phải chịu mức thuế quan do ông đưa ra trong tháng cầm quyền đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai.

Mục tiêu tiếp theo trong 'cuộc chiến' thuế quan của Tổng thống Trump
Ông Trump cân nhắc áp thuế với dược phẩm (Ảnh minh họa: Newsroom).

“Chúng ta sẽ áp thuế lên dược phẩm, và một khi làm vậy, họ sẽ phải đổ xô quay trở lại đất nước của chúng ta, vì chúng ta là thị trường lớn”, ông Trump phát biểu tại buổi tiệc tối của Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa tại Quốc hội (NRCC) ở Washington.

"Lợi thế của chúng ta so với những nước khác là chúng ta là một thị trường lớn, vì vậy chúng ta sẽ sớm công bố mức thuế quan lớn đối với dược phẩm", ông Trump nói thêm.

Trong vài tuần qua, Tổng thống Trump đã nhiều lần đề cập đến việc sắp áp thuế với dược phẩm, tuy nhiên ông chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể cho kế hoạch này. Nếu được triển khai, chính sách thuế này có thể khiến giá thuốc tại Mỹ tăng lên đối với người bệnh.

Một báo cáo mới đây do các nhà nghiên cứu từ Đại học Toronto và Đại học Pittsburgh cho biết, 3 tỷ USD dược phẩm bán ở Mỹ phụ thuộc vào sản xuất tại Canada và thuế quan đối với dược phẩm có thể sẽ làm tăng thêm 750 triệu USD chi phí.

Việc mở rộng thuế quan sang các nước xuất khẩu khác như Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu có thể làm trầm trọng thêm tác động, bao gồm đẩy chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao và gián đoạn nguồn cung cấp thuốc.

Diederik Stadig, một nhà phân tích chăm sóc sức khỏe tại ING, ước tính thuế quan đối với tất cả các mặt hàng dược phẩm nhập khẩu vào Mỹ sẽ làm tăng thêm 0,12 USD/viên thuốc gốc giá rẻ. Các loại thuốc đắt tiền hơn, như thuốc dùng để điều trị ung thư, có thể tăng tới 10.000 USD, ông Stadig cho biết.

Theo ước tính của ông Stadig, Mỹ phần lớn phụ thuộc vào các nước Liên minh châu Âu để nhập khẩu dược phẩm, trong đó 20% lượng nhập khẩu từ Ireland, 10,7% từ Đức và 8,5% từ Thụy Sĩ.

Trong một động thái liên quan khác về thuê quan, Nhà Trắng ngày 8/4 thông báo gần 70 quốc gia đã chủ động liên hệ với chính quyền Tổng thống Donald Trump để khởi động các cuộc đàm phán nhằm giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới của ông.

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt, các thỏa thuận sẽ chỉ được ký kết nếu mang lại lợi ích rõ rệt cho người lao động Mỹ và góp phần giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại kinh niên mà Mỹ đang phải đối mặt. Tổng thống Trump đã chỉ đạo đội ngũ của mình xây dựng các thỏa thuận phù hợp cho từng quốc gia muốn đàm phán, thể hiện phong cách ngoại giao trực tiếp và đậm tính thực dụng của ông.

Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã công bố mức thuế cơ sở 10% đối với hàng hóa nhập khẩu Mỹ, cùng với các mức thuế đối ứng nhằm vào từng quốc gia là đối tác thương mại của nước này. Cụ thể, Hàn Quốc phải đối mặt với mức thuế 25%, trong khi Nhật Bản là 24%. Theo ông Hassett nhận định, các cuộc trao đổi với hai quốc gia này đang diễn ra tích cực, mang lại hy vọng lớn cho người lao động và nông dân Mỹ.

Tuy không cung cấp thông tin chi tiết, nhưng ông Hassett tiết lộ “có rất nhiều nhượng bộ đã được đưa lên bàn đàm phán”. Quan chức này khẳng định Tổng thống Trump sẽ là người cuối cùng quyết định liệu một thỏa thuận có đủ tốt để thay đổi lập trường thuế quan hay không.

Không chỉ Nhà Trắng, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cũng đang đón “làn sóng tiếp xúc” từ gần 70 quốc gia. Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer cho biết chính quyền của Tổng thống Trump sẵn sàng lắng nghe các đề xuất “thay thế” từ các đối tác, miễn là chúng có thể đạt được mục tiêu cốt lõi: thúc đẩy thương mại tương hỗ và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

QT (SHTT)

Nổi bật