Tại Hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 3 khóa 10 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam sáng nay (17/4), nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại về vấn đề kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái sau vụ việc phát hiện gần 600 loại sữa giả vừa qua.
Không thể để hiện tượng “một mâm cơm 5 người quản lý”
Bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - kiến nghị cần làm rõ cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm những vụ việc như trên, không thể để hiện tượng “một mâm cơm 5 người quản lý”.
“Bộ Công thương nói không thuộc đối tượng quản lý, vậy ai quản lý việc gần 600 loại sữa làm giả này? Ai chịu trách nhiệm việc các cháu mua 5.000-10.000 đồng/xiên thịt bán ở cổng trường? Thịt bẩn hay thịt sạch? Đây là vấn đề nổi lên hiện nay và cần phải làm rõ” - bà nhấn mạnh.
Đây cũng là vấn đề quan tâm của GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
“Họ quảng cáo, nêu thành phần sữa có chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó..., nhưng thực tế sản phẩm hoàn toàn không có những chất này. Tiếp tay lại là những nhân vật có tiếng trong showbiz, quảng cáo rất rầm rộ, ‘lừa dân’ đến 4 năm liền. Do đó, chúng ta phải lên án, chấm dứt vấn đề này. Các cơ quan chức năng phải phát hiện sớm và xử lý nghiêm" - ông Đường đề nghị.
Bà Bùi Thị Thanh - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng sữa giả, thuốc giả tràn lan, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Bà nêu thêm các thực trạng khác khiến người dân lo lắng, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh hiện nay như giá vàng tăng đột biến, lừa đảo trên không gian mạng… Đây là những vấn đề, theo bà Thanh, cần sự vào cuộc ngay của các bộ ban ngành, cơ quan chức năng.
Bà đề nghị MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng, Chính phủ sớm có biện pháp ổn định giá vàng để người dân an tâm, tin tưởng; xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, tội phạm sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đề xuất xem xét giảm học phí cho học sinh trường ngoài công lập
Bên cạnh những ý kiến về việc nâng cao chất lượng đời sống người dân, TS Nguyễn Văn Pha - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban tư pháp Quốc hội khóa 14 - đề xuất việc xem xét giảm học phí cho học sinh trường ngoài công lập với mức học phí tương đương đã giảm cho học sinh công lập. Bởi theo ông, lượng học sinh học trường tư thục cũng chiếm tỷ lệ lớn.
Trong số các ý kiến của cử tri, nhân dân gửi lên Trung ương MTTQ Việt Nam có cử tri quận Hai Bà Trưng cùng đề xuất nội dung này. Cử tri này cho rằng hiện nay, nhiều cháu phải học trường tư thục do không đủ điểm vào trường công lập.
Việc hỗ trợ đồng đều cả khối công lập và tư thục sẽ đảm bảo công bằng xã hội, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Được biết, đề xuất này đã nằm trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm học phí do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo, đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Trong đó, mức hỗ trợ tối đa đề xuất cho học sinh các trường dân lập, tư thục bằng mức học phí trần của các trường công lập chưa tự chủ tài chính do HĐND tỉnh quy định.
Sáng nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ 3 để thảo luận, cho ý kiến một số nội dung trình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 tới đây.
Nội dung thảo luận chủ yếu gồm 2 vấn đề. Trong đó, nội dung thứ nhất là về hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nội dung này do Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Nội vụ và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội nghiên cứu, rà soát, đề xuất và xây dựng hồ sơ dự án các luật nói trên.
Nội dung thứ 2 là về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15.
Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)