Ngồi trong khoang kính của Tòa án Manchester Crown (Anh), bị cáo Zholia Alemi ôm đầu khóc. Bà ta từng được ca ngợi là bác sĩ tâm thần thành đạt, làm việc trong ngành y tế hơn 20 năm, chữa cho hàng trăm bệnh nhân trong và ngoài nước. Nhưng tất cả đều dựa trên sự dối trá.
Kẻ lừa đảo sở hữu nhiều tài sản, sưu tập những chai rượu sâm panh đắt tiền và lái chiếc xe thể thao Lotus màu đỏ. Bà ta thậm chí còn được trao quyền kê đơn các loại thuốc mạnh và quản thúc bệnh nhân trái với ý muốn của họ.
Tuy nhiên, một nhà báo đã phanh phui ra Alemi là bác sĩ rởm, tự chế bằng cấp giả ngay tại nhà.
Năm 2016, một bệnh nhân 84 tuổi có dấu hiệu mất trí nhớ được giới thiệu tới gặp “bác sĩ” Alemi. Cụ bà đơn độc dần trở nên gắn bó với Alemi - người luôn giúp đỡ bà hằng ngày. Người phụ nữ cao tuổi đâu biết Alemi chỉ nhắm tới khối của cải trị giá 1,6 triệu USD (38,7 tỷ đồng) của mình.
Sau khi cụ bà mất, phần lớn khối tài sản đó thuộc về Alemi và được tẩu tán sang Mỹ. Khi cảnh sát điều tra, họ phát hiện Alemi đã giả mạo di chúc của bệnh nhân. Phiên tòa sau đó kết án Alemi 5 năm vì tội lừa đảo để có giấy ủy quyền, làm di chúc giả vào trộm thẻ ngân hàng.
Phóng viên Phil Coleman của tờ News and Star đã tới đưa tin về phiên tòa. Anh cảm thấy vẫn còn những điều mờ ám đằng sau vụ án, không tin rằng một bác sĩ danh giá lại phạm tội như vậy. Anh quyết định điều tra sâu hơn và khám phá ra những điều không ngờ.
Tháng 11/2018, Coleman đã liên hệ với Đại học Auckland (New Zealand), nơi Alemi khẳng định đã lấy bằng y khoa. Nghi ngờ của anh đã đúng: Alemi không phải là một bác sĩ. Lập tức, Coleman báo cho Hội đồng Y khoa Tổng quát.
Khi khám xét nhà của Alemi, cảnh sát tìm thấy rất nhiều tài liệu, một số nằm trong tủ dưới cầu thang. Trong đó gồm bản sao công nhận Alemi có tên trong danh sách bác sĩ hành nghề ở Anh với thông tin bằng tốt nghiệp ở New Zealand.
Theo Manchester Evening News, cảnh sát cũng tìm thấy một lá thư được cho từ một bệnh viện tư ở New Zealand nói rằng Alemi từng làm việc ở đó. Ngoài ra còn có chứng chỉ Khoa học máy tính của Đại học Auckland với nhiều mục để trống, một bộ hồ sơ giả, thư xác minh giả, chứng chỉ bằng cấp bỏ trống của Đại học Auckland…
Theo thông tin xác thực từ cảnh sát, Alemi từ Iran chuyển đến New Zealand vào những năm 1990. Tuổi của bà ta chưa được khẳng định do có nhiều ngày sinh trên các giấy tờ tùy thân. Dù vậy, công tố viên cho biết, Alemi khoảng 60 tuổi.
Alemi hoàn thành cử nhân Sinh học Con người, vào tháng 5/1992. Sau đó, bà ta đăng ký học cử nhân Y khoa, cử nhân Phẫu thuật nhưng chỉ học hết năm đầu tiên.
Tháng 4/1995, Alemi chuyển đến Anh và tìm việc làm quản gia. Bà ta gửi bằng giả và thư xác minh đến Hội đồng Y khoa Tổng quát. Kể từ đó, Alemi bắt đầu sự nghiệp kéo dài hơn 20 năm, đảm nhiệm nhiều vị trí trong Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh và các cơ sở y tế tư nhân. Trong thời gian làm tại Quỹ Chăm sóc xã hội và Sức khỏe tâm thần Manchester năm 2001, bà ta đã kiếm được 85.000 USD (2 tỷ đồng).
Phân tích của nhiều chuyên gia khác nhau cho thấy giấy tờ của Alemi mắc nhiều lỗi sai rõ ràng. Khi tuyên án Alemi, thẩm phán Hilary Manley nói: “Lỗi chính tả, ngữ pháp và cách in ấn tài liệu đáng lẽ phải cảnh báo ngay cả những người đọc bình thường nhất rằng có điều gì đó rất không ổn. Một cuộc gọi điện thoại hoặc thư gửi đến Trường Y sẽ xác nhận được mọi chuyện”.
Thám tử Matt Scott, sĩ quan điều tra cấp cao trong vụ án, đánh giá: “Đây là một vụ án hết sức bất thường liên quan đến lừa đảo có kỹ năng được thực hiện và duy trì trong nhiều năm. Alemi đã gian lận để có vị trí chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm bệnh nhân, đặt họ vào nguy cơ rủi ro, dù chưa bao giờ có được bằng cấp cơ bản nhất”.
Cảnh sát ước tính, Alemi đã thu được hơn 1 triệu USD (24 tỷ đồng) nhờ hành vi lừa đảo của mình. Họ dự tính sẽ tịch thu tài sản có được từ quá trình hành nghề y bất chính của bác sĩ rởm này. Trong phiên tòa đầu năm 2023, Alemi đã bị kết án 7 năm tù.
Theo An Yên (VietNamNet)