Quy trình kiểm tra thiếu thận trọng khiến một số bệnh viện tuyển dụng nhầm bác sĩ giả mạo, không có đủ các loại bằng cấp, chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Chỉ có bằng trung học vẫn vào phòng phẫu thuật
Ayse Ozkiraz làm việc suốt 1 năm trong bệnh viện công ở thành phố Tekirdag (Thổ Nhĩ Kỳ) trước khi bị phát hiện là bác sĩ giả. Đồng nghiệp nảy sinh nghi ngờ, hỏi Ozkiraz về phương pháp điều trị nhưng cô không thể trả lời chính xác. Họ lập tức báo cáo lên ban lãnh đạo bệnh viện.
Trên thực tế, Ozkiraz mới học hết trung học phổ thông. Thông tin trên Duvarenglish cho hay, cô này cũng nói với gia đình rằng mình đã tốt nghiệp Trường Y Capa.
Bác sĩ rởm bị bắt vào tháng 10/2022. Trong quá trình khám xét, cảnh sát tịch thu một số loại giấy tờ giả bao gồm thẻ đại học, thẻ bác sĩ, bằng cấp và quần áo phẫu thuật.
Trước tòa, Ozkiraz cho biết cô hối hận về hành động của mình và nói lời xin lỗi: “Tôi không vụ lợi. Tôi từng tham gia một ca phẫu thuật và khâu một lần. Tôi thực sự hối hận, tôi đã nhận được bài học của mình. Tôi đang ở trạng thái tâm lý rất tồi tệ còn gia đình bị chế giễu”.
Luật sư Oguz Kagitci cho biết: “Thân chủ của tôi lấy danh bác sĩ nhưng cô ấy không nhận được bất kỳ lợi ích tài chính nào. Cô ấy chưa chữa trị cho ai. Cô ấy sẽ luôn mang sai lầm này như một gánh nặng”.
Ăn trộm bằng cấp để làm bác sĩ
Tháng 10/2023, Susanto, 48 tuổi, bị kết tội giả mạo tài liệu và lừa dối sau khi hành nghề bác sĩ với giấy tờ giả trong 3 năm tại bệnh viện công ở Đông Java (Indonesia).
Theo Jakarta Globe, người này đánh cắp chứng chỉ y khoa, giấy phép hành nghề y và căn cước của Anggi Yurikno, một bác sĩ ở Bandung. Tài liệu điều tra cho thấy, Susanto mới chỉ tốt nghiệp trung học, không có trình độ về y khoa. Anh ta đã tải tài liệu từ một website và thay ảnh của mình vào, giữ nguyên các thông tin còn lại.
Chánh án cho biết Susanto nhận bản án 4 năm do "đã tỏ ra hối hận và thừa nhận hành vi sai trái".
Năm 2020, Susanto sử dụng bằng cấp giả để nộp đơn vào cơ sở y tế PHC ở thành phố Surabaya. Anh ta đi làm từ tháng 6 với mức lương 480 USD. Tới năm 2023, công ty yêu cầu Susanto gửi lại các bằng cấp để gia hạn hợp đồng và phát hiện nhiều điểm mâu thuẫn.
Nhân sự đã liên hệ với bác sĩ bị mạo danh Anggi, người khẳng định chưa bao giờ nộp đơn xin việc tại PHC. Thông tin này đã kết thúc quá trình lừa đảo của Susanto. PHC khẳng định Susanto là nhân viên bán thời gian chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng ngừa và tiếp thị, chưa bao giờ được giao nhiệm vụ điều trị y tế cho bệnh nhân.
Tháng 8/2011, Susanto từng bị tòa án ở Đông Kalimantan kết án 4 năm tù vì tội tương tự.
Vợ nam diễn viên bị bác sĩ giả phẫu thuật
Mới đây, tờ Sunday World đưa tin, Hlengiwe Mbambo, vợ của nam diễn viên hàng đầu Nam Phi Thabo Malema, may mắn sống sót sau khi một bác sĩ giả tham gia ê-kíp phẫu thuật cho cô tại bệnh viện tư ở Johannesburg năm 2022.
Theo hồ sơ bệnh án của Mbambo, cô được chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung. Vài ngày sau mổ, cô bắt đầu đau bụng. Khi cô vào viện kiểm tra, kết quả chụp CT cho thấy nữ bệnh nhân bị biến chứng do quá trình phẫu thuật thiếu trách nhiệm.
Hiện Mbambo vẫn bị đau ở lưng và bên trái bụng. Cô thường xuyên phải nhập viện trong thời gian dài do sức khỏe yếu sau mổ.
Khi Mbambo làm đơn kiện, Hội đồng Chuyên gia Y tế Nam Phi (HPCSA) không thể tìm thấy thông tin chi tiết của bác sĩ liên quan. Tên của người này không có trong sổ đăng ký hành nghề y.
Theo An Yên (VietNamNet)