Hôm 14/3, Thủ tướng May tuyên bố trước Quốc hội Anh về việc London sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga và ngưng các liên lạc cấp cao với Moscow. Anh cũng sẽ đóng băng các tài sản của Nga, nếu chúng được dùng để đe dọa công dân Anh hoặc những người cư trú tại nước này.
Tuy nhiên, bà May rõ ràng đã tránh các động thái nhiều khả năng làm phương hại tới các ngành công nghiệp quan trọng của Anh như xe hơi, ngân hàng và năng lượng. Anh và Nga có rất nhiều quan hệ làm ăn trong những lĩnh vực này.
Ngoài ra, nữ thủ tướng Anh cũng không đề cập tới các kế hoạch cấm vận kinh tế rộng hơn hay nhắm và những đại gia Nga đang sống ở Anh. "Có rất nhiều thứ bà May có thể làm, nhưng rốt cuộc chỉ là những hành động rất chừng mực và đôi khi mơ hồ. Đây cũng có thể là ý định của bà ấy", Timothy Ash, một chiến lược gia cấp cao tại công ty tư vấn BlueBay Asset Management, nhận xét.
Gần 2 năm sau cuộc bỏ phiếu ủng hộ Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), nền kinh tế Anh vẫn đang phải đương đầu với sự phát triển yếu kém. Quan hệ thương mại của Anh với Nga tương đối nhỏ bé so với các quốc gia khác như Đức hay Mỹ, nhưng chúng không kém phần quan trọng.
Theo dữ liệu từ Tổng cục thống kê quốc gia Anh, thương mại hai chiều giữa hai nước ước đạt 14 tỉ USD/năm. Khoảng 1% số hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu của Anh là sang thị trường Nga.
Anh bán xe hơi, hàng hóa sản xuất đại trà, máy móc và hóa phẩm cho Nga. Nước này cũng là một nhà cung cấp dịch vụ lớn. Các lĩnh vực tài chính, công nghệ và tư vấn của Anh đã thu về hàng tỉ USD mỗi năm từ các đối tác Nga.
Trong vài thập niên gần đây, Anh cũng đóng vai trò như thỏi nam châm hút giới nhà giàu Nga và các doanh nghiệp của họ. Một số lượng lớn người Nga đang sở hữu các bất động sản ở London và cũng có rất nhiều đồng bào của họ đang gửi tiền ở nước này.
Sàn chứng khoán London hiện đang niêm yết cổ phiếu của 99 công ty có trụ sở ở Nga hoặc các nước khác từng thuộc Liên Xô cũ. EN+, một nhà sản xuất điện và nhôm, đã trở thành công ty lớn gần đây nhất của Nga "lên sàn" ở London hồi tháng 11 năm ngoái.
Ngược lại, Nga đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho Anh, kể cả dầu mỏ, khí đốt và than đá. Theo Bộ năng lượng Anh, chỉ không đầy 1% khí đốt sử dụng tại nước này có nguồn gốc từ Nga. Song, theo tờ Financial Times, một nửa số chuyến khí đốt tự nhiên hóa lỏng vận chuyển đến Anh cho tới thời điểm này trong năm 2018 là từ Nga.
Hơn thế nữa, nhiều đường ống dẫn khí chính trên khắp châu Âu bắt đầu ở Nga. Điều này cho phép các tập đoàn năng lượng quốc gia của Nga như Gazprom kiểm soát các nguồn cung ứng khí đốt của châu lục. Ngoài ra, nhiệt độ dự kiến sụt giảm vào cuối tuần này và đầu tuần sau nhiều khả năng sẽ làm tăng vọt nhu cầu khí đốt để sưởi ấm và chiếu sáng ở Anh cũng như trên khắp châu Âu. Trong khi đó, các nguồn dự trữ khí đốt khắp châu lục đang ở mức thấp kỷ lục do khí lạnh tăng cường và Anh đóng cửa các cơ sở dự trữ.
Một báo cáo của các nhà phân tích S&P Platts cảnh báo, dựa vào Nga có thể là lựa chọn duy nhất cho các quốc gia châu Âu như Anh, nếu họ đột nhiên cần thêm nhiều khí đốt nữa khi các nguồn cung cấp khác hiện dần cạn kiệt hoặc gần tới hạn.
Đại gia dầu mỏ Anh (BP) cũng có các mối làm ăn lớn với Nga. Tập đoàn này hiện sở hữu 20% cổ phần trong công ty năng lượng Nga Rosneft, khiến hãng có thể trở thành mục tiêu trả đũa chính khi căng thẳng Anh - Nga leo thang.
Các nhà đầu tư hiện vẫn chờ xem Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đáp trả ra sao trong vài tuần tới.
"Moscow nhiều khả năng sẽ gây huyên náo về sự tức giận của họ đối với quyết định của Anh. Họ chắc chắn sẽ có động thái ăn miếng trả miếng trước việc London trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Song, có lẽ Moscow cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì mọi thứ không quá trầm trọng như nhiều người dự đoán", chuyên gia phân tích Ash bình luận thêm trên CNN.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)