Aldei Silva bước ra khỏi bệnh viện, tháo khẩu trang, đưa mắt nhìn quanh. Cảnh tượng anh thấy yên bình một cách lạ thường: Không còn tiếng khóc than của những gia đình đến cầu cứu, không có hàng xe cứu thương xếp dài đằng đẵng, không còn bệnh nhân van xin được cứu chữa rồi bị ngoảnh mặt nữa.
Sự hỗn loạn vì quá tải do Covid-19 gây ra cách đây ít lâu, tất cả đã biến mất.
Các cửa hiệu ven đường bắt đầu buôn bán trở lại. Người ta bắt đầu cười nói nhiều hơn, trò chuyện điện thoại thoải mái. Còn Silva, anh thấy nhẹ nhõm hẳn.
"Tạ ơn trời đất. Ở đây đã từng chỉ có sự tuyệt vọng. Để mà so sánh thì giờ cứ như thiên đàng vậy".
Lò ấp biến chủng một thời
Những ngày tươi đẹp cuối cùng đã tới với Manaus - thành phố 2 triệu dân bị cô lập ở bang Amazonas (Brazil), nơi cho cả thế giới chứng kiến Covid-19 có thể tàn phá kinh khủng đến thế nào nếu nó diễn ra ở một đất nước đang phát triển.
Sau 2 làn sóng tàn phá kinh hoàng - một vào năm 2020, và một vào năm nay, các bệnh viện giờ đã vắng bóng bệnh nhân. Trong tháng 7, đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, bang Amazonas có một ngày không ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào vì Covid.
"Chúng tôi trải qua hàng tuần không có bất kỳ ai xuất hiện với triệu chứng nhiễm Covid" - Uildéia Galvão, trưởng khoa điều trị virus corona tại bệnh viện 28 Tháng Tám. "Vaccine là lý do quan trọng nhất".
Suốt những ngày tháng gồng mình chống dịch, Brazil nhìn vào Manaus như một manh mối cho những gì sẽ xảy ra kế tiếp. Manaus vốn đã cố gắng tránh né sử dụng các biện pháp hạn chế xã hội để chống dịch, và cũng là nơi đầu tiên của Brazil bị sụp đổ hệ thống y tế. Sau một thời gian ngắn phục hồi, họ lại tạo điều kiện cho một biến chủng mới - Gamma, hoặc P.1 - phát triển mạnh mẽ, để rồi phá tan ước mơ có được miễn dịch cộng đồng. Giới khoa học thậm chí xem Manaus là một phòng thí nghiệm khổng lồ, một ví dụ quá hoàn hảo để xem thành phố sẽ ra sao nếu cho phép virus lây lan rộng không kiểm soát.
Brazil lúc này, ở thời điểm đã phải đào huyệt cho số nạn nhân Covid nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới (ngoại trừ Mỹ), lại một lần nữa nhìn vào Manaus. Tại sao ư? Vì khi chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 có tốc độ khá chậm rãi ở nhiều khu vực khác, Manaus lại đang dẫn đầu. Họ đã tiêm chủng thành công 1 mũi cho 75% người trưởng thành, vượt xa so với tỉ lệ của cả nước là 55%. Ngay cả người trẻ khỏe mạnh đầu 20 tuổi cũng đã được tiêm chủng.
Khi số ca nhập viện và tử vong cũng giảm mạnh, người Brazil trên khắp mọi miền đất nước đang bắt đầu hy vọng vào một ánh sáng cuối đường hầm. Nhờ Manaus, tốc độ tiêm chủng đang tăng mạnh trong những tuần gần đây. Khảo sát cho thấy một con số kỷ lục, với 94% người Brazil có mong muốn tiêm chủng. Ngày 12/7, cả nước ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Các nhà hoạch định bắt đầu lên kế hoạch níu giữ hy vọng tổ chức các buổi lễ quan trọng vào cuối năm nay.
Và cũng là lần đầu tiên giới khoa học - những người phải khổ sở khi đưa ra các thông báo chống dịch trong suốt hơn 1 năm qua - bắt đầu có sự hy vọng.
"Đặc điểm của Covid-19 là không thể dự đoán" - Renato Kfouri, giám đốc khoa miễn dịch của Hội Nhi khoa Brazil. "Nhưng ở thời điểm này, dịch bệnh đang dần bị đẩy lui, bắt đầu với Manaus. Chuyện tương tự có lẽ sẽ xảy ra với những khu vực khác nữa".
Vết sẹo không thể lành
Ở Manaus, nhiều người đã mang theo tâm lý "sống sót sau một chuyến tàu đắm". Họ mừng rỡ vì đã sống sót ở thời điểm dịch bệnh càn quét kinh hoàng nhất, và thay đổi rất nhiều sau những trải nghiệm như vậy.
Suốt hơn 1 năm, cả thành phố phải trải qua một sự ngột ngạt đáng sợ. Họ bị cô lập về địa lý, bị nhấn chìm bởi dịch bệnh với 2 triệu người giữa vùng Amazon. Không có lối thoát, chỉ có một vài lựa chọn khan hiếm bắt buộc phải tuân thủ.
"Nó giống như một hình xăm với tôi vậy. Không có cách nào quên được" - Marcia Freitas, một nhân viên chính phủ 44 tuổi chia sẻ.
Khi hệ thống y tế của Manaus sụp đổ vào năm 2020, bà ngoại, bố chồng và dì của Freitas nhiễm bệnh. "Có quá nhiều người đang chết vào lúc đó" - cô hồi tưởng. Bệnh viện quá tải, giường bệnh không còn. Cô phải đưa bà vào xe, cố gắng tìm cho được nơi cứu chữa. Nhưng lúc đến được bệnh viện, bà cô đã qua đời. Cũng trong ngày hôm đó, bố chồng cô nối gót, người dì cũng không thể vượt qua.
Freitas có thể thấy thành phố đang dần vượt qua nỗi đau. Nhưng vẫn có những ngày cô cảm thấy bế tắc, nghĩ về những thời khắc bi kịch nhất. Mất mát quá nhiều từ dịch bệnh, cô không biết phải làm sao để rũ bỏ nỗi đau ấy. Và nhìn vào những người xung quanh, cô biết họ cũng phải trải qua những câu chuyện tương tự.
Bạn của Freitas - Carla Lima, gia đình họ đã vượt qua làn sóng dịch bệnh đầu tiên, nhưng biến chủng Gamma xuất hiện và bám lấy họ. Chỉ vài ngày, cha mẹ và anh trai cô đều nhiễm bệnh. Trong khi đó, hệ thống y tế bị quá tải trầm trọng, oxy dự trữ dần cạn kiệt. Cô chẳng biết phải đưa họ đi đâu, về đâu để cứu chữa nữa.
Lima đến trung tâm cấp oxy. Cô phải chờ 3 ngày xếp hàng để lấy được một bình mang về. Nhưng chẳng ai sử dụng cả, vì cả 3 người cô thương yêu nhất đã ra đi mãi mãi. Cả gia đình ấy chỉ còn lại 2 người: Lima và em gái của cô.
"Đêm nào tôi cũng gặp ác mộng. Tôi không thể ngủ nổi, phải dùng thuốc chống trầm cảm. Không có cách nào quên được những ký ức ấy. Chỉ còn lại sự hỗn loạn thôi".
Tại một nghĩa trang ở ngoại ô Manaus, một công nhân đào huyệt bước đi giữa những ngôi mộ. Đó là Ulisses Xavier. Anh vẫn đang mặc cùng một bộ trang phục bảo hộ kín người kể từ đầu đại dịch. Dù không còn phải chôn ai nữa trong những ngày gần đây, nhưng anh vẫn chưa sẵn sàng để rũ bỏ sự cảnh giác của mình.
Đặt đôi tay lên một trong hàng ngàn cây thánh giá được dựng lên giữa làn sóng dịch bệnh, anh bắt đầu hồi tưởng. Những nạn nhân được chuyển tới, hết lớp này tới lớp khác, tựa như sóng biển vậy.
Nền đất anh đang đứng từng là nơi các nhân viên nghĩa trang chơi bóng lúc nghỉ ngơi. Nhưng khi làn sóng dịch bệnh xuất hiện, từng khoảng đất phải được tận dụng để làm chỗ an nghỉ cuối cùng cho những người đã khuất. Anh nhìn xa xăm, nghĩ về những ngày cũ với hy vọng chúng sẽ không bao giờ trở lại nữa.
"Ngày đó giống như thời chiến vậy. Một cuộc chiến chống lại virus, và chúng tôi gần như đã thua. Nhưng giờ, nhờ vaccine, mọi thứ đang dần trở lại".
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)