Xuất hiện hai biến thể Covid-19 khiến giới khoa học đau đầu tìm cách đối phó

14/07/2021 15:57:55

Những biến chủng SARS-CoV-2 mới xuất hiện khiến giới khoa học phải theo dõi chặt chẽ để đánh giá khả năng lây lan và xem xét liệu virus có làm giảm hiệu quả của vaccine hay không.

Virus luôn đột biến trong tự nhiên, nhưng việc tìm hiểu liệu các biến chủng có làm mầm bệnh lây lan nhanh hơn hay làm giảm hiệu quả của vaccine rất quan trọng đối với công tác kiểm soát dịch bệnh.

Giới chuyên gia y tế hầu hết nhất trí rằng tiêm chủng kết hợp với các biện pháp phòng dịch khác sẽ ngăn chặn hữu hiệu sự xuất hiện của các biến chủng mới.

Biến chủng gây lo ngại nhất hiện nay là Delta, được cho là gây ra tình trạng số ca nhiễm tăng cao ở nhiều nước trong thời gian gần đây, tuy vậy giới nghiên cứu cũng chú ý tới hai biến chủng Lambda và Epsilon.

Biến chủng Lambda lần đầu được phát hiện ở Peru và hiện đã trở nên phổ biến ở một số khu vực tại Nam Mỹ. Lambda đã xuất hiện ở 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, được WHO liệt vào danh sách "biến thể đáng chú ý" hôm 14/06.

Xuất hiện hai biến thể Covid-19 khiến giới khoa học đau đầu tìm cách đối phó
Một bệnh nhân Covid-19 tại Peru (Ảnh: Reuters)

Theo WHO, biến thể Lambda có một số đột biến cho thấy nó có thể lây lan nhanh hơn, kháng miễn dịch hiệu quả hơn, tuy vậy cơ quan này cho rằng cần nghiên cứu thêm để hiểu hơn về những nguy cơ.

Thomas Preiss, giáo sư chuyên về khoa học bộ gene thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng cần phải điều tra kỹ lưỡng trước khi kết luận Lambda liệu có thể "vượt qua Delta về mặt lây nhiễm trong cộng đồng hay không".

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Maria Van Kerkhove của WHO cho biết cần phải phân tích virus trên phạm vi toàn cầu để hiểu chúng đang biến đổi như thế nào.

Lambda hiện chưa được coi là "biến thể gây lo ngại" do chưa có bằng chứng cho thấy nó có khả năng lây nhiễm cao hơn hay gây bệnh nặng hơn, hay gây khó khăn cho các biện pháp phòng dịch như xét nghiệm, tiêm chủng, bà Van Kerkhove nói.

Các biến chủng gây lo ngại được WHO liệt kê bao gồm Alpha (phát hiện lần đầu tại Anh), Beta (phát hiện lần đầu tại Nam Phi), Gamma (phát hiện lần đầu tại Brazil) và Delta (phát hiện lần đầu tại Ấn Độ).

Giới khoa học ước tính biến chủng Delta dễ lây nhiễm hơn Alpha 55% và hơn các chủng không đột biến gần gấp đôi. Đã có bằng chứng biến thể Beta và Delta có ảnh hưởng tới miễn dịch do vaccine tạo ra, tuy vậy vaccine nhìn chung vẫn rất hiệu quả trong việc ngăn chặn tất cả các biến thể gây bệnh nặng, theo dữ liệu đã được công bố.

Nghiên cứu của Đại học Chile công bố hồi đầu tháng này, nhưng chưa được bình xét, cho thấy biến chủng Lambda khiến cơ thể người  được tiêm vaccine Sinovac Biotech sản sinh ít kháng thể hơn. Sinovac Biotech là loại vaccine được sử dụng phổ biến ở Chile.

Nghiên cứu này cũng phát hiện Lambda có khả năng thâm nhập thế bào tốt hơn so với Alpha và Gamma trong môi trường phòng thí nghiệm, tuy vậy không so sánh với Delta.

Các biến chủng phổ biến hiện nay, chẳng hạn như Delta, có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, theo giới chuyên gia. Tuy vậy, việc dân số ngày càng có miễn dịch có thể khiến virus tiếp tục tiến hóa để né tránh.

"Có khả năng virus hiện nay đang phải tiến hóa để né tránh phản ứng miễn dịch tại một số quốc gia và khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao, hoặc tỷ lệ người dân mắc Covid-19 đã phục hồi," Preiss cho biết, nhưng lưu ý rằng rất khó để kết luận đây có phải là nguyên nhân xuất hiện biến chủng mới hay không.

Nghiên cứu mới về biến thể Epsilon, được phát hiện lần đầu tại Mỹ, cho thấy virus có thể biến đổi theo những cách khác nhau để né tránh miễn dịch.

Trong nghiên cứu được đăng tải trên tuần san Science hồi đầu tháng, các nhà khoa học cho thấy ba đột biến của biến chủng Epsilon làm giảm khả năng vô hiệu hóa của kháng thể sản sinh từ vaccine hoặc từ việc từng mắc Covid-19.

Họ cũng phát hiện Epsilon "có khả năng né tránh miễn dịch một cách không trực tiếp và khác thường", cụ thể là chúng tự sắp xếp lại một nhóm protein gai mà virus sử dụng để bám vào tế bào con người.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ tháng trước không còn coi Epsilon là "biến thể gây lo ngại" mà chỉ là "biến thể đáng chú ý", do lượng ca nhiễm biến thể này đã giảm trên phạm vi cả nước. WHO cũng xếp biến chủng này trong danh sách cần theo dõi thêm.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật