Đất nước có lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới sắp được tự do, nhưng người dân chỉ thấy hồi hộp và lo sợ

09/07/2021 07:35:01

Người Anh đang sợ về những điều bình thường mới sắp xảy ra, khi đã bị phong tỏa quá lâu.

Tháng 5/2021, khi nước Anh chuẩn bị kết thúc một trong những đợt phong tỏa dài và nghiêm ngặt nhất thế giới, Kitty Grew bắt đầu thử tập di chuyển từ nhà đến công ty ở cách đó 7km mà không dùng đến phương tiện công cộng.

Cứ mỗi buổi tối, sau khi kết thúc công việc, cô nhân viên 27 tuổi lại lôi xe đạp và mũ bảo hiểm, chạy dọc con đường ngoại ô hướng đến thành phố London.

"Tôi cứ tập và tập, hôm sau đi xa hơn hôm trước" - Grew cho biết. Hiện tại cô đang là quản lý dự án tại Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, hỗ trợ đất nước vận hành chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19.

Đất nước có lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới sắp được tự do, nhưng người dân chỉ thấy hồi hộp và lo sợ

Grew xem những chuyến đi ấy là một cách để chuẩn bị cho việc trở lại văn phòng được dự tính sẽ bắt đầu vào tháng 8 hoặc tháng 9, khi cô chẳng dám bước lên phương tiện công cộng nữa.

Trước dịch, Grew chỉ đơn giản là lên xe bus hoặc tàu điện ngầm để đến công ty. Nhưng trong đợt phong tỏa, cô đã cảm thấy sợ hãi hơn. Ngay cả việc rời nhà đi dạo thôi cũng là cực hình với cô. Grew chia sẻ, lần cuối cùng cô lên tàu điện ngầm là từ tháng 1/2020.

Sợ hãi với những điều bình thường mới

Anh Quốc vào lúc này chuẩn bị rũ bỏ những tàn dư cuối cùng của đợt phong tỏa Covid-19, bất chấp việc đang phải chống lại biến chủng Delta đang ngày một lan rộng. Nhiều người như Grew thì cảm thấy việc phải trở lại văn phòng trên những chuyến xe đông đúc chật chội, hoặc những buổi tiệc tùng bar sàn tấp nập thực sự rất đáng sợ.

Đất nước có lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới sắp được tự do, nhưng người dân chỉ thấy hồi hộp và lo sợ - 1

"Bạn bè tôi, nhiều người đã bắt đầu thích nghi" - Grew cho biết. "Khi biết sắp dỡ phong tỏa, họ kiểu 'Ôi chẳng thể chờ đến lúc được đi quẩy tung tóe'. Còn tôi thì chỉ thấy lo lắng với việc phải đi làm bằng xe bus."

"Tôi chẳng tưởng tượng nổi mình có thể lên máy bay ra nước ngoài, hay thậm chí đơn giản là đi hộp đêm chơi."

Nước Anh thực chất đã lên lịch sẵn cho "ngày tự do" - thời điểm mọi quy định hạn chế được dỡ bỏ - là ngày 21/6. Tuy nhiên với sự xuất hiện của Delta - biến chủng Covid-19 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, chính phủ Anh đã dời lại ngày này đến 19/7.

Quyết định của họ vấp phải những chỉ trích nặng nề từ một bộ phận công chúng muốn bỏ lại đại dịch phía sau. Trên mạng xã hội, hashtag #ImDone (Tạm dịch: Tôi bỏ cuộc) lan rộng. Truyền thông Anh thì hoài nghi, với các bài viết có tựa đề đại khái: "Liệu chúng ta có thực sự được tự do?"

Đất nước có lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới sắp được tự do, nhưng người dân chỉ thấy hồi hộp và lo sợ - 2

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo kế hoạch dỡ bỏ phần lớn các lệnh hạn chế - bao gồm quy định giữ khoảng cách và đeo khẩu trang bắt buộc. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng "đại dịch vẫn chưa kết thúc, và sẽ không kết thúc vào ngày 19/7" khi virus vẫn đang lây lan. "Tôi không muốn mọi người nghĩ rằng đó là kết thúc của Covid. Còn rất lâu mới đến thời điểm đó" - trích thông báo của ông Johnson.

Lệnh dỡ bỏ hạn chế khiến nhiều người cảm thấy hứng thú, háo hức chờ được đi nhà hàng, salon, mua sắm... Nhưng không phải ai cũng cảm thấy như vậy.

"Chúng ta đã được huấn luyện suốt 18 tháng qua để cảm thấy việc ở bên người khác và đi lung tung là rất mạo hiểm" - trích lời nhà tâm lý học Emma Kavanagh. "Não bộ vẫn chưa thể loại bỏ điều đó, nên não sẽ có phản ứng căng thẳng khi mọi thứ đột ngột thay đổi."

Kavanagh đã bắt đầu nghiên cứu về cơ chế phản ứng thần kinh trong đại dịch từ tháng 3/2020 - khi nước Anh bước vào đợt phong tỏa đầu tiên, cũng là lúc cô dương tính với Covid-19 và hình thành một nỗi ám ảnh. Trong lúc khổ sở vì bệnh tật và dạy học cho các con, Kavanagh đã tìm đến mạng xã hội để chia sẻ những gì cô nghiên cứu được về trải nghiệm trong đại dịch. Bài đăng trên Twitter của cô nhanh chóng lan tỏa mạnh.

Kavanagh hiểu rất rõ câu chuyện này. Cô đưa ra lời khuyên dành cho những người đang sợ hãi trước "điều bình thường mới": Hãy cho nó thời gian! "Nhiều người đã hồi phục từ sang chấn sau dịch, thậm chí còn trưởng thành hơn."

Dẫu vậy, nhiều nhà tâm lý học dự đoán cảm giác tiêu cực vì đại dịch sẽ không đơn giản là biến mất, dù các lệnh hạn chế được dỡ bỏ. Việc liên tục sống trong căng thẳng và cô độc vì đại dịch có thể gây phản ứng "đào thải xã hội" với ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, cảm xúc, năng suất lao động - theo lời bác sĩ đa khoa từ Mỹ Vivek Murthy.

Đất nước có lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới sắp được tự do, nhưng người dân chỉ thấy hồi hộp và lo sợ - 3

Dù thời hạn ảnh hưởng chưa được xác định, các chuyên gia sợ rằng những hành vi hình thành từ đợt phong tỏa - như sạch sẽ quá mức, sợ nơi công cộng, hoặc ám ảnh vì triệu chứng bệnh - sẽ khiến nhiều người cảm thấy khó hòa nhập trở lại với cộng đồng.

Nhà nghiên cứu Catherine Seymour cho rằng một số nhóm người trong cộng đồng có rủi ro gây lo ngại hơn, bao gồm người trẻ, người thất nghiệp, cha mẹ đơn thân và những người có tiền sử bệnh tâm lý. Họ là nhóm dễ bị tổn thương nặng về tâm lý hơn so với đại đa số công chúng.

"Cảm giác bị cách ly càng lâu, càng khó để có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường. Với những người đã tự thu mình vào kén hoặc từ lâu đã không còn giao tiếp xã hội - bao gồm các bạn trẻ không thể đến trường - sẽ rất khó để tái hòa nhập."

Thấp thỏm chờ đợi

"Tôi vật lộn với ý tưởng trở lại cuộc sống trước kia" - Amy Clement, quản lý sân khấu 26 tuổi tại London cho biết. "Nửa đầu đại dịch, tôi nghĩ mình có thể giữ lại được những ký ức từng có trước kia. Còn giờ, mọi thứ như phải làm quen lại từ đầu."

Năm 2020, cuộc sống của Clement ngập tràn cơ hội. Cô trúng tuyển vào công việc mơ ước - làm việc tại hậu trường của tour diễn The Lion King khắp Anh Quốc và Ireland. Nhưng đại dịch đến, tour diễn bị hủy bỏ, và cô trở về sống với gia đình.

Đất nước có lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới sắp được tự do, nhưng người dân chỉ thấy hồi hộp và lo sợ - 4

Lệnh hạn chế tại Anh thực sự mang lại cảm giác... trêu ngươi. Dỡ bỏ, tái áp đặt, rồi mở rộng ra với một chuỗi những đợt phong tỏa nối tiếp nhau. Clement vì thế ngày càng lo lắng hơn cho tương lai, không chắc rằng liệu mình có sẵn sàng trở lại làm việc hoặc đi chơi cùng bạn bè như trước. "Nỗi sợ cứ lởn vởn, về chuyện khi nào đất nước tái mở cửa" - cô gái chia sẻ, mô tả cảm giác ấy giống như một quả bom nổ chậm.

Với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và các chuyên gia tâm lý, Clement cho biết cô đã sẵn sàng bỏ lại nỗi sợ về phía sau, lập ra những mục tiêu nhỏ mỗi ngày để chinh phục nó và sớm sẵn sàng hòa nhập với cộng đồng. Dẫu vậy, không phải ai cũng làm được như cô.

Emma Turner, phó giám đốc điều hành của trung tâm từ thiện Mind chuyên điều trị bệnh tâm lý tại Croydon (London) cho biết, cô dự đoán nhu cầu sử dụng dịch vụ của trung tâm sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Dù dịch vụ tại Mind vẫn mở cửa suốt 1 năm qua, nhưng khách hàng tiếp cận rất ít, chủ yếu là điều trị từ xa và khó lòng tiếp cận với tất cả mọi người.

"Rất nhiều người chờ đợi được đến điều trị trực tiếp. Khi lệnh phong tỏa sắp được dỡ bỏ, nhu cầu ấy tăng cao hơn bao giờ hết."

Khi Thủ tướng Johnson thông báo kéo dài giãn cách, ông nói rằng: "Chúng ta cần học cách sống chung với đại dịch, giống như các dịch bệnh khác." Câu nói ấy đúng, nhưng lại khiến nhiều người hoảng sợ.

"Đó là điều tôi sợ nhất," - Penny, nữ kế toán 52 tuổi chia sẻ. "Tôi không biết mình có thể chung sống với Covid, trong khi nỗi sợ nhiễm bệnh vẫn chực chờ."

Penny hiện đang sống một mình. Bà gần như chưa rời khỏi ngôi nhà ở phía nam London suốt 1 năm qua. Việc bị phong tỏa đã khiến bà bị rối loạn lo âu, và thi thoảng cảm thấy hoảng sợ cực độ. Dù đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid, bà vẫn duy trì lối sống tách biệt, bảo vệ mình khỏi căn bệnh.

"Tôi muốn ra ngoài, nhưng lại không thể. Cảm giác như mắc kẹt vậy. Cuộc sống trước kia tôi có đã chấm dứt rồi."

"Liệu mọi người có trở lại như trước không" - đây là câu hỏi mà Tiến sĩ Elise Paul thường xuyên phải nhận. "Câu trả lời ra tôi cũng không biết. Mọi thứ đã diễn ra quá lâu rồi. Người độc thân, người sống một mình, họ đều có triệu chứng trầm cảm và ngày càng cô đơn hơn."

Đất nước có lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới sắp được tự do, nhưng người dân chỉ thấy hồi hộp và lo sợ - 5

Nhiều gia đình tại Anh cũng đang vật lộn với ảnh hưởng của dịch bệnh. Khảo sát mới của Văn phòng Số liệu Quốc gia cho thấy 39% các cặp đôi đang có mức căng thẳng tăng cao, so với mức 19% trước dịch. Nguyên nhân là do gánh nặng trách nhiệm phải chăm sóc cho nhau vì tiếp xúc quá nhiều. 

Như Jessica Pan - một tác giả có tính cách hướng nội cho biết, đợt phong tỏa đầu tiên khiến cô cảm thấy thêm sợ xã hội. Cô thấy sợ và cô đơn, nhất là khi đang mang thai con đầu lòng. Cô mất cả năm để làm quen trong sự lo lắng về sức khỏe của con, và giờ lại cảm thấy đảo lộn khi xã hội sắp mở cửa. 

Con trai cô từng có lần sốt cao, khiến cô phải nóng ruột cho bé đi xét nghiệm. "May mắn là thằng bé âm tính. Nhưng tôi không muốn thức trắng đêm vì sợ nếu tôi nhiễm, tôi có thể khiến con mắc bệnh."

Với các nhà nghiên cứu, việc Anh Quốc mở cửa là một nước đi mạo hiểm nhưng cũng đáng để mong chờ, bởi đây vốn là một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới. Liệu rằng nó có gây ra một cơn khủng hoảng sức khỏe tinh thần - đó là câu hỏi gây lo ngại nhất cho cộng đồng vào lúc này.

Đất nước có lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới sắp được tự do, nhưng người dân chỉ thấy hồi hộp và lo sợ - 6
"Vấn đề của việc bị phong tỏa là bạn sẽ luôn nghĩ rằng mình đang sợ."

Nguồn: CNN

Theo JD (Pháp Luật & Bạn Đọc)

Nổi bật