Sau lần đầu bước vào phong tỏa vì virus lây lan quá rộng năm 2020, nước Anh đã phải chịu áp lực rất lớn. Họ là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất châu Âu, với nền kinh tế chao đảo khủng khiếp. Thủ tướng Anh Boris Johnson khi đó bị chỉ trích vì đã quá chậm trễ trong việc phong tỏa, từ đó khiến đất nước đi sau quá lâu.
Dẫu vậy vào mùa hè 2020, tình hình trở nên khả quan hơn. Số ca nhiễm giảm hẳn lại, đưa nước Anh trở về vị thế tương đương với các quốc gia khác tại châu Âu.
Nhưng rồi, họ lại thất bại lần nữa. Ngày 4/1, ông Johnson đưa ra lời cảnh báo rằng Covid-19 đang oanh tạc mạnh mẽ khắp đất nước, với mối đe dọa quá tải dành cho các bệnh viện. Kèm theo đó là lệnh phong tỏa toàn quốc, lần thứ 3.
Vấn đề là tại sao họ lại thất bại, thậm chí là 2 lần trước Covid-19? Vũng lầy ấy phải có lời giải, và câu trả lời cũng không khó để tìm kiếm.
Sa lầy vì thiếu quyết đoán
Ngay từ đầu đại dịch, ông Johnson và chính phủ Anh cũng hiểu về mối đe dọa của làn sóng dịch bệnh thứ 2 vào mùa đông. Tuy nhiên bất chấp việc Thủ tướng Anh áp dụng các khuyến cáo khoa học, phản ứng của quốc gia được đánh giá là khá chậm trễ và thiếu quyết đoán.
"Đây không phải là thất bại của khoa học và chuyên gia y tế" - Mark Walport, cựu tư vấn khoa học người Anh chia sẻ. "Các nhà chính sách vốn đã lường trước được rủi ro sẽ tới." Ian Boyd, thành viên hội đồng tư vấn thì nhận định: "Ngay từ tháng 4, tư tưởng của tất cả đã hướng đến mùa đông. Chúng tôi đều biết đó sẽ là thách thức lớn, và không thể tránh khỏi."
Thực chất thì ngay từ đầu tháng 3/2020, thời điểm chính phủ Anh đã công bố kế hoạch chống dịch đầu tiên, các chuyên gia đã cảnh báo về mối nguy hiểm của làn sóng dịch bệnh vào mùa đông. Họ mong muốn viễn cảnh ấy không xảy ra. Tới tháng 7, Viện Khoa học Y tế Anh công bố bản báo cáo nhận định cơn khủng hoảng vào mùa đông sẽ còn lớn hơn mùa xuân. Cũng trong tháng đó, Chris Whitty - giám đốc y tế Anh - cho biết làn sóng dịch mùa đông "thực sự là mối đe dọa nghiêm trọng", chiếm phần lớn suy nghĩ của ông lúc đó.
Cuối tháng 9, Patrick Vallance - chuyên gia tư vấn khoa học - cảnh báo Anh có thể đối mặt với 50.000 ca nhiễm mỗi ngày vào giữa tháng 10, với hơn 200 ca tử vong/ ngày trong tháng đó. Dù thực tế mọi thứ không đến sớm như vậy, nhưng toàn bộ các cột mốc ấy đều đã bị vượt qua.
Biến chủng mới khiến tình hình bất định
Ông Johnson thực ra có lý của mình. Ông có thể đã thu được bài học từ đợt dịch đầu tiên, nhưng có lẽ là thiếu may mắn. Ông biện hộ rằng biến chủng virus mới với khả năng lây lan nhanh chóng hơn xuất hiện tại Anh vào mùa thu 2020 đã phá hủy hoàn toàn thành tựu mà họ đã cố gắng đạt được. Ông cho rằng kế hoạch của họ vốn dĩ đã thành công, nếu không có sự xuất hiện của chủng virus mới.
Điều này về cơ bản là đúng nếu xét trên một vài góc độ. Các bằng chứng cho thấy biến chủng mới thực sự lây lan mạnh mẽ hơn, và là một phần nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới gia tăng tại Anh. Nó giống như thể một người phải trả tiền thuê nhà với lãi suất 4%/năm thì đột nhiên phải chịu đến 6% - nghĩa là cao hơn đến 50% mà không nhận được lời cảnh báo nào trước vậy.
Tuy nhiên, sự phức tạp của dịch bệnh vốn là thứ cần phải lên kế hoạch trước. Nhìn chung, với một loại virus có sự lây lan cao, đột biến là điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Vậy nên, các chuyên gia nhận định sự sa lầy của nước Anh phải đến từ khả năng chuẩn bị đối phó thiếu hiệu quả và triệt để. Không thể đổ lỗi cho việc virus hành xử không như dự định để biện hộ cho thất bại của mình.
Dù trong bất kỳ trường hợp nào, việc không kiểm soát được hiệu quả sẽ làm tăng khả năng đột biến. Bởi trên thực tế thì không chỉ Anh Quốc, Nam Phi cũng phải đối mặt với các biến chủng mới của Covid-19, cũng vì nguyên do này.
Cả Walport và Boyd đều nhận định rằng cách tiếp cận của Thủ tướng và chính phủ là không triệt để. Họ muốn kiểm soát dịch bệnh mà không phá đi cuộc sống thường nhật và ảnh hưởng đến kinh tế. Điều này hợp lý, nhưng đổi lại họ phải chịu đựng ảnh hưởng lớn hơn. Và giờ họ đã thất bại, cả trên phương diện kiểm soát dịch bệnh lẫn đời sống xã hội và hiệu quả kinh tế.
Theo J.D (Trí Thức Trẻ)