60 cảnh sát, binh sĩ, dân thường thiệt mạng trong các vụ đụng độ ở Ankara và Istanbul. 754 người quân đảo chính bị bắt nhưng phe chính phủ vẫn chưa nắm chắc quyền kiểm soát.
Ông Erdagan trong vòng tay người ủng hộ ở sân bay tại Istanbul và cảnh các cảnh sát vây quanh chiếc xe tăng của phe đảo chính. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Erdogan tuyên bố binh biến kết thúc
Sự trở lại của ông Erdogan cho thấy chính phủ có thể đã đẩy lùi các cuộc đảo chính, trong khi các cuộc đụng độ và bạo lực vẫn tiếp tục diễn ra ở Istanbul và thủ đô Ankara.
Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, 336 người đã bị bắt vì liên quan tới vụ đảo chính. Tướng Umit Dündar tạm thời đảm trách vai trò chỉ huy quân đội. Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể xác định tình trạng của Tư lệnh Hulusi Akar, người nhiều khả năng bị phe nổi dậy bắt làm con tin.
Nhiều binh sĩ quân đội tiếp tục đầu hàng
Theo CNN, khoảng 50 binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu hàng tại một cây cầu bắc qua sông Bosphorus ở Istanbul. Truyền hình chiếu cảnh họ rời khỏi xe tăng, giơ tay lên đầu. Trước đó hàng chục binh sĩ khác cũng đã đầu hàng ở quảng trường Taksim.
Tổng thống Tayyip Erdogan kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đổ ra đường phố cho đến khi tình hình dịu trở lại. Ông nhấn mạnh chính phủ của ông vẫn đang hoạt động. Dù vậy ông thừa nhận tình hình tại thủ đô Ankara vẫn còn hỗn loạn.
Người Thổ Nhĩ Kỳ ùa ra đường phố ở Ankara và Istanbul Ảnh: EPA |
Người Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường bất chấp lệnh giới nghiêm
Trong khi quân đảo chính tuyên bố nắm quyền, người dân đáp lại cuộc gọi qua Facetime của Tổng thống Erdogan và tràn xuống đường để ủng hộ ông bất chấp lệnh giới nghiêm.
Lỗi tại Tổng thống Erdogan?
Theo báo chí phương Tây, Tổng thống Tayyip Erdogan phải chịu trách nhiệm chính về cuộc đảo chính quân sự bất ngờ. Sự kiện này xảy ra trong thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều biến động: chiến tranh ở nước láng giềng Syria kéo dài, khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) liên tục đánh bom, chính phủ Ankara đối đầu căng thẳng với người Kurd.
Trong bối cảnh đó, ông Erdogan làm nhiều người lo ngại vì các chính sách ngày càng Hồi giáo hóa. Trong khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi mình là người bảo vệ truyền thống thế tục của đất nước. Giới quan sát nhận định các chính sách của ông Erdogan đã làm đất nước bị chia rẽ và gây căng thẳng sắc tộc và tôn giáo.
Điều đáng mỉa mai là mới hồi đầu tuần, ông Erdogan ký một luật trao quyền miễn tố cho binh sĩ quân đội khi tham gia các chiến dịch an ninh nội địa. Luật này được xem là dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa chính phủ Ankara và quân đội có sự cải thiện.
Tổng thống Erdagan về Istanbul - Dấu hiệu đảo chính thất bại?
Ông Erdagan phát biểu tại Istanbul giữa cuộc đảo chính. Theo New York Times, việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trở về và phát biểu giữa Istanbul cho thấy cuộc đảo chính của lực lượng quân sự có dấu hiệu thất bại. Ảnh: Reuters |
42 người thiệt mạng
Đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời một công tố viên ở Ankara cho biết số người thiệt mạng trong cuộc đảo chính đêm qua ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ là 42 người. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa được xác nhận chính thức. Số người chết có thể cao hơn vì nhiều trường hợp thiệt mạng chưa được thống kê.
Trong số 42 người thiệt mạng có 17 người là cảnh sát. Số còn lại là thường dân và binh sĩ lật đổ chính quyền. Ngoài ra, 13 người nổi dậy đã bị bắt khi cố gắng tấn công dinh tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, một nguồn tin cho biết có nhiều cảnh sát thiệt mạng trong vụ nổ ở khu tổ hợp nhà quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, chưa thể xác định chính xác thương vong trong vụ việc, Guardian đưa tin.
Thường dân đưa một người bị binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bắn trọng thương đi cấp cứu ở Istanbul Ảnh: Getty Images |
Không can thiệp quân sự vào Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon dùng những từ ngữ mạnh mẽ để kêu gọi chấm dứt cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tuyên bố chính thức, ông Ban kêu gọi “bình tĩnh, không bạo lực và kiềm chế” để giải quyết cuộc đảo chính đang diễn ra. Ông Ban cũng khẳng định can thiệp quân sự vào công việc nội bộ của một quốc gia là điều không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đông châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) nên EU sẽ hỗ trợ toàn lực cho chính phủ dân cử của quốc gia này theo những gì luật pháp quốc tế cho phép. EU cũng kêu gọi vãn hồi nhanh chóng trật tự ở Thổ Nhĩ Kỳ và khẳng định theo dõi sát vụ việc.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ: ‘Tình hình đang tốt lên từng phút’
Ngoài ra, Thủ tướng Yildirim cũng cảnh báo một số phi cơ đã bị chiếm nhưng khẳng định chúng sẽ sớm bị hạ. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Yildirim không giống những gì mà báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải. Hình ảnh từ hiện trường, cho thấy tình hình vẫn rất căng thẳng và không thể đoán trước. Ảnh: RT
Ông Erdogan: “Tôi sẵn sàng chết”
Hiện tại, Tổng thống Tayyip Erdogan đã đến sân bay Attaturk ở Istanbul. Ông tuyên bố: “Tôi sẽ không đầu hàng. Tôi sẵn sàng chết”. Ông cũng khẳng định cảnh sát nước này đang tổ chức bắt giữ hàng loạt sĩ quan quân đội.
Dù vậy, Thủ tướng Binali Yildirim cảnh báo các binh sĩ đảo chính ở Ankara và Istanbul vẫn lái máy bay quân sự để bắn giết từ trên bầu trời. Ông cáo buộc những kẻ đảo chính bắn giết thường dân vô tội vạ. Cảnh sát đã bắt giữ 130 người có liên quan tới vụ đảo chính.
Đảo chính là “món quà của chúa”
Tổng thống Erdogan cũng xác nhận ông đang ở khu vực Marmaris, thuộc tỉnh Muğla, tây nam Thổ Nhĩ Kỳ và cho biết thêm khác sạn ông ở từng bị đặt bom. Trong khi đó, Thủ tướng Yildirim cho biết 120 người đã bị bắt đồng thời kêu gọi người biểu tình ủng hộ chính phủ tiếp tục chiếm những con phố. Trước đó, ông phải dùng Facetime trên điện thoại iPhone để kêu gọi người dân chống lại cuộc đảo chính.
Cuộc đảo chính có khả năng thất bại
Nguồn tin Reuters cho biết cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng thất bại khi hàng chục nghìn người dân ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Tayyip Erdogan. Họ ồ ạt đổ ra đường để bày tỏ sự ủng hộ đối với ông.
Các đám đông tụ tập tại hai quảng trường trung tâm ở Ankara và Istanbul, vẫy cờ và hò reo ủng hộ chính phủ. “Chúng ta có thủ tướng, có tổng tư lệnh, chúng ta sẽ không để đất nước suy tàn”, một người dân hô vang.
Phóng viên Reuters khẳng định ít nhất 30 binh sĩ tham gia cuộc đảo chính đã hạ vũ khí, đầu hàng và bị cảnh sát có vũ trang áp giải đi khỏi quảng trường Taksim ở Istanbul.
Người dân Istanbul chặn một chiếc xe tăng của quân đội Ảnh: Getty Images |
Theo Reuters, mới đây có thêm hai tiếng nổ lớn vang lên ở tòa nhà Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ tại trung tâm thủ đô Ankara. Các nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trú ẩn trong tầng hầm của tòa nhà Quốc hội. Ngoài ra, các nhân chứng cho biết có hai tiếng nổ cũng vang lên ở quảng trường Taksim tại trung tâm thành phố Istanbul
Ông Erdogan: “Đảo chính là hành vi phản quốc”
Theo Reuters, mới đây Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố hành vi đảo chính của một số bộ phận trong quân đội là tội “phản quốc” và “đây là lý do để làm trong sạch lực lượng vũ trang”. Ông cáo buộc vụ đảo chính là âm mưu của những kẻ ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống ở Mỹ.
Ông Erdogan khẳng định ông có sự ủng hộ của hàng triệu người dân và thề “không đi bất cứ đâu”.
Trước đây ông Erdogan từng nhiều lần chỉ trích giáo sĩ Gulen là có mưu đồ sử dụng những phần tử ủng hộ ông ta trong nhánh tư pháp và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ để lật đổ chính phủ nước này.
Lãnh đạo các nước lo ngại về tình hình Thổ Nhĩ Kỳ
Theo Reuters, từ Mỹ Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry đều gọi điện cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan để bày tỏ sự ủng hộ ông.
“Tổng thống và Ngoại trưởng cho rằng tất cả các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ cần phải ủng hộ chính phủ dân bầu, kiềm chế, tránh gây bạo lực”, Nhà Trắng tuyên bố. Lãnh đạo đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cũng lên tiếng kêu gọi bình tĩnh.
“Chúng tôi kêu gọi sự kiềm chế và tôn trọng các thể chế dân chủ”, bà Mogherini cho biết. Ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton tuyên bố bà ủng hộ chính quyền dân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Bà cho biết đang rất lo ngại với tình hình ở quốc gia này.
“Chúng ta cần kêu gọi giữ bình tĩnh, tôn trọng luật pháp, thể chế, nhân quyền và quyền tự do, và ủng hộ chính phủ dân bầu”, bà Clinton nhấn mạnh. Từ Tokyo, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết ông hết sức lo ngại với tình hình Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tôi đã yêu cầu chánh văn phòng nội các thu thập thông tin và nỗ lực đảm bảo sự an toàn của các công dân Nhật tại Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Abe nói.
Chiến đấu cơ F-16 bắn hạ trực thăng quân sự trong đảo chính
Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết một chiếc máy bay quân sự bốc cháy trên bầu trời Ankara. Các báo cáo khác nói rằng một tiếng nổ lớn phát ra từ tòa nhà chính của đài truyền hình quốc gia TRT.
Hãng thông tấn Anadolou dẫn nguồn tin cho biết chiếc trực thăng bị bắn hạ trong bối cảnh những kẻ đảo chính xả súng vào đám đông ở Istanbul, gây ra làn sóng khủng bố đáng lo lại.
Đối đầu quân sự và người dân, 17 người thiệt mạng
Phe biểu tình nã đạn bừa bãi vào thường dân bằng súng, xe tăng và máy bay trực thăng. Hình ảnh tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy các lực lượng quân sự chống Erdogan sở hữu các loại vũ khí hạng nặng và tỏ ra không ngần ngại sử dụng chúng nhằm vào đối phương hay thường dân phản đối cuộc đảo chính.
Cảnh loạn lạc trong đêm đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ : Vụ đảo chính diễn ra vào khoảng lúc 22h giờ địa phương khi quân đội bắt đầu chặn dòng người đi lại ở hai cầu chính ở Isntabull và tình trạng hỗn loạn vẫn đang diễn ra. |
Vụ đảo chính diễn ra vào khoảng lúc 22h giờ địa phương khi quân đội bắt đầu chặn dòng người đi lại ở hai cầu chính ở Istanbul nối liền phần châu Âu và châu Á của thành phố.
Fox News đưa tin trực thăng quân đội đã nã đạn vào toà nghị viện nước này.
Theo New York Times, đã có một loạt súng nổ ở vài căn cứ quân đội tại thủ đô Ankara và quảng trường Taksim ở trung tâm của Istanbul. Quân đội đã xuất hiện ở sân bay chính của Istanbul. Nhiều chuyến bay đã bị huỷ.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đứng gác tại quảng trường Taksim ở Istanbul sáng sớm 16/7. Ảnh: RT |
Lực lượng đảo chính chiếm xe tăng
Ở các con phố ở Beyoglu, tại các quận thuộc châu Âu, các quán bar và nhà hàng chiếu cảnh tượng quân đội chiếm cầu, cùng lúc những người đang đi chơi thì dán mắt vào điện thoại di động tự hỏi chuyện gì đang xảy ra.
“Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nắm quyền kiểm soát hoàn toàn của đất nước với mục đích thiết lập lại trật tự Hiến pháp, dân chủ, quyền con người và tự do. Quân đội sẽ đảm bảo quyền pháp trị lại được tiếp tục, ổn định lại trật tự đã bị hỗn loạn,” tuyên bố của quân đội nói.
“Tất cả các thoả ước quốc tế và các cam kết đều được duy trì. Chúng tôi hy vọng mối quan hệ tốt của chúng tôi với tất cả các nước sẽ vẫn được tiếp tục,” tuyên bố nói.
“Một số người hành động phi pháp ngoài thẩm quyền của họ,” Thủ tướng Binali Yildirim tuyên bố trên đài tư nhân NTV. “Chính phủ dân sự vẫn đang nắm quyền. Chính quyền sẽ chỉ ra đi nếu người dân yêu cầu.”
Ngay sau khi ông Yildirim tuyên bố, các nhóm quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố và nói họ đã nắm được quyền kiểm soát đất nước.
Tình trạng thiết quân luật ngay lập tức được tuyên bố, đẩy một trong những thành viên NATO và đồng minh quan trọng của Mỹ vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng – giữa lúc chính khu vực Trung Đông quanh đó cũng đang trong giai đoạn rất bất ổn.
Quân đội Mỹ có khoảng 2.200 lính và nhân viên dân sự triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ. 1.500 trong số đó là ở căn cứ không quân Incirlik ở phía Nam nằm gần biên giới với Syria.
Tổng thống dùng iPhone phát đi thông điệp chống lại đảo chính
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người đã nắm quyền hơn 10 năm qua, đã buộc phải dùng FaceTime trên iPhone để phát đi thông điệp kêu gọi dân chúng chống lại cuộc đảo chính.
“Không có quyền lực nào cao hơn quyền nhân dân,” ông nói. “Hãy cứ để chúng làm gì chúng muốn ở các quảng trường và sân bay.”
Tổng thống Recep Tayyip Erdoga dùng FaceTime trên iPhone để phát đi thông điệp kêu gọi dân chúng chống lại cuộc đảo chính. Ảnh chụp màn hình: Sky News |
Tình trạng hỗn loạn vẫn đang diễn ra và các thông tin đang lẫn lộn về chuyện ai đang thật sự nắm quyền. Và cũng không ai biết ông Erdogan đang ở đâu.
Hiện cũng chưa rõ lực lượng đảo chính đã nắm được tới đâu lãnh thổ nước này, cũng như chưa xác minh được ai là người cầm đầu lực lượng đảo chính.
Thông tin chính xác về thương vong hay đụng độ liên quan tới cuộc đảo chính cũng không rõ ràng.
Một quan chức cao cấp của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters nhóm quân đội định đảo chính đã kiểm soát được một số xe tăng và yêu cầu quân đội chiếm đường phố. Nhưng theo ông này tình trạng chưa diễn ra rộng khắp dù ông thừa nhận bất ổn có thể kéo dài 24 giờ hoặc lâu hơn nữa.
Tình trạng thiết quân luật ngay lập tức được tuyên bố ở nước này. Lực lượng vũ trang có mặt dày đặc trên các tuyến phố. Ảnh: AP |
Trong 50 năm qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất đã 3 lần tìm cách tiến hành đảo chính. Hãng thông tấn quốc gia Anadolu nói tại các trụ sở quân đội đã có các con tin bị bắt.
Theo New York Times, có cả tư lệnh quân đội nằm trong nhóm bị bắt này.
Mâu thuẫn với giáo sĩ quyền lực
Tổng thống Erdogan chỉ trích cuộc đảo chính là do những người theo giáo sĩ Fethullah Gulen, đang sống ở Pennsylvania (Mỹ) và từng là đồng minh thân cận của ông Erdogan.
Trong nhiều năm trời, những người thân ông Gulen đã chiếm các vị trí chi phối trong lực lượng cảnh sát và tư pháp nước này.
Nhưng hai người xảy ra mâu thuẫn kịch liệt vào năm 2013 liên quan tới vụ điều tra tham nhũng nhắm vào Erdogan và một loạt lực lượng thân hữu.
Sau khi ông Gulen rời đi, phe Erdogan tìm cách loại trừ những nhân vật thân cận Gulen, thậm chí tìm cách gán cho Gulen là lãnh đạo nhóm tổ chức khủng bố quốc tế và tìm cách dẫn độ ông này về từ Mỹ.
Ông Erdogan nhận được sự ủng hộ rộng khắp của nhiều giới trong những năm đầu cầm quyền của mình, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa tự do muốn cải cách kinh tế và gạt ảnh hưởng của quân đội ra khỏi chính trị.
Nhưng trong những năm gần đây, ông đã khiến nhiều nhóm ở Thổ thất vọng với đường lối ngày càng độc quyền, trấn áp quyền tự do ngôn luận, áp đặt tôn giáo trong đời sống hàng ngày và bắt đầu lại cuộc chiến với lực lượng người Thổ ở Đông Nam nước này.
Kể từ khi đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại thành lập năm 1923, quân đội đã tiến hành đảo chính trong các năm 1960, 1971 và 1980. Quân đội nước này can thiệp vào chính trường một lần nữa vào năm 1997.
Quân đội Thổ từ lâu coi mình là người bảo hộ cho nền chính trị thế tục của nước này. Trong những năm gần đây, một loạt vụ xử nhắm vào lực lượng quân đội đã đẩy lực lượng này phải co cụm hơn và không còn ảnh hưởng như trước.
Theo Thanh Tuấn (Zing.vn)