"Thanh Minh thượng hà đồ"
"Thanh minh thượng hà đồ" có chiều rộng 24,8cm và chiều dài 528,7cm, là một bức tranh vô cùng đồ sộ của họa sĩ nổi tiếng thời Bắc Tống Trương Trạch Đoan (1085 - 1145) miêu tả cảnh giao thương nhộn nhịp ở cố đô Biện Kinh nhà Tống (nay là thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).
Theo thống kê, bức tranh vẽ tổng cộng 814 nhân vật, 28 chiếc thuyền và hơn 30 ngôi nhà. Từ ngoại hình, khuôn mặt đến quần áo của từng nhân vật đều được họa sĩ khắc họa vô cùng cẩn thận và tỉ mỉ.
Là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất lịch sử mỹ thuật Trung Hoa, hơn 800 năm nay, không biết bao nhiêu thế hệ đã dốc lòng nghiên cứu về "Thanh Minh Thượng Hà Đồ".
Mỗi chi tiết nhỏ trong bức tranh như hoa văn trên từng bộ quần áo, các loại đồ ăn nhẹ, biển cửa hàng tạp hóa ven đường đều được mổ xẻ và khảo cứu cẩn thận.
Thậm chí nhiều người còn cố gắng tìm hiểu xem liệu 824 nhân vật trong tranh có phải là những nhân vật lịch sử có thật và có câu chuyện nào ẩn giấu đằng sau những con người này.
10 năm nghiên cứu bức tranh cổ
Năm 2015 cuốn tiểu thuyết mang tên "Mật mã Thanh minh thượng hà đồ" của tác giả Dã Văn Bưu đã giải đáp thắc mắc của công chúng.
Dã Văn Bưu là một nhà văn đến từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. 11 năm trước khi đến thành phố Khai Phong du ngoạn, anh đã vô tình nhìn thấy bản sao có một không hai của bức "Thanh Minh thượng hà đồ". Bức tranh lập tức khiến Dã Văn Bưu tò mò và say mê.
Dã Văn Bưu quyết tâm phải tìm hiểu tất cả mọi thứ về bức họa này, anh muốn biết tại sao một vương triều đã từng thịnh vượng đến vậy lại nhanh chóng tàn lụi, chỉ có thể níu kéo chút phồn hoa trên trang giấy.
Quá trình tìm tòi và nghiên cứu này kéo dài 10 năm đằng đẵng. Trong 10 năm ấy, Dã Văn Bưu dường như biến thư phòng của mình thành một kho lưu trữ tài liệu về "Thanh Minh thượng hà đồ".
Hầu như tất cả những nghiên cứu trước đây về bức tranh hay những tư liệu về nhà Tống đều được ông thu thập. Mất gần 5 năm để thai nghén, 3 năm để viết bản thảo, lại trải qua 2 năm với ba lần chỉnh sửa kỳ công, cuối cùng cuốn sách "Mật mã Thanh Minh thượng hà đồ" cũng ra đời.
Năm ấy, họa sĩ Trương Trạch Đoan được hoàng đế nhà Tống Tống Huy Tông (1082- 1135) đặc biệt yêu cầu vẽ nên "Thanh Minh thượng hà đồ" liệu có phải đơn giản chỉ là muốn lưu lại cảnh thiên hạ thái bình?
Tống Huy Tông được hậu thế biết đến như một vị hoàng đế chuyên về văn hóa nghệ thuật rất nổi tiếng, một tài tử phong lưu và một nhà thơ, nhà thư pháp, họa sĩ và nhạc công xuất sắc.
Theo Dã Văn Bưu, bức tranh ẩn tàng một ván cờ tinh diệu của vị hoàng đế quá cố: Những phồn hoa náo nhiệt báo hiệu mưa gió ngập trời, những bước chân vội vã của dòng người trên phố ẩn dấu những nhân vật có khả năng xoay chuyển thời đại.
Tiểu thuyết của Dã Văn Bưu đã đi sâu vào ván cờ ấy, khắc họa rõ nét cả một xã hội phức tạp đầy rẫy âm mưu, tranh đấu, một xã hội vô tình đằng sau lát cắt phồn hoa.
Điềm báo dưới hình hài con tàu
Khám phá lớn nhất của Dã Văn Bưu là ở chi tiết con tàu đóng vai trò như "đôi mắt" nằm ở trung tâm của bức tranh. Con tàu ấy cần đi qua gầm cầu để tiến về phía trước, thế nhưng cột buồm lại cao hơn thành cầu.
Khi con tàu sắp đâm vào thành cầu, người ta mới vội vã bắt đầu hạ cột. Thoạt nhìn đây giống như một tình huống sơ xuất thường thức trong cuộc sống hàng ngày, thế nhưng giữa một bức tranh được bao phủ bởi không khí rộn ràng, hòa hợp như vậy, con tàu giống như một điềm báo đầy rủi ro.
Trên thực tế, Tống Huy Tông không phải một vị vua có tài trị nước. Ông "bỏ trung dùng gian", để cho tham quan lộng hành dẫn tới khởi nghĩa nông dân trong nước suốt mười mấy năm, trong triều lại tín nhiệm đám gian thần khiến triều đình lũng đoạn, đất nước rối ren và suy yếu.
Chỉ ít lâu sau khi bức tranh được hoàn thành, quân đội của nước Kim đã tiến hành xâm lược nhà Tống, tiến vào Biện Kinh. Cố đô Biện Kinh tràn ngập máu, nước mắt và khói lửa. Cảnh phồn hoa được lưu giữ ngày ấy có lẽ là thời khắc tươi đẹp cuối cùng của 824 nhân vật trong bức tranh nói riêng và nhà Bắc Tống nói chung.
Theo Tiểu Ngọc (Pháp Luật & Bạn Đọc)