Ngày 12/2/1912, Hoàng đế cuối cùng - Phổ Nghi chính thức thoái vị, kết thúc sự thống trị hơn 200 năm chính quyền nhà Thanh và đồng thời cũng chấm dứt chế độ phong kiến mấy nghìn năm ở Trung Quốc. "Ái Tân Giác La", tên họ hoàng gia thống trị một thời đã mất đi quyền lực, con cháu hoàng thất bị yêu cầu phải đổi họ từ "Ái Tân Giác La" thành "Kim".
Hậu duệ thứ 7 của Hoàng đế Càn Long và cuộc sống xa xỉ
Gia tộc Ái Tân Giác La chính thức rút lui khỏi hoàng triều. Vì thời thế thay đổi, con cháu hoàng gia xưa phải sống khiêm tốn và học cách sống như một thường dân.
Tuy rời xa chốn hoàng cung nguy nga tráng lệ nhưng cuộc sống của gia tộc vẫn vô cùng sung túc. Đơn cử là con cháu của Càn Long. Đến thời điểm hiện tại, họ luôn có một cuộc sống hào hoa xa xỉ không thua kém gì hoàng thất khi xưa.
Ái Tân Giác La Hằng Chiêu là con cháu thế hệ thứ 7 của vua Càn Long. Hằng Chiêu sinh năm 1958 ở Cát Lâm (Trung Quốc). Chiếu theo gia phả làm chứng, ông chính xác là hậu nhân hoàng thất chính thống của thời nhà Thanh. Được biết, gia đình ông còn đang giữ một chiếc nhẫn ngọc ban chỉ (nhẫn ngọc đeo ngón cái) của Hoàng đế Càn Long từng đeo.
Hằng Chiêu được sinh ra trong thời kỳ hiện đại mới nên huyết thống hoàng gia phong kiến của ông không còn bị chỉ trích hay nhận những đối xử bất công nào nữa. Ngược lại, vì thuộc dân tộc thiểu số (dân tộc Mãn) nên gia đình ông được rất nhiều ưu tiên theo chính sách của nhà nước Trung Quốc.
Đến nay, Hằng Chiêu là một nhân vật vô cùng nổi tiếng. Hiện tại, ông là ủy viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy của tỉnh Cát Lâm, là hội trưởng của Hiệp hội dân tộc Mãn thành phố Cát Lâm và là một thầy thuốc đông y nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp trường y trong nước, ông đã đến Mỹ để học tập chuyên sâu hơn tại Viện nghiên cứu Y học Nobel.
Sau khi nhận được học vị tiến sĩ, Hằng Chiêu đã trở về nước và hoạt động nghiên cứu đông y ở Cát Lâm. Sau đó, ông đã cho xuất bản cuốn sách "Ái Tân Giác La Hằng Chiêu Tàng Cung Đình Bí Phương Tập" (Tạm dịch: Tuyển tập những phương thuốc bí truyền trong cung đình của Ái Tân Giác La Hằng Chiêu).
Vì mỗi quan hệ mật thiết của sự phát triển đông y Trung Quốc và cung đình hoàng thất, cuốn sách về phương thuốc đông y bí truyền đã mang lại danh tiếng và tài lộc khổng lồ cho Hằng Chiêu.
Với danh phận là hậu nhân của hoàng thân quốc thích, lại sở hữu khối tài sản khổng lồ, Hằng Chiêu đã trang hoàng ngôi nhà của mình giống như cung điện. Mọi ngóc ngách trong nhà đều được bày biện một cách xa xỉ nhất và lấy màu hoàng kim làm chủ đạo. Phòng khách được sắp xếp như nội viện hoàng cung, lấp lánh những đồ nội thất quý giá, cột trụ trước cửa còn khắc rồng vẽ phụng.
Ngoài nhà ở như cung điện vua chúa nguy nga, Hằng Chiêu còn ăn mặc như một hoàng thân quốc thích thực thụ. Bát đĩa ăn cơm phải được làm từ gốm Cảnh Thái Lam. Bàn ghế, tủ sách kệ sách phải được đóng từ gỗ hoa Lê.
Ngay cả đôi đũa nhỏ bé cũng được mài giũa từ gỗ Giáng hương mắt chim rồi sơn một lớp vàng kim bên ngoài, đầu đũa khắc họa tiết Song long hí châu, vô cùng tinh tế.
Lễ bái tổ tiên gây tranh cãi
Điều đặc biệt hơn, Hằng Chiêu luôn dùng họ Ái Tân Giác La. Mỗi năm, ông sử dụng nghi thức tế lễ của triều Mãn Thanh để cúng bái tổ tiên. Năm 2015, buổi lễ cúng bái tổ tiên của ông đã gây ra nhiều tranh luận dữ dội.
Trong thời gian chuẩn bị nghi thức, công tác tuyên truyền của Hằng Chiêu đã hoạt động hết công suất. Ngày nghi lễ cúng bái tổ tiên diễn ra, không chỉ tề tựu đông đảo người dân tộc Mãn mà còn thu hút không ít giới truyền thông và công chúng đến xem.
Điều khiến cho người khác không khỏi ngạc nhiên chính là Hằng Chiêu đã mặc bộ Long bào tượng trưng cho Hoàng đế. Bên cạnh còn có người hóa trang thành Hoàng hậu, cung nữ, thái giám, văn võ bá quan và những người thi hành nghi lễ khác.
Hằng Chiêu hoàn toàn dựa theo nghi lễ cúng bái của triều Thanh để tiến hành dâng hương lên tổ tiên. Cả một buổi lễ được diễn ra hết sức long trọng và quy mô. Người không hiểu có lẽ sẽ nhầm rằng cả đoàn người của Hằng Chiêu đang quay bộ phim cung đình nào đó.
Hằng Chiêu lên tiếng giải thích lí do ông tổ chức nghi lễ này là vì để con cháu luôn nhớ về vinh quang của gia tộc xưa. Mặc dù triều Thanh đã không còn, nhưng phận làm con cháu phải biết kế thừa truyền thống của tổ tiên.
Ngoài ra, hành động của ông là phát huy tinh thần mạnh mẽ của gia tộc Ái Tân Giác La của hoàng thất Mãn Thanh, khiến cho hậu nhân luôn đoàn kết với nhau và gia tộc Ái Tân Giác La mãi mãi trường tồn.
Nhiều người ủng hộ nhưng cũng có không ít người chỉ trích hành động của Hằng Chiêu. Họ cho rằng việc ông cải trang Hoàng đế mặc Long bào và đội ngũ "cosplay" triều đình là một trò hề lố lăng, khoe của và không hề có ý nghĩa.
Trên cương vị là người dân tộc Mãn, Hằng Chiêu cử hành nghi lễ tế tổ long trọng như vậy là cũng có cơ sở. Chưa bàn tính đến việc đúng sai trong hành động của Hằng Chiêu, chúng ta cũng phải khẳng định: Ông thật sự là con cháu của Hoàng đế Càn Long, là hậu bối của hoàng thất triều Thanh. Hơn hết, ông hiện tại còn có một cuộc sống xa hoa như quý tộc thời xưa.
(Nguồn: 163)
Theo Phan (Pháp Luật & Bạn Đọc)