Đây là khoảnh khắc kinh hoàng khi một cô gái trẻ bị 3 người đàn ông phục kích trên đường đi làm về và bị ép ngồi vào một chiếc ô tô ở Kyrgyzstan. Vài giờ sau đó, cô gái tội nghiệp được tìm thấy bị sát hại trong một vụ "bắt cóc cô dâu" gây rúng động đất nước Trung Á này.
Video: Toàn bộ diễn biến vụ "bắt cóc cô dâu" gây rúng động. |
Một đoạn video do camera an ninh bên đường ghi lại cho thấy Aizada Kanatbekova, 27 tuổi, bị 3 gã đàn ông không rõ mặt bao vây rồi khống chế, đẩy cô vào sau chiếc xe ô tô hiệu Honda Civic màu đỏ ở thủ đô Bishkek vào ngày 5/4 mới đây. Được biết đây là một vụ cưỡng hôn và Aizada là người bị ép làm cô dâu.
Có thể thấy một người đàn ông đang muốn kéo Aizada đi lại gần chiếc xe nhưng khi cô cố gắng chống cự, một người đàn ông khác chạy lại và nhấc bổng cô lên trước khi đẩy cô vào trong xe.
Một người đàn ông đội mũ lưỡi trai màu đỏ đang đợi sẵn và hỗ trợ mở cửa để đồng bọn đưa Aizada vào trong. Sau đó anh ta chạy đến một chiếc xe đậu gần đó. Hai người đàn ông còn lại ngồi vào bên trong chiếc xe có biển số rõ ràng trước khi lái xe bỏ đi.
Cảnh sát cho biết thi thể của Aizada được tìm thấy hôm 7/4. Cô bị siết cổ ở phía sau xe hơi đậu ở ngoại ô thành phố Bishkek. Đây được xem là một vụ "bắt cóc cô dâu" có tính toán trước.
Đài truyền hình quốc gia Kyrgyzstan dẫn nguồn tin từ cảnh sát cho biết 1 trong 3 kẻ bắt cóc đã giết chết Aizada. Gã đàn ông 36 tuổi này cũng đã chết. Một trong số 2 tên còn lại đã bị cảnh sát giam giữ.
Vụ bắt cóc và cái chết của cô gái trẻ Aizada đã gây phẫn nộ trong cộng đồng. Khoảng 500 người ở thủ đô Bishkek đã tổ chức biểu tình yêu cầu cảnh sát trưởng phải từ chức sau cái chết thương tâm của cô gái trong vụ "bắt cóc cô dâu".
Những người biểu tình giơ những bức ảnh của Aizada đồng thời hét lên 2 từ "Xấu hổ!" trước cửa trụ sở Bộ Nội vụ nước này. Họ tức giận vì cảnh sát đã không tìm thấy Aizada kịp thời khi đã có trong tay đoạn video ghi lại toàn bộ sự việc và cả chiếc xe có biển số rõ ràng.
Những người biểu tình kêu gọi sa thải Bộ trưởng Nội vụ và cảnh sát trưởng thành phố, đồng thời giơ các biểu ngữ có dòng chữ thể hiện thái độ bất bình, chẳng hạn như: "Ai sẽ trả lời về cái chết của Aizada?"...
Một người biểu tình khác giơ một tấm biển ghi: "Có bao nhiêu người trong chúng ta sẽ phải chết trước khi vụ bắt cóc dừng lại?".
Tập tục "bắt cóc cô dâu", được biết đến ở địa phương là Ala Kachuu, có nguồn gốc từ quá khứ du mục của đất nước Trung Á này và kéo dài đến thời Liên Xô, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn. Theo tập tục này, một người đàn ông buộc phải đưa một phụ nữ hoặc một cô gái trẻ về nhà mình trước khi gây sức ép buộc cô ấy phải đồng ý kết hôn bằng cách viết một lá thư đồng ý.
Nhà báo Mahinur Niyazova, người đã đăng tải một dòng trạng thái trên Twitter kêu gọi biểu tình bên ngoài trụ sở Bộ Nội vụ, nói rằng vụ giết người cho thấy cảnh sát có những ưu tiên khác hơn là bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực. Niyazova, phó tổng biên tập của trang web tin tức nổi tiếng 24.KG, cho biết: "Không thể im lặng và chứng kiến cảnh bạo lực mà những người phụ nữ của chúng ta, những người không có bất kỳ quyền nào, phải chịu đựng".
Cuộc biểu tình đã thu hút khoảng 500 người và khiến Thủ tướng Ulugbek Maripov phải phát biểu trước những người biểu tình.
Ông yêu cầu họ "kiên nhẫn" và hứa rằng tất cả những ai liên quan đến vụ bắt cóc sẽ bị trừng phạt. Tổng thống Sadyr Japarov đã viết trên Facebook và mô tả cái chết của Aizada là "một bi kịch và nỗi đau không chỉ cho gia đình cô, mà còn là nỗi đau của cả cộng đồng".
Lần gần đây nhất, một vụ "bắt cóc cô dâu" dân dẫn đến tử vong khiến những người biểu tình xuống đường ở Kyrgyzstan là vào năm 2018, khi sinh viên y khoa 20 tuổi Burulai Turdaaly Kyzy bị giết trong đồn cảnh sát, nơi các cảnh sát đã để cô ngồi cùng với kẻ bắt cóc để thực hiện thẩm vấn.
Theo L.T (Pháp luật & Bạn đọc)