Vào thời Nam Đường, Trung Quốc, Tư đồ Chu Tông sinh được 2 người con gái đẹp như hoa như ngọc. Sau đó, cả 2 nàng đều kết hôn với hậu chủ Lý Dục, trở thành hoàng hậu liên tiếp của triều Nam Đường. Chuyện tình tay ba của 2 chị em ruột và hoàng đế cùng cái kết bẽ bàng đến nay vẫn được hậu thế truyền lại như một bài học về đạo làm người và quả báo.
Đại hoàng hậu hồng nhan bạc mệnh
Theo sử sách truyền lại, con gái cả của Tư đồ Chu Tông không những xinh đẹp mà còn tài giỏi. Nàng thông thạo sử sách, hiểu rõ về thi thơ, có tài kinh kịch, chơi cờ và đàn tỳ bà. Cả tài năng và nhan sắc của bà đã mê hoặc vô số người.
Khi Chu Thị 19 tuổi, nhà vua muốn tán thưởng Tư đồ Chu Tông nên đã ban hôn cho bà với Ngô vương Lý Dục. Đến khi nhà vua băng hà, Lý Dục lên kế vị, Chu thị trở thành Quốc hậu Nam Đường, sau được gọi là Đại Chu hậu. Sự kết hợp giữa Lý Dục và Đại Chu hậu từng được ca ngợi là trai tài gái sắc, là cặp uyên ương bao người ca ngợi, ngưỡng mộ.
Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, năm 964 sau Công nguyên, Đại Chu hậu mắc bệnh hiểm nghèo nên đã đem theo cậu con trai 4 tuổi là Lý Trọng Tuyên đến một biệt viện khác để chăm sóc. Không ngờ khi Lý Trọng Tuyên đang chơi đùa trước tượng Phật, vô tình để mèo làm đổ chân đèn. Cậu bé sợ hãi sinh bệnh rồi qua đời. Đại Chu hậu mắc bệnh lâu ngày không khỏi nay càng nặng hơn. Cuối cùng, nàng qua đời ở tuổi 29.
Bất hạnh thực sự của Đại Chu hậu
Trên thực tế, Đại Chu hậu còn phải chịu một bất hạnh khác trong thời gian lâm bệnh, bắt nguồn từ người em gái ruột nàng từng rất mực yêu thương. Khi Đại Chu hậu thành thân với Lý Dục, em gái bà là Chu Gia Mẫn mới chỉ 4-5 tuổi. Một cô bé tầm tuổi đó thường xuyên ra vào cung điện dường như là điều vô hại.
Về sau, khi Đại Chu hậu ngã bệnh, nàng hay tin em gái và chồng đã qua lại với nhau. Khi Chu Gia Mẫn đến thăm, Đại Chu hậu hỏi ra mới biết cô em gái đã vào cung từ lâu. Lúc này, Đại Chu hậu càng chắc chắn việc Lý Dục đã nạp em gái mình làm thiếp.
Phát hiện sự thật bẽ bàng, Đại Chu hậu vô cùng oán hận, nàng từ mặt cả chồng lẫn em gái đến tận khi qua đời. Nói cách khác, ngoài bệnh tật bản thân, cái chết của con trai và mối quan hệ trái luân thường đạo lý giữa chồng và em gái đã khiến Đại Chu hậu ra đi nhanh hơn.
Cái kết cho cặp đôi anh rể - em vợ lăng loàn
3 năm sau khi Đại Chu hậu qua đời, Chu Gia Mẫn được Lý Dục phong hậu bất chấp sự phản đối của quần thần. Dù tài năng kém xa chị gái nhưng Tiểu Chu Hậu lại sở hữu nhan sắc khuynh quốc khuynh thành. Chính vì vậy, nàng đã chiếm trọn trái tim Lý Dục, tình cảm tiến triển và sâu sắc hơn cả đối với Đại Chu hậu.
Đến được với nhau nhưng cặp đôi Lý Dục - Tiểu Chu hậu cuối cùng lại chịu kết cục bi thảm khi đất nước rơi vào cảnh diệt vong. Vào năm 975 sau Công nguyên (11 năm sau cái chết của Đại Chu hậu), Tống Thái Tổ - Triệu Khuông Dẫn đã chinh phạt Nam Đường, đánh vào tận thủ đô Kim Lăng. Sau khi đầu hàng, Lý Dục và Tiểu Chu hậu được tha chết nhưng bị đưa đến Biện Kinh để giám sát.
Người ta nói rằng Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa luôn thèm muốn vẻ đẹp của Tiểu Chu hậu nên đã cưỡng bức ép nàng hầu hạ. Lý Dục nước mất nhà tang, thấy mỹ nhân của mình bị làm nhục cũng chẳng thể làm gì.
Vào lễ Thất tịch năm 978, trùng với sinh nhật Lý Dục, các phi tần và thê thiếp của ông, bao gồm cả Tiểu Chu hậu đã cùng nhau viết thơ để tưởng nhớ quê hương. Tống Thái Tông hay tin đã vô cùng nổi giận, ban rượu độc cho Lý Dục. Không dám trái lệnh, Lý Dục uống thuốc xong thì tứ chi co quắp, đầu gập vào chân và chết trong đau đớn.
Về phần Tiểu Chu Hậu, sau cái chết của Lý Dục không lâu thì nàng cũng qua đời mà không rõ nguyên nhân. Sau khi cướp đoạt hạnh phúc từ tay chị gái, nàng phải chịu cảnh nước mất nhà tan, nỗi nhục làm thiếp kẻ thù và cuối cùng ra đi cô quạnh.
Người đời sau vẫn coi câu chuyện về cuộc đời hoàng đế và 2 vị hoàng hậu Nam Đường này như một bài học về đạo làm người. Tuy nhiên, rất nhiều thông tin về bùng binh tình cảm và cái chết của họ không được tìm thấy trong sách sử chính thống. Do đó, chúng ta chỉ có thể coi đây là một câu chuyện để tham khảo, chiêm nghiệm mà thôi.
Theo Bảo Linh (Phụ nữ & Pháp luật)